Giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% qua ngân hàng thương mại mới đạt 1%

09:10 24/08/2022

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Văn bản số 5251/BKHĐT-PTDN ngày 29/7/2022 giải đáp chi tiết về đối tượng được hỗ trợ lãi suất nhưng các ngân hàng thương mại vẫn lúng túng trong một số trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau 3 tháng triển khai, kết quả cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại còn hạn chế, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.100 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 1,02 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt 3.966 tỷ đồng.

Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, có thể đề cập tới 3 nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân chậm như hiện nay:

Thứ nhất, các ngân hàng gặp khó khăn trong xác định đối tượng hỗ trợ lãi suất. Mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Văn bản số 5251/BKHĐT-PTDN ngày 29/7/2022 giải đáp chi tiết về đối tượng được hỗ trợ lãi suất nhưng các ngân hàng thương mại vẫn lúng túng trong một số trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành.

Giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% qua ngân hàng thương mại mới đạt 1%
Giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% qua ngân hàng thương mại mới đạt 1%.

Thứ hai, nguyên nhân xuất phát từ khách hàng vay. Có nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại nhưng không có đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ.

Thứ ba, nguyên nhân xuất phát từ chính các ngân hàng thương mại. Các NHTM mất nhiều thời gian chuẩn bị, xây dựng hệ thống tự động để theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu báo cáo nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong công tác thanh, quyết toán, kiểm toán khi tham gia Chương trình được hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước.

Đề cập đến nguyên nhân tiến độ giải ngân thấp, ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiêp TP. Hồ Chí Minh chia sẻ rằng: “Rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay nhưng việc tiếp cận lại rất khó khăn do các ngân hàng đều trả lời là đang chờ quy định về quy trình cho vay và quyết toán”.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, các ngân hàng đều e ngại sẽ lặp lại tình trạng của năm 2009 khi triển khai gói hỗ trợ lãi suất. “Các ngân hàng cho biết, thời điểm đó nhiều khoản vay giải ngân nhưng không quyết toán được. Có trường hợp quyết toán xong nhưng khi kiểm toán, thanh tra NHNN kiểm tra thì không chấp nhận, khiến ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn sau đó”.

Mới đây, trong cuộc họp giữa Phó Thủ tướng Lê Minh Khái với Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tiến hành rà soát lại các quy định liên quan đến ngành nghề, đối tượng được hưởng, các điều kiện vay vốn… để kịp thời điều chỉnh hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải chủ động nắm bắt tình hình từ cơ sở, nếu phát hiện các khó khăn, vướng mắc thì kịp thời có các giải pháp khắc phục theo thẩm quyền, hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện sớm việc thành lập đoàn công tác để tiến hành khảo sát tình hình triển khai thực hiện của các ngân hàng thương mại, nắm bắt các vấn đề đặt ra trong thực tiễn để kịp thời có biện pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc của cơ sở.

P.V