CEO Thông Đỗ: Khởi nghiệp chỉ đơn giản là mình tìm cách giải quyết một vấn đề nào đó trong xã hội

16:13 15/11/2021

Thông Đỗ là nhà sáng lập và CEO Palexy – startup công nghệ về Thị giác máy tính và Trí tuệ nhân tạo – cung cấp công nghệ phân tích cho phép các nhà bán lẻ đo lường, phân tích và hiểu rõ hơn về hành vi của khách hàng và hiệu suất của nhân viên.

Ông Thông Đỗ – Nhà sáng lập Palexy. Nguồn: Internet
Ông Thông Đỗ – Nhà sáng lập Palexy. Nguồn: Internet.

Sau khi tốt nghiệp đại học ở Việt Nam, năm 2004 Thông Đỗ qua Mỹ học tiến sĩ tại Đại học Johns Hopkins về mảng Computer Vision & AI (Thị giác máy tính và Trí tuệ nhân tạo). Sau khi học xong tiến sĩ, ông đi làm vài năm tại một số công ty công nghệ ở Mỹ trước khi quyết định đứng ra thành lập công ty Arimo với một số người bạn vào năm 2013. Arimo có trụ sở chính tại Thung lũng Silicon và trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) ở TP HCM.

Trước khi sang Mỹ và trong quá trình học tiến sĩ, ông đã thử khởi nghiệp nhiều lần nhưng khi đó do chưa đủ độ chín về kỹ năng, kinh nghiệm cũng như các mối quan hệ xã hội nên đều không thành công.

Với Thông Đỗ, việc khởi nghiệp chỉ đơn giản là mình tìm cách giải quyết một vấn đề nào đó trong xã hội. Quá trình học tiến sĩ ở trường giúp ông rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề theo hướng sáng tạo, không theo lối mòn. 

Vào cuối năm 2012, đầu năm 2013, Thông Đỗ cùng với một số người bạn thành lập Arimo. Đến năm 2016, tạp chí Fast Company đã đưa startup Arimo của Thông Đỗ vào danh sách 10 công ty sáng tạo nhất trong lĩnh vực khoa học dữ liệu. 

Arimo từng được kỳ vọng sẽ trở thành startup kỳ lân, tuy nhiên Thông Đỗ và những người đồng sáng lập quyết định bán lại công ty cho Panasonic. Bởi theo vị tiến sĩ này, mỗi công ty công nghệ thường có chu kỳ phát triển nhất định, thông thường là 5-7 năm. Sau 5-7 năm nếu anh trở thành “market leader” (người dẫn đầu thị trường) trong ngành thì sẽ tiếp tục được rót vốn đầu tư và phát triển mạnh mẽ. Để trở thành “market leader” thì cần nhiều yếu tố khác ngoài việc sở hữu những sản phẩm và công nghệ sáng tạo, ví dụ như cần có chiến lược bán hàng, tiếp thị tốt để chiếm lĩnh thị trường. Sau 5-7 năm, nếu không trở thành “market leader” thì sẽ khó cạnh tranh và đồ thị phát triển sẽ đi ngang. Trong trường hợp đó thì cách tốt nhất là hợp tác chiến lược với một đối tác có đủ nguồn lực để giúp mình phát triển nhanh và hiệu quả hơn. Arimo đã chọn cách sáp nhập với tập đoàn Panasonic để tiếp tục phát triển những sản phẩm và công nghệ theo hướng đi tốt nhất cho mình.

Nguồn: Internet
Nguồn: Internet.

Khởi nghiệp tại Việt Nam

"Thương mại điện tử có nhiều dữ liệu", ông Đỗ Thông, CEO và đồng sáng lập Palexy, nói. "Dù vậy, cửa hàng truyền thống thiếu nhiều thông tin từ dữ liệu". Ông Đỗ Thông trở về Việt Nam từ Silicon Valley sau khi bán startup AI của mình, Arimo, cho Panasonic vào năm 2017.

