CEO Nguyễn Thị Vân: Khi gặp quá nhiều khó khăn, mọi khó khăn trở thành bình thường

18:00 28/01/2022

Năm 2016, khi vừa 29 tuổi, Nguyễn Thị Vân trở thành Chủ tịch, đồng sáng lập công ty Imagtor chuyên cung cấp dịch vụ xử lý hình ảnh cho các doanh nghiệp bất động sản và thương mại điện tử với số vốn ít ỏi 5.000 USD. Đây là toàn bộ gia tài của Vân, cô gái khuyết tật chỉ nặng hơn 20 kg gắn mình trên chiếc xe lăn. Cô tự hào chia sẻ chỉ sau 2 năm, đến 2018, Imagtor đã được một tổ chức tại Singapore định giá 2,4 triệu USD, gấp 480 lần giá trị ban đầu...

Nguyễn Thị Vân - Chủ tịch, đồng sáng lập công ty Imagtor. Nguồn: Internet
Nguyễn Thị Vân - Chủ tịch, đồng sáng lập công ty Imagtor. Nguồn: Internet.


Nguyễn Thị Vân sinh ra trong một gia đình ở Nghệ An, cô và anh trai là hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng (đã mất) đều là người khuyết tật. “Bố mẹ tôi mong rằng cả nhà tôi sẽ chết cùng với nhau, hoặc họ phải chết sau chúng tôi. Bởi nếu họ chết trước chúng tôi, sẽ không ai chăm sóc chúng tôi nữa”, cô từng kể.

Vân thừa nhận mình tìm ra mục đích sống từ khi còn rất nhỏ và không chấp nhận hoàn cảnh. "Tôi luôn có hành động mạnh mẽ hơn so với các bạn khuyết tật cùng trang lứa. Tôi thích quan sát xung quanh, càng quan sát tôi càng thấy mình dễ đồng cảm, từ đó tìm ra giải pháp giúp cuộc sống tươi mới hơn".

Vượt lên số phận, cô lựa chọn thành lập Trung tâm Nghị lực sống hoạt động phi lợi nhuận để tạo việc làm cho người khuyết tật có sinh kế bền vững. Tuy nhiên, hoạt động của Trung tâm lại phụ thuộc vào nguồn tiền từ thiện và không thường xuyên, nhiều ý tưởng vạch ra không thể thực hiện vì thiếu kinh phí. Vì thế, cô vận hành công ty Imagtor để kinh doanh, tạo thu nhập bền vững duy trì hoạt động Trung tâm. Tính đến nay, Trung tâm này đã đào tạo hơn 1.000 học viên khuyết tật.

Không chỉ dừng lại tạo việc làm, kiếm thu nhập, Vân còn mong muốn đào tạo họ trở thành người lãnh đạo, có khát vọng lớn, cùng nhau tạo ra những môi trường tốt cho cộng đồng người khuyết tật. Vì vậy, Vân đã bắt đầu bàn giao công việc cho các cộng sự, mỗi tuần chỉ đến công ty một lần để xem xét lại mọi thứ.

Nhận thấy Imagtor có cơ hội phát triển và đủ tự tin bước ra khỏi vùng an toàn, Vân cho biết từ 2020 sẽ là thời kỳ phát triển sau khi có một bộ máy vững chắc. Cô đã tự tin chuyển văn phòng với diện tích gấp 3 lần, dự kiến nhân viên gấp đôi lên 140 người vào năm sau. Chậm mà chắc là điều cô gái trẻ tâm niệm, bởi bản thân “không được học hành bài bản về kinh doanh nên không muốn phát triển nóng, dễ đổ vỡ”.

Sẽ thật khó tin khi biết yếu tố chính dẫn tới thành công của người phụ nữ mang trong mình chứng bệnh teo cơ tủy sống, mọi sinh hoạt cá nhân đều cần người hỗ trợ lại nằm ở câu chuyện về sự quan sát.

Vân kể vì ngồi xe lăn và có quá nhiều thời gian nên từ bé cô thích quan sát mọi thứ, từ cử chỉ, hành động đến biểu cảm gương mặt của mọi người. Cũng vì sinh hoạt cá nhân đều cần có người hỗ trợ, nếu muốn nhờ ai đó bế vào nhà vệ sinh, Vân cũng phải xem người đó có đang sẵn sàng hay không. Từ việc quan sát, Vân phần nào vượt qua được trở ngại và khiến cuộc sống của mình dễ dàng hơn.

Quan sát lúc đầu với Vân là sở thích, dần dần qua thời gian thành thói quen, và đến bây giờ đó trở thành một kỹ năng hỗ trợ Vân nhiều trong cuộc sống và công việc. Những câu chuyện xung quanh cũng được Vân để tâm tới, từ đó học hỏi, tích lũy vốn sống và bài học cho mình. Vân hiểu được rằng chỉ có suy nghĩ tích cực, chủ động phấn đấu, ham học hỏi, tìm tòi kiến thức mới làm cuộc sống của mình tốt đẹp hơn.

Người lần đầu tiếp xúc với Vân, hoặc chỉ cần nhìn qua ảnh thôi, cũng dễ liệt kê và mường tượng ra nhiều trở ngại mà một cô gái mắc chứng teo cơ tủy sống gặp phải. Thế nhưng khi được hỏi quãng thời gian nào khó khăn, đau buồn nhất, Vân trả lời “chẳng có khó khăn nào là nhất cả”.

“Khi bạn đối diện với nỗi đau hàng ngày, cơ thể bạn luôn trong trạng thái đau nhức, không đủ năng lượng, thì khi ấy bạn sẽ học cách chấp nhận và coi đó là phần tất yếu của cuộc sống”.

Hương Ly (t/h)