Cầu truyền hình trực tiếp “Dưới lá cờ Quyết Thắng”: Hào hùng và giàu cảm xúc

07:20 06/05/2024

Đêm 5/5, tại TP. Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cầu truyền hình "Dưới lá cờ Quyết Thắng", kết nối trực tiếp với 4 điểm cầu Hà Nội, Thanh Hóa, Kon Tum và TP. HCM.

Chương trình nghệ thuật đặc sắc tại buổi Lễ
Chương trình nghệ thuật đặc sắc tại buổi lễ.

Là địa phương có nhiều đóng góp cho chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Thanh Hóa được chọn tổ chức 1 trong 5 điểm cầu của Chương trình. Tại điểm cầu Quảng trường Lam Sơn, TP.Thanh Hóa có hàng ngàn người dân đã đến xem Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là chương trình lịch sử hào hùng và để lại nhiều cảm xúc sâu lắng trong lòng người dân.

Tại điểm cầu Thanh Hoá có hàng nghìn người dân tham dự
Tại điểm cầu Thanh Hoá có hàng nghìn người dân tham dự.

Tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa, có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; ông Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội; cùng lãnh đạo các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An và hàng ngàn người dân địa phương.

Các đại biểu tham dự buổi Lễ
Các đại biểu tham dự buổi lễ.

Tên gọi "Dưới lá cờ quyết thắng" được lấy ý tưởng từ lá cờ luân lưu "Quyết chiến - Quyết thắng" Bác Hồ gửi ra mặt trận vào ngày 22/12/1953, là giải thưởng luân lưu khích lệ toàn quân vượt gian khó, hiểm nguy hăng hái thi đua, lập thành tích, thông qua 5 điểm cầu, bức tranh về chiến thắng đỉnh cao được tái hiện toàn cảnh và chân thực. 

Với thời lượng hơn 110 phút, cầu truyền hình đã đưa khán giả quay trở lại năm tháng hào hùng của dân tộc. Mở màn chương trình nghệ thuật, ca khúc Bác đang cùng chúng cháu hành quân vang lên đồng thời ở cả 5 điểm cầu.

Theo dõi cầu truyền hình "Dưới lá cờ quyết thắng", khán giả quay trở lại năm tháng hào hùng với những ký ức không thể nào quên. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nói: "Điện Biên Phủ là điểm hẹn mà lịch sử dành cho những cuộc chiến tranh xâm lược trong thời đại ngày nay". Lịch sử Việt Nam đã trải qua bao thử thách. Mỗi khi có giặc ngoại xâm, tinh thần độc lập, khát khao tự do lại vượt lên tất cả. Điện Biên Phủ là minh chứng cho tinh thần và khát khao ấy, cũng là "điểm hẹn mà lịch sử dành cho các cuộc chiến tranh xâm lược".

Buổi Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã tái hiện những trang sử hào hùng, oanh liệt  của dân tộc Việt Nam
Buổi lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tái hiện những trang sử hào hùng, oanh liệt của dân tộc Việt Nam.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa đã thể hiện rõ vai trò hậu phương chiến lược quan trọng. Mặc dù đời sống nhân dân còn hết sức khó khăn, thiếu thốn, nhưng với tinh thần "cả nước cùng ra trận", "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", theo lời kêu gọi của Đảng và Mặt trận Liên Việt, trong 3 đợt phục vụ chiến dịch, toàn tỉnh đã huy động 200.000 dân công dài hạn và ngắn hạn, hơn 3.500 xe đạp thồ, 1.126 thuyền ván các loại, 31 ô tô, 180 xe bò, 42 ngựa thồ, 3 voi thồ hàng và nhiều phương tiện vận chuyển khác, cung cấp hơn 4.500 tấn gạo, 350 tấn thực phẩm, 2.000 con lợn, 350 con trâu, bò và hàng trăm tấn rau các loại. Hậu phương Thanh Hóa đã huy động cao nhất sức người, sức của, bảo đảm hậu cần cho thắng lợi của chiến dịch.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Thanh Hoá
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Thanh Hoá.

Trong những ngày tháng lịch sử của chiến dịch Điện Biên Phủ, dù là hậu phương có địa hình hiểm trở, địch tập trung đánh phá ác liệt, nhưng đã không ngăn được từng đoàn dân công nối nhau từ miền Tây Thanh Hóa xuyên rừng, vượt núi, trèo đèo, bí mật đưa hàng tới đích an toàn. 

Ông Trần Đức Khôi, nguyên Chính trị viên Đại đội Dân công xe đạp thồ Điện Biên trao đổi với phóng viên truyền hình
Ông Trần Đức Khôi, nguyên Chính trị viên Đại đội Dân công xe đạp thồ Điện Biên trao đổi với phóng viên truyền hình.

Tại điểm cầu Thanh Hóa, ngoài những đại cảnh hoành tráng, khán giả có dịp gặp gỡ ông Trần Khôi, nguyên Chính trị viên Đại đội xe thồ 101 Thanh Hóa. Khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông vừa tròn 28 tuổi, lên đường theo tiếng gọi Tổ quốc, để lại người vợ trẻ và hai con.

Trong dịp về thăm Thanh Hóa lần thứ hai vào tháng 6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi: "Trong kháng chiến đồng bào tỉnh ta, các tầng lớp Nhân dân đều tỏ ra đoàn kết, tham gia kháng chiến. Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó".

Minh Hiền