Sau 5 năm phát triển sản phẩm công nghệ Big Data & AI phục vụ thị trường Mỹ, ông nhận ra rằng thị trường Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung cũng có rất nhiều bài toán lớn trong xã hội cần giải quyết và có thể được giải quyết hiệu quả bằng các công nghệ này.

Trước đây khi nói đến các công ty công nghệ ở châu Á thì mọi người đều nghĩ các công ty này chỉ đóng vai trò “follower” (người theo sau) các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon, tức là họ chỉ bắt chước xây dựng các sản phẩm hay mô hình kinh doanh đã thành công ở Thung lũng Silicon và nội địa hoá ở thị trường của mình, chứ không tạo ra một sản phẩm hay mô hình kinh doanh mới. Tuy nhiên, theo ông quan sát thì thế giới công nghệ đang thay đổi và điều này không còn đúng nữa, ví dụ, trung tâm của công nghệ AI & dữ liệu đang dịch chuyển dần về châu Á.

"Palexy ra đời với sứ mệnh giúp các nhà bán lẻ truyền thống (in-store retail) làm tốt hơn việc hiểu khách hàng của họ, giúp họ tối ưu vận hành cửa hàng vật lý và trải nghiệm khách hàng, thông qua ứng dụng các công nghệ AI và Big Data. Hay nói cách khác Palexy muốn triển khai "công thức thành công" của thương mại điện tử, đó chính là các việc đo đạc và phân tích hành vi người tiêu dùng, vào bán lẻ truyền thống, để giúp người mua sắm có trải nghiệm trong cửa hàng tốt hơn đồng thời giúp các nhà bán lẻ truyền thống quản lý vận hành hiệu quả hơn dựa trên dữ liệu thực tế", ông Thông Đỗ, founder và là Chủ tịch của Palexy từng trả lời báo giới.

Palexy đang lên kế hoạch mở rộng sang thị trường Trung Đông và các khu vực khác ở Châu Á vào năm 2022 trước khi mở rộng ra toàn cầu vào năm 2023. Hiện tại, startup này đã hoạt động tại 6 quốc gia, bao gồm Thái Lan và Nhật Bản, với xấp xỉ 100 khách hàng.

Dù vậy, khách hàng thường không biết mình đang bị theo dõi. Thu thập dữ liệu là không thể tránh khỏi, ông Amanuel Flobble, giám đốc Sunbytes, một công ty cải tiến vận hành thông qua phân tích dữ liệu, nói. Theo ông, các công ty sẽ đánh đổi giữa hiệu quả và việc dùng dữ liệu một cách đúng đắn.

"Nếu thông tin không nặc danh, sẽ có rủi ro", ông chia sẻ. Ông Đỗ Thông nói rằng dữ liệu của Palexy được "ẩn danh hoá" và Palexy sẽ xoá dữ liệu khách hàng trong vòng 24 giờ. Dù vậy, ông thừa nhận rằng sự tiện lợi dành cho khách hàng và vấn đề riêng tư có nhiều sự khác biệt giữa các quốc gia.

Hiện tại, doanh thu hàng tháng của Palexy chạm mốc 50.000 USD và startup đã đạt được điểm hoà vốn hồi tháng 4. Tháng 12 năm ngoái, nó gọi vốn thành công 1 triệu USD ở vòng hạt giống (seed) từ Do Ventures và Access Ventures.

Palexy đang tính toán từ 30 đến 40 chỉ số cho khách hàng. Startup này muốn mở rộng công nghệ của mình ra bên ngoài mảng bán lẻ và có thể sẽ hỗ trợ thêm các khách hàng của mình ở mạng thương mại điện tử vào năm 2022. "Sự khác biệt giữa thế giới thực và ảo sẽ bị xoá nhoà", ông Đỗ Thông nhấn mạnh.

Hương Trà (tổng hợp)