Đòn bẩy giúp phát triển kinh tế từ Quỹ hỗ trợ nông dân

15:20 04/03/2021

Là nguồn tín dụng giúp người nông dân phát triển sản xuất với lãi suất ưu đãi, Quỹ hỗ trợ nông dân (HTND) tỉnh Phú Thọ đã thực hiện tốt việc tư vấn sử dụng vốn vay, giúp nông dân trong tỉnh đầu tư xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao thu nhập

Đến thăm mô hình xưởng mộc của gia đình anh Hà Mạnh Tuyên, khu Vắng, xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn, là 1 trong 10 hộ hội viên nông dân của xã được vay vốn từ Quỹ HTND tỉnh để thực hiện dự án phát triển nghề mộc, anh cho biết: “Trước đây, gia đình tôi có truyền thống làm nghề mộc nhưng chưa có điều kiện mở xưởng. Năm 2019, được vay 60 triệu đồng từ nguồn quỹ HTND tôi đã mở xưởng mộc với đầy đủ các thiết bị máy móc như máy xẻ gỗ, máy cưa, máy cắt... quy mô sản xuất tăng gấp 2 - 3 lần, sản phẩm đa dạng, phục vụ công trình và nhu cầu tiêu dùng tại địa phương, đem lại thu nhập gần 300 triệu đồng/năm, nhờ đó cuộc sống gia đình ngày càng ổn định”. 

Từ nguồn vốn vay quỹ HTND, anh Hà Vưn Tuyên, xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn phát triển nghề mộc đem lại thu nhập ổn định cho gia đinh
Từ nguồn vốn vay quỹ HTND, anh Hà Vưn Tuyên, xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn phát triển nghề mộc đem lại thu nhập ổn định cho gia đinh.

Được biết, đây chỉ là 1 trong số 73 hộ hưởng lợi từ nguồn vốn vay quỹ HTND trên địa bàn huyện với tổng số vốn trên 4,2 tỷ đồng cho các dự án sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt. Trong đó, 900 triệu đồng từ nguồn vốn Trung ương Hội ủy thác cho vay; hơn 1,8 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND do Hội nông dân tỉnh ủy thác cho vay, còn lại từ nguồn vận động của huyện và xã. Trong quá trình triển khai thực hiện, các cấp Hội nông dân trong huyện đã tuyên truyền cho cán bộ, hội viên hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng và phát triển Quỹ, từ đó, tạo sự đồng thuận trong việc đóng góp xây dựng Quỹ với mức trên 200 nghìn đồng/hội viên/năm.

Đối với các hội viên được hỗ trợ vay vốn, Hội thường xuyên kiểm tra, giám sát để đồng vốn vay phát huy hiệu quả, đúng mục đích, nhất là lựa chọn hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình và địa phương. Bên cạnh đó, Hội còn cung ứng trên 823 tấn phân NPK Lâm Thao theo hình thức chậm trả; tổ chức 80 lớp tập huấn kỹ thuật cho 5.648 lượt hội viên; thực hiện 12 mô hình trình diễn phân bón và giống mới, giống chất lượng cao; phối hợp với các đơn vị đào tạo nghề tổ chức dạy nghề cho 295 hội viên nông dân. 

Trao đổi với chúng tôi, bà Đỗ Thị Phương Hoa - Chủ tịch Hội nông dân huyện Thanh Sơn cho biết: “Toàn huyện có trên 16.680 hội viên nông dân, hàng năm, Hội đã hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi từ quỹ HTND cho hội viên để xây dựng và nhân rộng các mô hình, thúc đẩy sản xuất, phát triển các cây, con chủ lực theo định hướng của tỉnh, huyện. Đến nay, trên địa bàn huyện có 60 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương, 611 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, 2.061 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, 4.186 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp cơ sở, đời sống các hội viên ngày một nâng cao”.

