Hiệu quả từ phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở huyện Ea Kar

16:10 26/12/2022

Những năm qua, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk đã phát huy lợi thế và tiềm năng hiện có để phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt trong 5 năm trở lại đây, huyện đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện Nghị Quyết số 04, ngày 14 tháng 10 năm 2016 của Tỉnh ủy Đăk Lăk về “tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới đã từng bước nâng cao được đời sống cho người dân và làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn.

 Nằm ở phía Đông tỉnh Đắk Lắk, huyện Ea Kar có diện tích tự nhiên 103.747 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 55.000 ha, tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm khoảng 50% cơ cấu kinh tế của địa phương. Xác định nông nghiệp là ngành mũi nhọn, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, nên những năm qua, huyện Ea Kar đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp phát triển.

Theo đó, bám sát Nghị Quyết số 04, ngày 14 tháng 10 năm 2016 của Tỉnh ủy Đăk Lăk về “tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, từ cuối năm 2017, Huyện ủy Ea Kar đã xây dựng Chương trình số 14 và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ea Kar cho biết: “Thực hiện Nghị Quyết số 04 của Tỉnh ủy Đăk Lăk và Chương trình số 14 của Huyện ủy Ea Kar, thời gian qua, chúng tôi đã tập trung tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai, xây dựng kế hoạch thực hiện… tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn vừa qua đó là chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ cho các hợp tác xã, tổ hợp tác; tập trung tổ chức sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn, chất lượng; xây thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ hiệu quả hoạt động đối với hình thức tổ chức sản xuất, như: hợp tác xã nông nghiệp, các tổ hợp tác…”

Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Nguyễn Văn Hà (bìa phải) tham quan gian trưng bày sản phẩm cây ăn quả tại Hội thảo phát triển cây ăn quả huyện Ea Kar.
Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Nguyễn Văn Hà (bìa phải) tham quan gian trưng bày sản phẩm cây ăn quả tại Hội thảo phát triển cây ăn quả huyện Ea Kar.

Để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững, thời gian qua huyện Ea Kar đã ưu tiên các nguồn lực tập trung đầu tư phát triển các vùng sản xuất hàng hóa nông sản chủ lực; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng thâm canh, tăng vụ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng các giống mới có năng suất, chất lượng cao, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, người nông dân cũng đã mạnh dạn đầu tư các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp như máy gặt đập liên hợp, máy sấy, máy phun thuốc, máy cày, máy kéo… Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của huyện Ea Kar đạt trên 80%.

Từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ, độc canh cây lúa, đến nay sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Ea Kar ngày càng đa dạng, dần hình thành các vùng sản xuất tập trung, như: vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao tại các xã Ea Ô, Ea Pal, Cư Ni, Cư Elang, Ea Kmút; vùng trồng cây ăn quả Bưởi, Cam, Quýt, Vải, Nhãn…ứng dụng công nghệ cao tại các xã Ea Týh, Cư Elang, xã Ea Sar, xã Ea Sô; vùng sản xuất rau, củ, quả thực phẩm ứng dụng công nghệ cao tại các xã Ea Kmút, xã Ea Ô. Bên cạnh đó, huyện cũng đã xác định vùng chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, gồm: chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt, bò sữa tại các xã Ea Kmút, Ea Pal, Xuân Phú, Cư Elang, Cư Bông; vùng chăn nuôi heo tại các xã Ea Týh, Ea Kmút, Ea Sar, Ea Đar, Ea Sô; vùng chăn nuôi gia cầm, chủ yếu là gà thịt, gà lấy trứng tại các xã Ea Týh, Ea Sô, Ea Sar, Cư Ni. Ngoài ra, huyện còn có vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, sản xuất giống thủy sản tại xã Cư Ni; nuôi cá lồng nước ngọt tại các xã Cư Yang, Cư Elang; vùng đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến, sơ chế sản phẩm nông nghiệp tại cụm công nghiệp Ea Đar v.v...

 “Về lúa sản xuất ở Tây Nguyên thì sản lượng không so được với các tỉnh miền Tây. Chính vì nhận thức được như vậy nên chúng tôi đi sâu vào chất lượng cao và áp dụng những biện pháp thâm canh tốt, như sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap, tiêu chuẩn Globgap. Từ năm 2020 đến nay, chúng tôi cũng đã và đang thực hiện sản xuất sâu bằng việc sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh trên đồng ruộng nhằm tạo ra những sản phẩm lúa, gạo chất lượng chứ không chạy theo số lượng…”  - ÔngTrịnh Xuân Tài, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 721 chia sẻ.

