Doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và 40% chi phí vận hành khi có Hộ chiếu logistics thế giới

10:02 23/02/2023

Đến nay, 22 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam đã đăng ký tham gia là thành viên của chương trình Hộ chiếu logistics Thế giới (World Logistics Passport, viết tắt WLP). Theo đánh giá, Doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và 40% chi phí vận hành khi có WLP.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Hộ chiếu logistics Thế giới – World Logistics Passport (WLP) là một sáng kiến toàn cầu của Chính phủ Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE)/chính quyền Dubai được Chủ tịch Hội đồng điều hành Dubai – Thái tử Dubai Shaikh Hamdan Bin Mohammad phê duyệt ngày 2/3/2019 và chính thức khởi động ngày 13/10/2019. Sáng kiến này đã được Bộ Kinh tế UAE công bố và chính thức giới thiệu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, Thụy Sĩ lần thứ 50 vào tháng 1/2020 với sự tham gia của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.

WLP được xây dựng nhằm giảm bớt rào cản phi thuế quan trong thương mại quốc tế thông qua việc tinh giảm thời gian và chi phí vận hành dịch vụ logistics. Mạng lưới WLP mở rộng với trên 48 quốc gia ở tất cả các châu lục và trên 15 tuyến hành lang thương mại thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu. Mạng lưới WLP hiện chiếm 47% kim ngạch thương mại của toàn cầu với 121 đối tác, trong đó có hải quan các nước - cơ quan được giao bảo trợ, chủ trì triển khai chính sách ưu đãi cho hội viên của WLP.

Từ tháng 5/2021, Việt Nam đã trở thành một trong 29 thành viên (hub) của WLP thông qua bản ghi nhớ hợp tác từ Hiệp hội các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) với WLP dưới sự ủng hộ của Bộ Công Thương và Đại sứ quán Việt Nam tại UAE, mở đường cho hệ sinh thái logistics Việt Nam tham gia vào hệ sinh thái logistics toàn cầu cũng như mạng lưới các thành viên của WLP. Với vị trí chiến lược là một trung tâm trung chuyển và sản xuất của khu vực và tiềm năng tăng trưởng thương mại, Việt Nam đã được lựa chọn là một thành viên quan trọng thuộc mạng lưới WLP, giúp tăng hiệu quả thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đến nay, 22 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam đã đăng ký tham gia là thành viên của chương trình WLP. Theo đó, các sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam khi được UAE cấp WLP đều sẽ được tạo thuận lợi và hỗ trợ về thông quan, miễn thuế hàng không, giảm thời gian kiểm tra và đưa lên phương tiện vận tải nhanh chóng, miễn phí, giảm thời gian lưu kho lên tới 48 giờ, hàng hóa có thể được thông quan trước khi đến cảng...

Theo ông Mr Avery Shipton, Trưởng ban phát triển châu Á, Diễn đàn Sáng kiến Hộ chiếu logistics thế giới, các sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt khi được UAE cấp hộ chiếu đều được tạo thuận lợi và hỗ trợ về thông quan, miễn thuế hàng không, giảm thời gian kiểm tra và đưa lên phương tiện vận tải nhanh chóng, miễn phí, giảm thời gian lưu kho lên tới 48 giờ, hàng hóa có thể được thông quan trước khi đến cảng, nhờ đó dự kiến sẽ tiết kiệm thời gian và 40% chi phí vận hành.

Ảnh minh họa
Tham gia WLP được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam với UAE và các thị trường khác ở Trung Đông. 

Hiện một số cảng của UAE thực hiện miễn giảm thuế, phí cho hàng hóa có hộ chiếu logistics, hàng hóa khi qua con đường tơ lụa Dubai sẽ tiết kiệm tiền lưu kho; có thể chuyển hàng thông suốt từ nơi xuất phát cho đến đích. Với những lợi thế trên, cơ quan Hải quan Dubai đang kỳ vọng hàng hóa giao thương từ Việt Nam đến các thị trường mới tăng từ 0,5% lên đến 27%.

UAE là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Tây Á, với mặt hàng chủ yếu là hàng điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị, dầy dép, dệt may, hàng rau quả, hạt tiêu, gạo… Theo Bộ Công Thương, năm 2022, thặng dư thương mại của Việt Nam với UAE đạt 3,3 tỷ USD. 

Để triển khai chương trình hiệu quả, Việt Nam cũng như các nước thành viên khác sẽ có sự tham gia của các đối tác cốt lõi là cơ quan Hải quan, các nhà khai thác cảng biển và cảng hàng không, hiệp hội logistics, các hãng hàng không cùng doanh nghiệp khu công nghiệp, khu chế xuất, cảng cạn…

Theo số liệu của Hiệp hội Logistics Việt Nam, chi phí logistics của Việt Nam tương đương khoảng 20% đến 22% tổng sản phẩm quốc nội của cả nước, cao hơn nhiều so với các nước như Thái Lan với 19%, Trung Quốc 18%, Malaysia 13% và cao hơn gần gấp ba lần so với Hoa Kỳ và Singapore với 8%.

Ông Nguyễn Tương, chuyên gia của Hiệp hội Logistics Việt Nam, cho rằng vấn đề tồn tại của ngành logistics trong nước là do sự thiếu liên kết và kết nối giữa các phương thức vận tải, cũng như thiếu cơ sở hạ tầng của phần lớn các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.

Lâm Nghi t/h