Hội chứng Karoshi - Chết do làm việc quá sức

00:00 12/10/2020

Hiện tượng chết do làm việc quá sức (karoshi) ở Nhật Bản đã trở nên khá phổ biến và trở thành vấn nạn của xã hội. Năm 2014, Nhật Bản ban hành Luật Về thúc đẩy phòng chống karoshi nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết tình trạng này.

Karoshi - chết do làm việc quá sức

Karoshi hay “quá lao tử” là một thuật ngữ tiếng Nhật, được sử dụng rộng rãi để chỉ những cái chết do làm việc quá sức gây nên.

Đây là một hiện tượng tương đối đặc biệt, phát sinh trong bối cảnh xã hội đương đại. Hiện tượng chết (hệ quả nghiêm trọng nhất của quá trình làm việc cao độ) chủ yếu tập trung ở những quốc gia Đông Á có nền kinh tế phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản và chưa đủ sức để trở thành một tâm điểm nghiên cứu quốc tế dưới góc độ kinh tế hay xã hội. Tuy nhiên, tại Nhật Bản – nơi lần đầu tiên ghi nhận những cái chết vì lý do làm việc quá sức, hiện tượng này đang dần trở nên phổ biến hơn, có xu hướng tăng đều qua các năm đã thể hiện tính cấp bách hàng đầu, phát triển thành một vấn nạn, thách thức nỗ lực xây dựng một nền kinh tế ổn định, một môi trường lao động lành mạnh của Nhà Nước Nhật Bản.

Về giải pháp, Chính phủ nước này đã và đang  có xu hướng can thiệp trực tiếp hay gián tiếp vào hoạt động kinh doanh và sử dụng nhân công của các doanh nghiệp Nhật Bản, chủ yếu thông qua con đường pháp lý. Mặc dù hiệu quả của các giải pháp này vẫn còn đang trong vòng tranh luận, nhưng đây vẫn là một trong những hướng giải quyết được ưu tiên hàng đầu do tính chất bắt buộc chung của nó. Tuy nhiên, chỉ từ thập niên 80 của thế kỷ XX, xã hội Nhật Bản mới bộc lộ mối quan ngại tới hiện tượng này, sau khi một số nhân viên quản lý cấp cao đột tử không rõ nguyên nhân.

Nhìn dưới góc độ xã hội, karoshi giống như nhiều hiện tượng xã hội khác, phát sinh từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về khách quan, hiện tượng karoshi nảy sinh từ thực tế của thị trường lao động Nhật Bản. Trong xã hội hiện đại, khi sức lao động đã được thừa nhận là một loại hàng hóa đặc biệt, sự cạnh tranh việc làm là một xu hướng tất yếu. Mặt khác, tại các nước phát triển như Nhật Bản, việc đầu tư công nghệ cao, tự động hóa sản xuất đang ngày càng được chú trọng thay cho việc sử dụng nhiều nhân công. Về chủ quan, con người Nhật Bản nói chung và người lao động nói riêng có xu hướng tôn trọng người “bề trên”, mỗi cá nhân của xã hội Nhật Bản đương đại luôn được đánh giá dựa trên địa vị xã hội của họ. Trong lĩnh vực lao động, điều này dẫn tới hệ quả là người lao động ít khi có ý kiến về chính sách lao động do người sử dụng lao động đưa ra, hay nói cách khác, người lao động chịu sự lệ thuộc gần như hoàn toàn  vào người sử dụng lao động. Mặt khác, tinh thần trách nhiệm và tư tưởng cống hiến của người Nhật Bản rất cao, đặc biệt là đối với công việc, nên họ thường hi sinh lợi ích cá nhân của mình cho lợi ích tập thể, mà một trong những biểu hiện rõ ràng nhất là việc luôn luôn chấp nhận làm thêm giờ. Như vậy, có thể khẳng định đối với sự hình thành và phát triển của hiện tượng karoshi, yếu tố thị trường lao động đóng vai trò là điều kiện cần, còn yếu tố từ phía con người đóng vai trò là điều kiện đủ. Điều này giải thích lý do tại sao hiện tượng chết vì làm việc quá sức diễn ra một cách phổ biến tại các nước Đông Á, đặc biệt là Nhật Bản, trong khi thị trường lao động của nhiều quốc gia phát triển trên thế giới cũng tồn tại sự cạnh tranh khốc liệt tương tự, nhưng hiện tượng chết vì làm việc quá sức chỉ diễn ra đơn lẻ, mang tính chất cục bộ.

Xét dưới góc độ y học, nguyên nhân dẫn tới karoshi là những bệnh lý thần kinh và tim mạch có nguyên căn trực tiếp từ làm việc quá độ. Nạn nhân của hiện tượng này thường bị buộc phải làm việc liên tục dưới áp lực và stress trong một khoảng thời gian dài. Thông thường, nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tử vong ở những đối tượng này là  karoshi, mặc dù vẫn có một số ý kiến trái chiều. Việc xác định tự tử do làm việc quá sức có thuộc phạm trù karoshi hay không có ý nghĩa quan trọng trong việc quy kết trách nhiệm cho doanh nghiệp và trên cơ sở đó, gia đình nạn nhân có được nhận khoản tiền bồi thường hay không.