Từ một đơn vị chỉ thuần sản xuất lúa và cà phê, năm 2015, Công ty TNHH MTV Cà phê 721 đã chuyển hướng đột phá sang chế biến, kinh doanh dịch vụ với hướng đi chủ lực là cây lúa nhằm phát huy lợi thế về đất đai, khí hậu để tạo ra những giống lúa chất lượng cao, thơm ngon, đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo đó, Công ty đã mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng hệ thống chế biến liên hoàn sau thu hoạch, gồm: sấy, xay xát gạo thành phẩm với công nghệ hiện đại, sản xuất gạo theo tiêu chuẩn VietGAP, chế biến theo tiêu chuẩn HACCP, vận hành chuỗi sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ theo tiêu chuẩn hệ thống chất lượng ISO 9001:2015… Nhờ đó, thương hiệu “Gạo 721 - Tốt cho mọi nhà” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, được bình chọn là Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2017, 2018, đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2017, cấp khu vực năm 2018 và cấp quốc gia năm 2019…

Trong thời gian qua, huyện Ea Kar đã triển khai thực hiện nhiều mô hình áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trong sản xuất nông nghiệp theo Quyết định số 2041/QĐ-UBND, ngày 03/8/2017 và các chính sách hỗ trợ việc áp dụng VietGAP theo Quyết định số 08/QĐ-UBND, ngày 28/02/2017 của UBND tỉnh Đắk Lắk, như: cam, quýt, bưởi da xanh (31,8ha), vải (30 ha), nhãn Hương Chi (35 ha), Thịt Heo rừng thương phẩm (500 con với sản lượng 15 tấn/năm), lúa gạo (30 ha)... Một số sản phẩm nông sản trên địa bàn huyện đã xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu, mã vùng trồng... như sản phẩm “Gạo 721” Tốt cho mọi nhà; Nhãn hiệu tập thể “Bò Thịt Ea Kar”, “Gà Thịt Ea Kar”. Hiện nay, một số sản phẩm đang tiếp tục được triển khai tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng và xây dựng nhãn hiệu tập thể như Nhãn Hương Chi, Ca cao, các loại trái cây sấy khô…Trên địa bàn huyện cũng ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra các sản phẩm có năng suất, chất lượng cao; đã hình thành một số liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Các hình thức tổ chức sản xuất, như: hợp tác xã, tổ hợp tác được hình thành và hoạt động có hiệu quả.

Ông Thái Đăng Đàm, Chủ tịch kiêm Giám đốc Hợp tác xã Ca cao huyện Ea Kar cho biết:“Về mối liên kết trong sản xuất thì từ khi thành lập hợp xã đến nay, nông dân chúng tôi được nghiên cứu giống và được tham gia các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật; được hỗ trợ sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản phẩm ca cao của chúng tôi đang được đối tác Bỉ thu mua. Theo đó, 1kg ca cao khô khi bán ra, người nông dân được thưởng thêm 3.600đ, hợp tác xã được hưởng 1.000đ… Còn liên kết với công ty Môi trường Sài Gòn thì mỗi năm họ hỗ trợ cho hợp tác xã một số cây ăn quả, cây trồng rừng…để chúng tôi trồng nhằm che bóng cho cây ca cao… Vì thế, thành viên hợp tác xã rất mặn mà tham gia hợp tác xã”

Hiện nay, các hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác trên địa bàn huyện Ea Kar đang phát huy tốt vai trò liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ cung ứng dịch cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Riêng trong năm 2022, huyện có 7 hợp tác thành lập mới, đạt 175% chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra. Toàn huyện có 59 hợp tác xã, 1 chi nhánh hợp tác xã, 18 tổ hợp tác và 130 trang trại đang hoạt động, chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Huyện đã kịp thời hỗ trợ 350 triệu đồng và đề nghị tỉnh hỗ trợ 10 tỷ đồng cho một số hợp tác xã trên địa bàn mua sắm trang thiết bị sản xuất và làm đường giao thông nội đồng.

Người dân thôn 7 xã Ea Đar đóng góp tiền và ngày công xây dựng đường giao thông nông thôn
Người dân thôn 7 xã Ea Đar đóng góp tiền và ngày công xây dựng đường giao thông nông thôn.

