Công bố triển lãm Quốc tế vải cao cấp - Texfuture Việt Nam 2023

12:10 23/02/2023

Ngày 22/2/2023, tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Giải pháp Dệt may Bền vững (STS) phối hợp Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh tại TP.HCM (VCCI-HCM) và Tengda Exhibition đã công bố Triển lãm quốc tế vải cao cấp - Texfuture Việt Nam 2023 với chủ đề “Dệt may Việt Nam: Mạnh hơn – Thông minh hơn – Xanh hơn” sẽ diễn ra từ ngày 22/03 - 24/03/2023 tại GEM Center,TP.HCM.

Đây là sự kiện đầu tiên trong của ngành Dệt may Việt Nam trong năm 2023 được bảo trợ bởi Uỷ Ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Công ty CP Giải pháp Dệt may bền vững và Tengda Exhibition phối hợp tổ chức thực hiện.

Texfuture Việt Nam 2023 hơn cả một sự kiện triển lãm Dệt may thông thường, đây không chỉ là nơi gặp nhau và kết nối giữa các doanh nghiệp ngành Dệt may hàng đầu của Việt Nam và quốc tế mà sự kiện diễn ra nhằm đưa các xu hướng & công nghệ mới của thế giới đến gần hơn với các doanh nghiệp Việt Nam.

Dệt may là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam. Dệt may không chỉ là ngành mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 3 của cả nước mà còn là ngành kinh tế góp phần ổn định an sinh xã hội. Ngành Dệt may Việt Nam hiện đang sử dụng 2,5 triệu lao động, xuất khẩu hơn 40 tỷ USD/năm, thu nhập trung bình của người lao động đạt khoảng 3.800 USD/năm.

Tuy kim ngạch xuất khẩu cao nhưng giá trị gia tăng của ngành còn thấp, chưa chủ động được nguồn nguyên phụ liệu, năng suất lao động thấp hơn các nước trong khu vực và chỉ ở mức trung bình khá. Do vậy, thách thức của Dệt may Việt Nam chính là cần phát triển theo chiều sâu trong thời gian tới, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tập trung những công đoạn có giá trị cao như thiết kế mẫu mã sản phẩm, từng bước vươn lên bậc cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp dệt may là một trong những ngành tạo ra các tác động nhiều nhất cho ô nhiễm môi trường. Các vấn đề chính bao gồm ô nhiễm nước và không khí, khí nhà kính và thải hóa chất.

Do đó, các loại vải mới và công nghệ sản xuất tiên tiến là xu hướng chính của ngành Dệt may. Số hóa hàng loạt trong dệt may sử dụng các công cụ tiên tiến xoay quanh IoT, AI, phân tích dữ liệu và công nghệ 3D. Những công nghệ này không chỉ cải thiện hiệu suất sản xuất mà còn tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững.

Ngoài ra, vì sản xuất quần áo là một lĩnh vực có tính cạnh tranh cao nên các công ty dệt may đang chú ý nhiều hơn đến các khái niệm tiếp thị đổi mới và sáng tạo. Để đạt được điều đó, cần sự tham gia của nhiều ngành trong hệ sinh thái dệt may như thiết kế thời trang, công nghệ,...

Bà Nguyễn Thị Thúy Phượng - Đại diện Ban Tổ chức Texfuture Việt Nam 2023, Giám đốc đối ngoại STS phát biểu tại Lễ công bố
Bà Nguyễn Thị Thúy Phượng - Đại diện Ban Tổ chức Texfuture Việt Nam 2023, Giám đốc đối ngoại STS phát biểu tại Lễ công bố. 

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Phượng - Đại diện Ban Tổ chức Texfuture Việt Nam 2023, Giám đốc đối ngoại STS cho biết: “Texfuture Việt Nam 2023 khác biệt ở chỗ các vật liệu vải được trình bày vừa thể hiện sự tôn trọng sản xuất truyền thống vừa hướng đến sản xuất theo cách hỗ trợ hành tinh, hệ sinh thái, cộng đồng quốc tế với cách tiếp cận toàn diện hơn. Khuyến khích sự tham gia của các tổ chức chính phủ, phi chính phủ và khu vực tư nhân tại Việt Nam, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản,...nhằm xây dựng một ngành công nghiệp dệt may sản phẩm giá trị gia tăng cao, cung cấp việc làm chất lượng, bảo vệ môi trường và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hầu hết các loại xơ và nguyên liệu thô quen thuộc trong ngành thời trang và dệt may ngày nay, là bông, len, viscose, polyester, v.v. đều đến từ nông nghiệp, rừng hoặc nhiên liệu hóa thạch. Ngoài bốn loại nguyên liệu trọng tâm lớn này Texfuture Việt Nam 2023 còn mang đến những nguyên liệu vải xu hướng tự nhiên như vải từ sợi cafe, vải từ sợi dứa, từ cây gai xanh, vải tái chế,...áp dụng công nghệ, số hoá hạn chế sự nóng lên toàn cầu và giảm thiểu những tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu”.

