Hành trình trở thành thương hiệu mì được yêu thích nhất thế giới của Indomie

09:54 11/10/2021

Indomie đã củng cố vị thế là sản phẩm xuất khẩu được yêu thích nhất của Indonesia, sau khi trở thành thương hiệu duy nhất được đề cập hai lần trong bảng xếp hạng mì ăn liền ngon nhất thế giới của Tạp chí New York. Danh sách được bình chọn bởi các nhà phê bình ẩm thực và đầu bếp Hoa Kỳ, phân loại 10 hãng mỳ ngon nhất theo các tiêu chí: nước súp, nước sốt và độ cay.

ơn 15 tỷ gói Indomie được sản xuất mỗi năm
ơn 15 tỷ gói Indomie được sản xuất mỗi năm. (Ảnh: Facebook) 

Theo đó, Mi Goreng, vị truyền thống của Indomie và hương vị thịt gà đứng đầu danh sách mì ăn liền với nước sốt ngon nhất. Nhà phê bình ẩm thực Soleil Ho chia sẻ với tạp chí New York rằng, cô đã ăn Indomie từ khi còn học tiểu học, các anh chị em sẽ tự chuẩn bị món mì xào khi bố mẹ đi vắng và thêm một quả trứng chiên. Tại Đức, nghiên cứu Tiến sĩ Pia Dannhauer chia sẻ, Indomie là niềm vui trong mọi bữa trưa khi còn học đại học ở Hà Lan: "Tôi và các bạn cùng phòng có thể ăn Indomie bất cứ lúc nào".

Một thương hiệu được toàn thế giới yêu thích

Những trải nghiệm của Ho và Dannhauer phần nào giải thích nguyên nhân tại sao Indomie là thương hiệu mì ăn liền được yêu thích trên toàn thế giới: ngon, rẻ, đa năng và tiện lợi. Hương vị Mi Goreng mang tính biểu tượng được ra mắt vào năm 1983 và được người Indonesia cũng như người hâm mộ nước ngoài yêu thích kể từ đó. Khi nhà sáng tạo hương vị Nunuk Nuraini qua đời vào tháng Giêng năm nay, toàn thể những người yêu mì trên thế giới chia buồn tiếc thương và sự kiện trở thành tiêu đề trên các đầu báo toàn cầu. Mi Goreng thường đi kèm với dầu, nước tương ngọt, tương ớt, bột khô, bột ngọt và hẹ tây chiên. Để phục vụ khẩu vị địa phương, món mì được bán bên ngoài đảo Java thay tương ớt bằng bột ớt. Ở nước ngoài, hương vị được điều chỉnh theo từng khu vực. 

Nhà hàng Úc kết hợp mì Indomie với bánh mì nướng độc đáo
Nhà hàng Úc kết hợp mì Indomie với bánh mì nướng độc đáo. (Ảnh: Facebook) 

Đây không phải là lần đầu tiên Indomie lọt vào danh sách xếp hạng. Vào năm 2019, bảng xếp hạng sức mạnh mì ramen ăn liền của Los Angeles Times đã xếp hương vị gà nướng của Indomie lên vị trí đầu tiên với những lời khen có cánh "vô cùng tuyệt vời". Trên Youtube, Indomie thường được các vlogger thực phẩm so sánh với các hương vị mì gói ngon nhất. Ở nước láng giềng Malaysia, có một nhà hàng chuyên nấu các món từ mỳ Indomie được gọi là Indobowl. Xa hơn nữa, tại Nigeria, Indomie được chế biến với hải sản và rau củ, trong khi ở Úc, một cửa hàng cà phê địa phương đã kết hợp mì gói với bánh mì nướng. Năm 2019, hương vị Mi Goreng được yêu thích đến nỗi một cửa hàng ở Úc đã cho ra mắt nến thơm có mùi hương này và gây ra "bão mua hàng" tại thị trường Indonesia. 

Sự trỗi dậy của Indomie

Indomie được giới thiệu vào năm 1972 bởi Sanmaru Foods Manufacturing có trụ sở tại Medan. Năm 1984, công ty này đã mua lại nhà sản xuất mì Sarimi Asli Jaya, một công ty con của nhà máy bột mì Bogasari, thuộc sở hữu của chủ tập đoàn Trung Quốc - Indonesia, Liem Sioe Liong. Cùng với Salim Group của Liem, Sanmaru thành lập công ty có tên Indofood Interna Corporation.

Năm 1990, Liem thành lập Công ty Panganjaya Intikusuma, sau đó đổi tên thành Indofood Sukses Makmur và trở thành công ty mẹ của 18 công ty thực phẩm của Salim Group, bao gồm Indofood Interna Corporation, nhà sản xuất của Indomie. Điều này đánh dấu mạng lưới Indomie tại nước ngoài, bao gồm trụ sở đầu tiên ở Nigeria để phục vụ thị trường châu Phi vào năm 1995.

Ngày nay, Indomie đã có mặt ở khoảng 100 quốc gia và hơn 15 tỷ gói Indomie được sản xuất mỗi năm. Ngoài Nigeria, Indofood còn điều hành các nhà máy ở Kenya, Morocco, Serbia, Ả Rập Saudi, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ. Sự nổi tiếng của Indomie đã đi từ một món mì gói đơn thuần trở thành món ăn tinh thần của nhiều người tiêu dùng thế giới. Năm 2018, tờ Nine News Melbourne báo cáo rằng chính quyền bang Victoria chi hơn 500.000 đô la Úc (365.400 đô la Mỹ) để mua mì Indomie, loại mỳ ăn liền yêu thích của các tù nhân tại bang này trong hai năm.

TL