Đến cuối năm 2022, tổng nguồn vốn huy động đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Ea Kar đạt trên 240 tỷ đồng. Huyện đã đạt và cơ bản đạt 235 tiêu chí, bình quân mỗi xã đạt 16,78 tiêu chí, bằng 96,03%. Huyện đã có 7 xã là Ea Ô, Cư Ni, Ea Tih, Ea Đar, Ea K’Mút, Cư Huê và Xuân Phú đạt chuẩn nông thôn mới. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, huyện cũng đã có 3 sản phẩm được tỉnh cấp chứng nhận 3 sao. Năm 2022, huyện đã đánh giá 7 sản phẩm, trong đó có 2 sản phẩm 4 sao, 5 sản phẩm 3 sao và đã gửi tham gia đánh giá xếp hạng cấp tỉnh.

Như vậy, việc triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong những năm qua đã có tác động hỗ trợ trực tiếp trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả trong triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thông qua việc nâng cao giá trị, hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho cư dân ở nông thôn, từng bước giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần hoàn chỉnh, công khai các quy hoạch về phát triển sản xuất nông nghiệp, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đồng thời tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn; kết cấu hạ tầng nông thôn về giao thông, thủy lợi đã được đầu tư nâng cấp, hình thành được các vùng sản xuất chuyên canh; khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tại địa phương.

 Từ năm 2016 đến năm nay, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp của huyện Ea Kar đạt 5,9%/năm. Riêng năm 2022, đạt 6,87%. Năm 2016, tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 4.399 tỷ đồng, năm 2022 tăng lên 8.904,5tỷ đồng. Tỷ trọng ngành nông nghiệp năm 2016 là 63,2%, đến năm 2022 là 43,7%. Năm 2022, giá trị sản xuất bình quân đầu người của huyện Ea Kar đạt 135,68 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện theo chuẩn mới còn 10,2%, bình quân hàng năm giảm trên 3%. Sản xuất nông nghiệp đã góp phần vào tạo việc làm, tăng thu nhập, đẩy mạnh giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, trật tự, an toàn xã hội và xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống cho người dân.

Xã Cư Huê chính thức được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 5 năm 2022
Xã Cư Huê chính thức được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 5 năm 2022.

Theo ông Lê Đình Chiến, Phó chủ tịch UBND huyện Ea Kar: “Hiện nay, huyện Ea Kar đã và đang thực hiện quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030. Theo đó, huyện có khoảng 5.000 ha đất nông nghiệp khác để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực chăn nuôi, công nghệ, trồng các loại cây được liệu hoặc các loại hoa… Việc ổn định quy hoạch là một trong những điều kiện thuận lợi để huyện kêu gọi, thu hút đầu tư. Vấn đề này, huyện đang kết hợp với chương trình phát triển đô thị, xây dựng huyện Ea Kar trở thành thị xã trước năm 2025. Khi được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt quy hoạch sử dụng đất ổn định thời kỳ 2021-2030 cho huyện thì huyện sẽ xin tỉnh cho huyện xây dựng một chương trình kêu gọi, thu hút đầu tư riêng vào các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, phát triển kinh tế - xã hội nói chung và nông nghiệp nói riêng”       

Hiện nay, trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn, huyện Ea Kar đang tập trung phát triển kinh tế tập thể nhằm tạo “cầu nối” liên kết nông dân với doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị bền vững. Những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ea Kar trong việc thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy Đắk Lắk về “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” trong những năm vừa qua đã tạo ra những chuyến biến ngày càng rõ nét trong trồng trọt, chăn nuôi… xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp - nông thôn, giải quyết việc làm và thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân địa phương, đưa chương trình xây dựng nông thôn mới của các xã trên địa bàn sớm đạt được kết quả. Huyện Ea Kar đang quyết tâm phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện sẽ có 85% xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; giá trị tăng thêm bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn đạt 70 triệu đồng; huyện có ít nhất 12 sản phẩm đạt chứng nhận Ocop từ 3 sao trở lên. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân tiếp tục được nâng cao.

Hy vọng rằng với những nỗ lực và quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng và phát triển nền nông nghiệp bền vững nâng cao chất lượng, giá trị của nông sản địa phương sẽ tiếp tục được huyện Ea Kar thực hiện đạt hiệu quả thiết thực, góp phần đưa huyện Ea Kar trở thành thị xã trước năm 2025./.

Nguyễn Hiếu