Về khu 17, xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi bò thịt và bò sinh sản hiệu quả từ nguồn vốn vay quỹ HTND của gia đình anh Trần Ngọc Bảy.  Năm 2017, sau khi thoát khỏi danh sách hộ nghèo, anh Bảy đã tham gia vào tổ hợp tác nuôi bò thịt, được vay vốn từ Quỹ HTND với số tiền 50 triệu đồng để mua thêm bò giống. Đến nay, gia đình anh đã có đàn bò 10 con sinh trưởng phát triển tốt. Anh Bảy chia sẻ: “Những người nghèo hoặc mới thoát nghèo như chúng tôi sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, kinh tế khó khăn nên khi được tiếp cận nguồn vốn quỹ HTND với lãi suất ưu đãi, chúng tôi có vốn để đầu tư mua giống, thức ăn phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, cải thiện thu nhập cho gia đình, nay tôi đã xây được nhà ở kiên cố”.  

Mô hình nôi bó sinh sản, bò thịt của hộ nông dân xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy phát triển từ nguồn quỹ HTND
Mô hình nôi bó sinh sản, bò thịt của hộ nông dân xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy phát triển từ nguồn quỹ HTND.

Ông Bùi Quang Thuận - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đào Xá cho biết: Hiện xã Đào Xá có 1.850 hội viên sinh hoạt tại 19 chi hội, trong đó có 6 tổ hợp tác với 87 hội viên. Từ năm 2017 đến nay, đã có 23 hội viên được vay vốn từ Quỹ HTND với số vốn 500 triệu đồng. Có được vốn để đầu tư phát triển kinh tế, nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ có thu nhập khá. Bên cạnh đó, Hội nông dân xã còn tuyên truyền, hướng dẫn hội viên tham gia vào các tổ hợp tác để vừa có vốn vay ưu đãi, vừa cùng nhau tìm đầu ra cho sản phẩm, đem lại thu nhập ổn định”.

Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh Phú Thọ có 227 dự án/1.213 hộ vay từ nguồn Quỹ HTND tỉnh với tổng số vốn gần 45 tỷ đồng cho các dự án chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, làng nghề và các loại hình khác. Trong đó, nguồn Quỹ HTND do Trung ương ủy thác 15,5 tỷ đồng; Quỹ HTND cấp tỉnh hơn 15,4 tỷ đồng; Quỹ HTND cấp huyện gần 7 tỷ đồng; cấp xã trên 7 tỷ đồng… Chỉ tính riêng năm 2020, các cấp HND đã cho vay cả 3 nguồn vốn (Trung ương, tỉnh, huyện) được 124 dự án/647 hộ vay với tổng số vốn gần 20 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, các hội viên nông dân đã sử dụng để phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hội viên và gia đình. Trung bình mỗi hộ hội viên vay vốn đều có thu nhập từ 70 đến hơn 100 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí, nhiều hội viên nông dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững. Cùng với hỗ trợ vay vốn, các cấp HND còn tổ chức 291 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề cho 14.902 hộ, trong đó, cấp tỉnh tổ chức 12 lớp cho 1.090 người tham gia; cấp huyện và cơ sở tổ chức 279 lớp cho trên 13.000 người tham gia. 

Mô hình cây ăn quả cho thu nhập cáo phát triển từ quỹ HTND
Mô hình cây ăn quả cho thu nhập cáo phát triển từ quỹ HTND.

Ông Dương Đình Khắc - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ cho biết: Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân thường xuyên tiến hành khảo sát các hộ có nhu cầu vay vốn và ưu tiên lựa chọn các hộ chăm chỉ lao động sản xuất, có tinh thần trách nhiệm cao trong việc sử dụng nguồn vốn để cho vay phát triển kinh tế. Gắn với cho vay, các cấp hội thường xuyên theo dõi quá trình sử dụng nguồn vốn của hội viên. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các dự án đều sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả. Năm 2021, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục phấn đấu tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND, tạo liên kết bền vững giữa các tổ hợp tác, hợp tác xã, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể.

Có thể thấy, nguồn vốn từ Quỹ HTND ngoài việc giúp hội viên có vốn phát triển kinh tế, còn làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, tiếp cận với việc sản xuất hàng hóa. Ngoài ra, các cấp Hội Nông dân còn định hướng cho các hộ vay vốn trong việc sử dụng nguồn vốn vay, phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, góp phần tạo thêm nguồn lực cho nông dân, nhất là nông dân nghèo có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh, từ đó giúp tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho nhiều nông dân tại địa phương.

PV