Đồng Tháp: Bảo tồn và phát huy Nghề thủ công truyền thống

22:19 24/04/2021

Theo đó, từ nay đến năm 2023, tỉnh sẽ tập trung nâng cấp hạ tầng giao thông nội bộ làng nghề và kết nối giao thông giữa làng nghề với các trung tâm đô thị, kết nối tour - tuyến, đưa khách du lịch tham quan làng nghề; xây dựng khu trưng bày sản phẩm và bán sản phẩm lưu niệm, kết hợp phục vụ du khách trong các tour du lịch văn hóa làng nghề và du lịch mua sắm

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề thủ công truyền thống: “Nghề đóng xuồng, ghe” xã Long Hậu (huyện Lai Vung) và “Nghề dệt chiếu” xã Định Yên, Định An (huyện Lấp Vò), giai đoạn 2021 - 2025.

Mục đích của kế hoạch là bảo tồn, phát huy giá trị di sản Nghề thủ công truyền thống góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức sáng tạo của nhân dân gắn với phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn Tỉnh.

làng chiếu Định Yên đã trở thành
làng chiếu Định Yên đã trở thành "Di sản phi vật thể cấp quốc gia" được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận.

Quảng bá, nâng cao hình ảnh của tỉnh Đồng Tháp, đồng thời nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của hệ thống chính trị và cộng đồng về nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị của di sản Nghề thủ công truyền thống, đặc biệt đối với thế hệ trẻ.

Theo đó, từ nay đến năm 2023, tỉnh sẽ tập trung nâng cấp hạ tầng giao thông nội bộ làng nghề và kết nối giao thông giữa làng nghề với các trung tâm đô thị, kết nối tour - tuyến, đưa khách du lịch tham quan làng nghề; xây dựng khu trưng bày sản phẩm và bán sản phẩm lưu niệm, kết hợp phục vụ du khách trong các tour du lịch văn hóa làng nghề và du lịch mua sắm; hỗ trợ đầu tư sản xuất, xúc tiến, phân phối sản phẩm của “Nghề đóng xuồng, ghe” và “Nghề dệt chiếu”; liên kết các hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất trong làng nghề tham hội nghị, hội chợ kết nối cung cầu với các tỉnh, thành trong cả nước.

Phấn đấu đến năm 2025, nhân rộng các mô hình sản phẩm làng nghề phục vụ đời sống đương đại, mô hình phát triển làng nghề gắn kết với hoạt động du lịch, trải nghiệm hoạt động có hiệu quả; ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin trong hoạt động quảng bá giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề thủ công truyền thống trên các nền tảng mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Youtube...; tôn vinh nghệ nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nghề thủ công truyền thống...

 Trần Đạt