Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp vì một Việt Nam hùng cường

00:00 12/10/2020

Phát biểu khai mạc Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN) vào sáng nay (23/12), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, không thể có quốc gia hùng cường, hưng thịnh nếu không có DN hùng hậu. Vì vậy, lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các thành viên Chính phủ, các địa phương tiếp tục lắng nghe ý kiến của đại diện DN để có giải pháp tháo gỡ, phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn để DN phát triển nhanh và bền vững.

Để Việt Nam cất cánh

Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng khẳng định: “DN là động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế, là nơi tạo ra giá trị gia tăng, nơi có động lực cạnh tranh và sáng tạo để phát triển mạnh mẽ nhất, là lực lượng tiên phong trong việc đưa khoa học công nghệ vào cuộc sống”. Vì vậy, không thể có quốc gia hùng cường, hưng thịnh nếu không có DN hùng hậu. Cũng vì vậy, lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các thành viên Chính phủ, các địa phương sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của các loại hình DN để có giải pháp phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn để DN phát triển nhanh và bền vững.

chinh phu dong hanh cung doanh nghiep vi mot viet nam hung cuong
Sau Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, Chính phủ sẽ có nghị quyết về định hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Cho rằng trong thời gian qua, ngày càng có nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh, trở thành mũi nhọn tại một số ngành, lĩnh vực quan trọng, đặc biệt, ngày càng có nhiều DN Việt chuyển hướng đầu tư vào công nghệ sáng tạo, nâng cao giá trị… song, Thủ tướng chỉ rõ, bên cạnh thành công, các DN Việt Nam còn nhiều khó khăn, trở ngại trên con đường phát triển.

“Chính phủ thấm thía khi mỗi năm có hàng vạn DN giải thể, ngưng hoạt động, phá sản, nhiều DN, thương hiệu lớn của Việt Nam bị thị trường đào thải” - Thủ tướng nói và thẳng thắn nêu, sự yếu kém của DN chắc chắn có phần trách nhiệm của Nhà nước. Và với tinh thần đồng hành cùng DN, Chính phủ kiến tạo phát triển sẽ không ngừng tìm cách giảm mức độ rủi ro và chi phí cho DN, đặc biệt là rủi ro do thể chế, chính sách và nhũng nhiễu của bộ máy hành chính gây ra. Với quan điểm nhất quán đó, Thủ tướng đề nghị chỉ rõ văn bản nào của bộ, ngành nào bất hợp lý, mâu thuẫn, chồng chéo, gây cản trở, không phù hợp với môi trường kinh doanh, thông lệ quốc tế. Cơ quan nào gây nhũng nhiễu, phiền hà, ở địa phương hay tập trung ở Trung ương… đặc biệt là vấn đề thanh tra, kiểm tra chồng lấn kéo dài, gây khó khăn cho DN, tình trạng các cơ quan quản lý Nhà nước dọa nạt khi DN có ý kiến trái chiều hay phản biện chính sách…

Ngược lại, với cộng đồng DN, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá nhưng không được làm ẩu và vi phạm pháp luật, còn các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, công an, kiểm sát, tòa án thực sự trân trọng quyền con người, quyền công dân, quyền kinh doanh, quyền tài sản theo Hiến pháp và pháp luật với một tinh thần cởi trói, tạo mọi điều kiện cho DN phát triển lành mạnh, bền vững.

Lưu ý đến những thách thức, sức ép, khó khăn đối với DN trong bối cảnh suy giảm kinh tế thế giới, chiến tranh thương mại, nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu với các hiệp định FTA thế hệ mới, tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến sự phát triển của DN, Thủ tướng mong muốn cộng đồng DN đề xuất vai trò kiến tạo, hỗ trợ của Chính phủ giúp DN tăng sức đề kháng, tăng sức cạnh tranh, vượt qua các thách thức, trong đó, tập trung những đột phá về cơ chế khuyến khích DN ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng tỉ lệ nội địa hóa tham gia vào chuỗi giá trị,…

chinh phu dong hanh cung doanh nghiep vi mot viet nam hung cuong
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Các cơ quan Trung ương, các thành viên Chính phủ, các địa phương tiếp tục lắng nghe ý kiến của đại diện DN để có giải pháp tháo gỡ, phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn để DN phát triển nhanh và bền vững

“Tôi đề nghị cộng đồng DN cùng tham gia hiến kế để Chính phủ hoàn thành vượt mức các mục tiêu kinh tế-xã hội 2020 cũng như kế hoạch phát triển 5 năm 2021-2025” - Thủ tướng nói và đề nghị hội nghị đề xuất giải pháp cải thiện và nâng cao sự tương tác, năng lực phối hợp và hành động giữa bộ, ngành với địa phương một cách đồng bộ, xuyên suốt, hướng đến giúp địa phương thu hút đầu tư bền vững, hiệu quả.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng cho biết, sau Hội nghị sẽ có nghị quyết của Chính phủ về định hướng tháo gỡ khó khăn cho DN.

Bộ Công Thương cam kết hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường

Tại hội nghị, đại diện cộng đồng DN, các hiệp hội ngành hàng, tổ chức quốc tế đánh giá cao những cam kết và việc thực hiện các cam kết của Chính phủ, các bộ, ngành trong công tác cải cách thể chế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng trong thời gian qua. Tuy nhiên, chuyên gia, doanh nhân cũng cho rằng, còn đó những khó khăn, vướng mắc, thậm chí là rào cản gây khó khăn cho DN, đặc biệt là việc tìm đầu ra cho sản phẩm ở cả thị trường trong và ngoài nước.

