IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

22:10 26/07/2022

Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đồng thời cảnh báo những rủi ro do lạm phát leo thang và cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine khiến thế giới có thể sẽ sớm ngấp nghé bờ vực suy thoái.

Một công trường ở Bắc Kinh. IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc 1,1 điểm phần trăm xuống 3,3% cho năm 2022. © Reuters

Một công trường ở Bắc Kinh. IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc xuống 3,3% cho năm 2022. Ảnh: Reuters.

Nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm thứ Ba (26/7) trong một cuộc họp báo trực tuyến để cập nhật bản mới nhất của báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới được ấn bản vào tháng 4 cho biết: "IMF đã hạ dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2022 xuống 3,2% và khu vực châu Á xuống 4,6% trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc suy thoái và ảnh hưởng từ cuộc chiến giữa Nga và Ukraine".

Bản cập nhật cho biết, triển vọng tăng trưởng có thể xấu đi trong tương lai bởi những ảnh hưởng từ bên ngoài. Những ảnh hưởng đó là cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine khiến mọi thứ khó có thể đoán trước, khả năng cắt xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga sang châu Âu, lạm phát trở nên tồi tệ hơn và các lệnh phong tỏa đối phó với COVID-19 ở Trung Quốc. Dự báo mới nhất cho thấy, mức giảm 0,4 điểm phần trăm đối với tăng trưởng toàn cầu và 0,8 điểm đối với khu vực châu Á. 

Tuy nhiên, dự báo năm 2022 cho khu vực ASEAN-5, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam vẫn không thay đổi ở mức 5,3%. Dự báo tăng trưởng năm 2023 của khu vực này đã bị hạ 0,8 điểm xuống 5,1%.

Tổng sản phẩm quốc nội thực tế của thế giới ước tính sẽ giảm trong quý 2, lần giảm đầu tiên kể từ năm 2020, theo bản cập nhật cho biết. IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc 1,1 điểm xuống 3,3%, đây sẽ là mức tăng trưởng chậm nhất trong hơn 40 năm, không kể sự khởi đầu của đại dịch COVID-19.

Bản cập nhật cho biết thêm, các đợt phong tỏa đối phó với COVID-19 và cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng trầm trọng đang thúc đẩy sự suy thoái kinh tế ở Trung Quốc.

Tăng trưởng của Nhật Bản được điều chỉnh giảm 0,7 điểm xuống 1,7%. Trong khi đó, Ấn Độ, quốc gia có dự báo tăng trưởng cao nhất so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào, đã bị hạ 0,8 điểm xuống 7,4%.

"Đối với Ấn Độ, bản sửa đổi chủ yếu phản ánh các điều kiện bên ngoài kém thuận lợi hơn và việc thắt chặt chính sách nhanh chóng hơn", bản cập nhật cho biết.

Tăng trưởng thấp hơn vào đầu năm nay, lạm phát cao hơn dự kiến ​​và chi tiêu tiêu dùng đáng thất vọng đã làm giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ 1,4 điểm xuống 2,3%. Bản cập nhật kêu gọi các nhà hoạch định chính sách ưu tiên kiểm soát lạm phát càng sớm càng tốt.

Về lạm phát, IMF dự báo tỉ lệ lạm phát trong năm 2022 ở các nền kinh tế phát triển sẽ lên tới 6,6%, tăng so với mức dự đoán 5,7% đưa ra hồi tháng 4. Trong khi đó, tỉ lệ lạm phát ở các nền kinh tế phát triển sẽ tiếp tục tăng trong một thời gian dài hơn so với dự đoán trước đây. Còn tỉ lệ lạm phát ở các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển hiện được dự báo lên tới 9,5% năm 2022, tăng so với mức dự báo 8,7% IMF đưa ra hồi tháng 4.

IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 từ mức 3,6% đưa ra hồi tháng 4 xuống 2,9% do tác động của chính sách tiền tệ bị thắt chặt.

Trong một tuyên bố, nhà kinh tế trưởng Olivier nêu rõ: "Triển vọng trở nên u ám kể từ tháng 4. Thế giới có thể sẽ sớm ngấp nghé bờ vực suy thoái toàn cầu, chỉ 2 năm sau lần suy thoái mới đây nhất".

Lyly