Chùa Linh Ứng - một trong những điểm du lịch tâm linh rất nổi tiếng tại Đà Nẵng

07:43 23/11/2021

Chùa Linh Ứng là một trong những điểm du lịch tâm linh rất nổi tiếng tại Đà Nẵng. Nơi đây nổi tiếng với văn hóa tâm linh tôn nghiêm, kèm theo đó là vẻ đẹp của non nước hữu tình khiến du khách siêu lòng mỗi dịp ghé thăm.Ngôi cổ tự nằm trên ngọn Thủy Sơn, ngọn núi lớn nhất của Ngũ Hành Sơn. Chùa được trùng tu nhiều lần.

Bên trong thờ Ba pho tượng tam thế Phật, Phổ Hiền Bồ tát, Văn Thù Bồ tát, chính điện thờ Thích Ca Như Lai, bên phải chính điện thờ Quán Thế Âm, bên trái thờ Địa Tạng vương , 2 pho Hộ Pháp. Góc Chánh điện thờ 18 vị La Hán. Trong chùa còn lưu giữ 2 hiện vật quý hiếm: hai biển vàng – một biển đề “Ngự chế ưng chơn tự Minh Mạng lục niên” và một biển đề “Cải Tử” nghĩa là đổi lại thành Linh Ứng tự. 

 Chùa Linh Ứng Đà Nẵng là điểm du lịch tâm linh lý tưởng.

Theo lịch sử ghi lại thì: Chùa Linh Ứng Non Nước Đà Nẵng được hình thành bởi một vị tiền hiền hiệu là Quang Chánh, thế danh Bửu Đài, người ở làng Khái Đông, thuộc phường Hòa Hài, quận Ngũ Hành Sơn ngày nay. Khi đến ẩn tu tại động Tàng Chơn vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVII, vị tiền hiền này đã lập ra một thảo am trước động gọi là Dưỡng Chơn Am, sau đó ông thành tu sửa thành chùa và đổi tên thành Dưỡng Chơn Đường. Trong một lần ngự du đến Ngũ Hành Sơn, vua Gia Long đã ghé thăm Dưỡng Chơn Đường, cho xây lại quy mô hơn và đổi tên thành Ngự chế Ứng Chơn Tự.

Vào năm 1825, chùa được xây dựng lại bằng gạch ngói khang trang hơn, được sắc phong Quốc Tự và đổi tên thành Ứng Chơn Tự. Đồng thời, vua Minh Mạng còn cho xây dựng hai con đường bậc cấp dẫn lên núi: đường ở cổng phía Tây dẫn lên chùa Tam Thai với 156 bậc cấp và đường ở cổng phía Đông dẫn lên chùa Ứng Chơn có 108 bậc cấp. Ngày nay, hai con đường này vẫn còn được giữ gìn và hầu hết du khách lên núi Thủy Sơn đều leo lên theo cổng phía Tây và đi xuống ở cổng phía Đông.

Vào năm 1891, khi ngự giá đến Ngũ Hành Sơn viếng chùa và tổ chức trai đàn cầu Quốc thái dân an, vua Thành Thái sợ chữ “Chơn” phạm húy đến một vị vua triều Nguyễn (là vua Dục Đức cha của mình) nên đã đổi tên chùa thành Linh Ứng Tự và tên này được giữ cho đến ngày nay.

Kiến trúc: Tọa lạc trên cụm Hạ Thai, ngọn núi Thủy Sơn với kiểu kiến trúc hình chữ Nhất. Cũng như hai ngôi chùa cùng mang tên Linh Ứng trên địa bàn thành phố là chùa Linh Ứng Bãi Bụt Đà Nẵng và chùa Linh Ứng Bà Nà Đà Nẵng, chùa Linh Ứng Non Nước cũng có một bức tượng Phật trắng muốt đặt trong khuôn viên. Tượng có chiều cao 10m, ngồi trong tư thế tựa lưng vào núi và hướng mặt về phía chùa.

Bước vào chánh điện chùa, du khách sẽ được chiêm bái bức tượng Phật Thích Ca uy nghiêm ở giữa, bên phải là tượng Phật Di Lặc và bên trái là Phật A Di Đà, gọi là Tam Thế Phật. Gian giữa còn có tượng Bồ Tát là Bồ Tát Phổ Hiền và Bồ Tát Văn thù. Hai gian bên của chánh điện thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và Địa Tạng Vương Bồ Tát.

Đến năm 1993, Thượng tọa Thích Thiện Nguyện tổ chức đại trùng tu chùa, cho sửa chánh điện, xây đài Quan Thế Âm và đắp tượng Đức Phật Thích Ca. Ngoài ra, sau chùa còn có động Tàng Chơn rộng 7m và dài 10m, được phát hiện vào thời Lê Cảnh Hưng. Bên trong động có thờ bức tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn bằng xi măng.

Nhiều người dân Đà Nẵng tin rằng từ khi có tượng Bồ Tát Quan Thế Âm ở chùa Linh Ứng, cuộc sống của người dân quanh vùng trở nên bình yên và sung túc hơn, thiên tai cũng ít khi đổ vào. Một số người cũng bán tín bán nghi nhưng một điều không thể phủ nhận được là những câu chuyện này đã khiến cho chùa Linh Ứng Non Nước nhuốm thêm màu sắc huyền bí, củng cố niềm tin cho những người con Phật và những ai chưa tìm được chỗ dựa vững chắc cho tâm linh.

Vũ Tiến