Điển hình, ông Thân Văn Hùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam – cho biết, với nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước, ngành nông nghiệp và các DN hoạt động trong lĩnh vực này đã nhanh chóng đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp, góp phần gia tăng sản lượng, chất lượng nông sản Việt. Tuy nhiên, các DN vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Hiệp hội Thực phẩm minh bạch – nhấn mạnh, trong khi các quốc gia trên thế giới ngày càng nâng cao các tiêu chuẩn đối với thực phẩm, trong đó, yêu cầu về minh bạch từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ… được đặc biệt quan tâm thì ngành thực phẩm của chúng ta vẫn chưa bắt kịp do vướng mắc từ tư duy đến chính sách. Đây cũng là nguyên nhân khiến thực phẩm của chúng ta gặp khó khi ra thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu “khó tính”.

chinh phu dong hanh cung doanh nghiep vi mot viet nam hung cuong
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường trong và ngoài nước

Trong lĩnh vực công nghiệp, cụ thể là công nghiệp ô tô, ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Công ty CP Ô tô Trường Hải – khẳng định, cơ chế mở cùng nhiều hỗ trợ của Nhà nước đã giúp đơn vị nói riêng, ngành ô tô Việt Nam nói chung bứt phá. Nhiều DN ô tô đã xuất khẩu sản phẩm ra các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, tuy nhiên, khó khăn nội tại của DN, sự phát triển chưa đồng bộ của các ngành công nghiệp hỗ trợ, các chính sách kết nối giữa DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài còn hạn chế… khiến ngành này tuy đã phát triển khá nhanh, song chưa bền vững.

Trước những vấn đề DN nêu, với thời lượng cho phép khá ngắn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đi thẳng vào các giải pháp thúc đẩy liên kết DN tham gia mạng lưới xuất khẩu, chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo Bộ trưởng, sau khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), hiện Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 14 FTA đã được ký kết đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế mở cửa với việc có quan hệ thương mại với trên 230 thị trường toàn cầu, trong đó có 60 nền kinh tế có FTA với Việt Nam với 15/20 nước G20, tạo điều kiện cho các DN của Việt Nam mở rộng tiếp cận thị trường toàn cầu bởi phần lớn các rào cản trong thương mại quốc tế đã dần được dỡ bỏ, các rào cản về thủ tục pháp lý cũng được giảm thiểu và tối giản hơn... Nhờ đó, xuất khẩu của Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng cao trên 15% trong giai đoạn 2011-2019 và chính thức cán mốc kim ngạch 500 tỷ USD vào giữa tháng 12 năm nay.

Ở thị trường trong nước, với nhiều giải pháp quyết liệt của Chính phủ thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, đặc biệt là Cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đóng góp không nhỏ cho phát triển thị trường trong nước với đà tăng trưởng cao, ổn định với tốc độ tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội đạt xấp xỉ 17,5% trong 10 năm qua.

Tuy nhiên, một cách thẳng thắn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá, việc tận dụng cơ hội, lợi thế từ hội nhập, nhất là với DN còn chậm, trong khi thị trường trong nước chưa được khai thác một cách hiệu quả. Từ nhận định đó, Bộ trưởng cho biết,  thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động thực hiện các FTAs, đặc biệt là CPTPP và EVFTA nhằm hỗ trợ tối đa cho các DN trong việc tiếp cận thị trường. Trong đó chú trọng việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động truyên truyền phổ biến thông tin tới cộng đồng DN; tiếp tục rà soát và sửa đổi hệ thống pháp luật để thực thi cam kết trong các FTA, đặc biệt là các FTA vừa có hiệu lực thực thi như CPTPP;

“Tiếp tục đơn giản hóa, hiện đại hóa hoạt động cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), tổ chức thực hiện và theo dõi triển khai việc phân luồng doanh nghiệp trong quy trình cấp C/O ưu đãi; đẩy mạnh cấp C/O qua Internet” – Bộ trưởng nói và cho biết thêm, Bộ Công Thương cũng sẽ tập trung xử lý tốt các vấn đề về phòng vệ thương mại, các vấn đề về hàng rào kỹ thuật trong hoạt động thương mại, tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đẩy mạnh phổ biến, hướng dẫn, tư vấn doanh nghiệp cách thức ứng phó với các vụ kiện do nước ngoài khởi xướng;… Bộ cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động phát triển thương hiệu cho sản phẩm và DN xuất khẩu thông qua chương trình Thương hiệu quốc gia nhằm quảng bá hình ảnh, quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và có nhiều tiềm năng.

“DN Việt Nam phải thay đổi tư duy kinh doanh thích nghi với bối cảnh mới, tích cực tìm hiểu, nắm bắt thông tin và linh hoạt trong việc tiếp cận, tận dụng cơ hội, tìm hiểu thông tin, chuẩn bị cho mình một tâm thế cạnh tranh khu vực và quốc tế, có tư duy sáng tạo, đổi mới và sự nhạy bén trong kinh doanh, có kế hoạch xây dựng năng lực, đặc biệt về thương hiệu hay uy tín và chất lượng để làm ăn quy mô và dài hạn trong tương lai” – Bộ trưởng lưu ý.

Hoàng Châu