Cũng tại buổi công bố, ông Nguyễn Hữu Nam - Phó Giám đốc VCCI - HCM cho rằng, năm 2023 được dự báo còn nhiều khó khăn cho các ngành sản xuất & xuất khẩu như dệt may, nhu cầu thế giới chưa có tín hiệu phục hồi do kinh tế vĩ mô thế giới vẫn ở trạng thái bất định. Dự báo tổng cầu dệt may thế giới khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022. Bên cạnh đó là những đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng về giá thành, chất lượng cùng yêu cầu tuân thủ các chính sách về phát triển bền vững, xanh hóa, tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải... Triển lãm Texfuture Việt Nam 2023 không chỉ tăng cường năng lực cạnh tranh, hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu cho các doanh nghiệp dệt may mà còn mở rộng mạng lưới kết nối đến các ngành nghề có liên quan giúp đột phá trên con đường tìm nguồn cung ứng vải bền vững và sáng tạo từ đó hoàn thiện chuỗi cung ứng của ngành, sẵn sàng chinh phục các thị trường quốc tế. 

Ký kết MOU giữa STS và các đối tác đồng hành phát triển hệ sinh thái chuỗi cung ứng vải bền vững & đổi mới sáng tạo
Ký kết MoU giữa STS và các đối tác đồng hành phát triển hệ sinh thái chuỗi cung ứng vải bền vững & đổi mới sáng tạo. 

Tại Texfuture Việt Nam 2023, sẽ có các diễn giả, nhà thiết kế thời trang, các doanh nhân, các start-up trẻ chia sẻ với nhau về hành trình chinh phục vùng nguyên liệu xanh Việt Nam, về câu chuyện lội ngược dòng thông minh tăng tốc bán hàng trong thời điểm các nhà máy lớn nhỏ đều đang "đóng máy" hiện nay, hay về cách mở lối đi riêng táo bạo mà đầy tâm huyết trong việc số hoá ngành dệt may truyền thống....Những câu chuyện tiên phong như: Thư vịện vải vóc – Thư vịện số hoá dữ liệu nguồn nguyên liệu dệt may duy nhất và đầu tiên cho đến thời điểm hiện tại của ngành tại Việt Nam; Trung tâm Thông tin Dệt may Việt Nam duy nhất tại Việt Nam với cổng thông tin dệt may Việt Nam trực tuyến, trực quan sinh động, cách tiếp cận dễ dàng với các công cụ phân tích chuyên nghiệp, có thể hỗ trợ doanh nghiệp loại bỏ một số phỏng đoán trong việc lựa chọn thị trường xuất khẩu phù hợp,…Các nội dung chuyên đề mang tính toàn cầu của ngành dệt may như: Kinh tế tuần hoàn đối với ngành Dệt may, “Vải phế liệu đi về đâu?”, Kinh tế xanh và xu hướng nguyên liệu của tương lai…

Có thể khẳng định, Texfuture chắc chắn sẽ mang đến giá trị rất lớn cho ngành Dệt may Việt Nam. Đặc biệt là tại thời điểm năm 2023 đầy thử thách, Texfuture hy vọng đem lại cho cộng đồng Ngành Dệt may nhiều sự kết nối hợp tác trong và ngoài nước, giúp doanh nghiệp nắm bắt triệt để các xu hướng của Dệt may bền vững, đó là Kinh tế tuần hoàn, Kinh tế xanh và chuyển đổi số.

Ký kết MOU giữa Công ty STS và Công ty triển lãm Tenda
Ký kết MoU giữa Công ty STS và Công ty triển lãm Tenda.

Trong khuôn buổi công bố cũng đã diễn ra Lễ ký kết MoU hợp tác tổ chức Triển lãm quốc tế vải cao cấp Texfuture Việt Nam 2023 giữa Công ty STS và VCCI - HCM và ký kết MoU giữa STS và các đối tác đồng hành phát triển hệ sinh thái chuỗi cung ứng vải bền vững & đổi mới sáng tạo.

Uyển Nhi