Thực trạng đáng báo động

Vấn đề tự tử do làm việc quá sức ở Nhật Bản có phải là karoshi hay không đã làm dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt. Làm việc quá sức, bị áp lực và stress có thể khiến người lao động phải tìm đến cái chết. Tuy nhiên, nếu cho rằng tự tử do làm việc quá sức thuộc phạm trù karoshi thì cũng chưa thực sự  thuyết phục: Người lao động mặc dù phải làm việc quá sức, nhưng không có nghĩa là họ không có bất cứ sự lựa chọn nào khác ngoài việc tự kết liễu cuộc đời của mình, họ luôn có những lựa chọn khác mà không cần dẫn tới cái chết. Lập luận này được các công ty bảo hiểm nhân thọ sử dụng khi từ chối chi trả cho những trường hợp người được bảo hiểm tự tử. Mặc dù vậy, cuối cùng, Luật Về thúc đẩy phòng chống karoshi được ban hành năm 2014, đưa ra quan điểm rõ ràng bằng việc ghi nhận tự tử có thể là karoshi. Ngoài ra, còn có những quy định về những bệnh lý, hội chứng khác là nguyên nhân dẫn đến karoshi. Những quy định này đóng vai trò là hành lang pháp lý cho việc giải quyết những vấn đề khác liên quan đến karoshi có thể phát sinh trong tương lai.

Hiện tượng làm việc quá sức đã hiện diện trong xã hội Nhật Bản từ sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, gắn liền với nhịp độ phát triển “thần tốc” của đất nước này, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Dường như, làm việc ngoài giờ đối với người lao động  đã không chỉ dừng lại ở một thói quen, mà còn phát triển thành một thứ văn hóa công sở, cho dù nhiều số liệu đã chứng minh thứ “văn hóa” này gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người lao động hơn là hiệu quả kinh tế nó đem lại. Hiện tại, trung bình số giờ làm việc của một lao động Nhật Bản là 2.000 giờ/ năm, nhiều hơn người lao động Đức và Pháp khoảng 400 giờ/năm. Sách trắng về phòng chống karoshi đầu tiên của Chính phủ Nhật Bản được công bố ngày 07/10/2016 đã chỉ ra rằng, cứ 5 công ty Nhật Bản thì có một công ty mà người lao động có nguy cơ chết do làm việc quá sức, 22,7% trong tổng số 1.743 công ty được khảo sát cho thấy người lao động làm việc thêm giờ ở mức trên 80 giờ/tháng; tỉ lệ người lao động phải làm việc nhiều hơn 49 giờ/tuần của Nhật Bản là cao nhất trong số các nước phát triển (21,3%), đồng thời 52,3% người lao động cảm thấy stress trong công việc.

Điều đáng nói là bản thân người lao động Nhật Bản biết rõ họ đang thường xuyên làm việc quá sức,  những hệ lụy nguy hiểm có thể phải hứng chịu, nhưng họ dường như có xu hướng thỏa hiệp, cam chịu thứ văn hóa khắc nghiệt này.

Karoshi là hệ quả của làm việc thêm giờ quá độ, nên có thể nói các phương pháp chủ đạo nhằm kiểm soát hiện tượng này đều xoay quanh việc hạn chế người lao động làm thêm giờ. Tuy nhiên, bản thân làm việc thêm giờ là một quyền của người lao động; hạn chế làm thêm giờ có thể là một hình thức giới hạn quyền tự do làm việc của họ. Nguyên tắc chung của pháp luật lao động các nước trên thế giới là người sử dụng lao động không có quyền buộc người lao động làm việc thêm giờ trái với ý muốn của họ, do đó, dường như việc người lao động làm việc thêm giờ hoàn toàn là kết quả của sự tự do lựa chọn của họ, nhìn dưới góc độ chủ quan. Từ đó đặt ra hai câu hỏi: Liệu pháp luật có được điều chỉnh vấn đề này? Nếu pháp luật được điều chỉnh, giới hạn của việc điều chỉnh là gì?

Xét dưới góc độ lý luận, Nhà nước chỉ can thiệp vào một quan hệ xã hội khi lợi ích của các bên tham gia quan hệ không thể dung hòa, hoặc làm ảnh hưởng tiêu cực đến các quan hệ xã hội khác. Thực tiễn cho thấy, Nhà nước nên và chỉ nên điều chỉnh các quan hệ xã hội trong phạm vi chức năng của mình, đó là bảo đảm quyền và lợi ích của các cá nhân, tổ chức, bảo đảm trật tự chung của xã hội. Vượt ngoài khỏi ranh giới ấy là những quyền tự do chính đáng của con người, Nhà nước không nên can thiệp, càng không nên điều chỉnh bằng pháp luật. Trong trường hợp này, mặc dù dường như việc hạn chế người lao động làm thêm giờ ảnh hưởng đến quyền tự do làm việc của họ, nhưng thực tế, nếu người lao động sẽ khó tránh khỏi tổn hại về thể chất và tinh thần, vậy nên Tổ chức Lao động quốc tế ILO mới ghi nhận các điều kiện và giờ làm việc trong các điều ước quốc tế về lao động. Chính vì thế, Nhà nước cần thiết phải can thiệp vào vấn đề này thông qua pháp luật, sử dụng pháp luật bảo vệ người lao động, bảo vệ thị  trường lao động, cho dù việc điều chỉnh này tưởng chừng làm hạn chế quyền của người lao động. Từ đây, cũng có thể rút ra câu trả lời cho câu hỏi thứ hai: Giới hạn của việc điều chỉnh được xem xét dựa trên mối tương quan giữa sự cần thiết phải bảo vệ sức khỏe người lao động làm thêm giờ và quyền làm thêm giờ của họ. Nếu người lao động làm thêm giờ mà vẫn đảm bảo được thời giờ nghỉ ngơi, vẫn tái sản xuất lại sức lao động đã hao phí thì pháp luật không có quyền cấm đoán.

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Hiện nay, thứ “văn hóa” làm việc quá sức này đã gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người lao động. Nó đang trở thành một thực trạng phổ biến, đáng báo động không chỉ riêng ở Nhật Bản mà còn ở nhiều quốc gia Đông Á.

Phan Vũ