Cần điều chỉnh Thông tư 39 về thủ tục hải quan cho phù hợp với hiệp định quốc tế

21:35 09/12/2022

Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập bên lề Hội nghị Tổng kết tình hình triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP, ông Ngô Khắc Lễ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cần điều chỉnh Thông tư 39 về thủ tục hải quan cho phù hợp với hiệp định quốc tế.

Thông tư 39/2018/TT-BTC (Thông tư 39) là thông tư sửa đổi Thông tư 38/2015/TT-BTC về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Theo ông Ngô Khắc Lễ, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Thông tư 39 tồn tại những điểm chưa phù hợp, gây không ít khó khăn cho các chủ tàu/người vận chuyển quá cảnh tuyến vận tải thủy Việt Nam- Campuchia thời gian qua. 

Ảnh minh họa
Ông Ngô Khắc Lễ, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đề xuất cần điều chỉnh Thông tư 39 về thủ tục hải quan cho phù hợp với hiệp định quốc tế. (Ảnh: Hoài Anh). 

Điều 16 Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia về vận tải thủy (Hiệp định vận tải thuỷ) quy định: "Việc kiểm tra theo các luật và quy định sẽ được thực hiện nhưng không được gây cản trở một cách không cần thiết việc thực hiện tự do giao thông thủy ... việc đi lại của tàu vận tải quá cảnh sẽ được coi là tàu thực hiện hành trình hàng hải. Ngoại trừ những loại hàng như vũ khí, đạn dược, chất nổ, chất phóng xạ, chất gây nghiện, chất kích thích, động vật quý hiếm và động vật có nguy cơ tuyệt chủng, thì không cần bất kỳ giấy phép quá cảnh, xuất nhập khẩu của các cơ quan có thẩm quyền của nước quá cảnh cho việc vận tải quá cảnh các loại hàng”.

Do đó, những hàng hóa thuộc các tàu vận tải mà các doanh nghiệp nêu không bị kiểm tra nếu đó không phải là "vũ khí, đạn dược, chất nổ, chất phóng xạ, chất gây nghiện, chất kích thích, động vật quý hiếm và động vật có nguy cơ tuyệt chủng".

Ngoài ra, tàu chạy trên tuyến này được coi là đang "thực hiện hành trình hàng hải”. Tại Nghị định về vận tải đa phương thức theo văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGTVT, Điều 3 (Thủ tục Hải quan) quy định: "Hàng hóa vận tải đa phương thức quốc tế được miễn kiểm tra thực tế hải quan, trừ một số trường hợp nếu nghi ngờ có dấu hiệu vận chuyển ma túy, vũ khí và các loại hàng cấm khác. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giao thông vận tải quy định thủ tục hải quan đối với hàng hóa vận tải đa phương thức".

Tuy nhiên, trên thực tế, theo kiến nghị của doanh nghiệp, người giao nhận hay người vận chuyển là một phần của chuỗi vận tải biển quốc tế, không thể biết được đầy đủ chi tiết hàng hóa quá cảnh vì họ không phải là chủ hàng. Các phương tiện vận chuyển đường thủy nội địa có sức chở lớn, hàng hóa container xếp chồng khít lên nhau, hoạt động trên tuyến đường thủy nên rủi ro thẩm thấu hàng hóa là hầu như không thể. 

Ảnh minh họa
Thông tư 39 tồn tại những điểm chưa phù hợp, gây không ít khó khăn cho các chủ tàu/người vận chuyển quá cảnh tuyến vận tải thủy Việt Nam- Campuchia.

Bên cạnh đó, được biết các cơ quan quản lý đã và đang có biện pháp giám sát hành trình của các phương tiện như Hệ thống thông tin liên lạc và giám sát hàng hải (AIS) và Niêm phong định vị điện tử. Do đó, nên xem lại yêu cầu khai báo chi tiết hàng hóa quá cảnh.
“Về vấn đề này, trước đây tôi đã có ý kiến về người giao nhận không phải chịu trách nhiệm về chi tiết hàng quá cảnh mà họ không thể biết, đóng trong container, trong một vụ tranh chấp liên quan đến hàng quá cảnh Singapore đến Indonesia từ Trung Quốc. Đây là thông lệ mà Singapore áp dụng để góp phần cho quốc đảo này trở thành “trục” của khu vực và công bằng với người giao nhận tuy vẫn kiểm soát đúng mức”, ông Lễ nói.
Ngoài ra, cũng theo Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Thông tư hay quy định của pháp luật Việt Nam nói chung đều phải tuân theo những Điều ước/Hiệp định mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.

Cụ thể, theo Điều 5 Luật Hải quan về áp dụng điều ước quốc tế, tập quán và thông lệ quốc tế liên quan đến hải quan, trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.

Đối với những trường hợp mà pháp luật của Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên chưa có quy định thì có thể áp dụng tập quán và thông lệ quốc tế liên quan đến hải quan, nếu việc áp dụng tập quán và thông lệ quốc tế đó không trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
“Thông tư 39 chưa phù hợp với thực tế thi hành của doanh nghiệp và công chức hải quan đối với những phần có liên quan của các Hiệp định/Điều ước mà Việt Nam tham gia. Cụ thể, theo Khoản 3, Điều 3, Hiệp định song phương giữa Việt Nam và Campuchia, hàng hóa quá cảnh được hai bên ký kết miễn kiểm tra hải quan tại cửa khẩu, miễn áp tải trên lãnh thổ của nước cho quá cảnh. Việc kiểm tra hàng hóa quá cảnh chỉ áp dụng trong trường hợp cơ quan hải quan nghi ngờ vi phạm”, ông Lễ nhấn mạnh.
Như vậy, với điều khoản này, người vận chuyển chỉ nhận hàng hóa, thông tin từ hãng tàu biển sau khi hàng đã dỡ xuống cảng biển Việt Nam để thực hiện dịch vụ vận chuyển. Họ không phải là chủ hàng để có thể khai báo chi tiết về lô hàng quá cảnh (hàng hóa không phát sinh thuế nhập khẩu tại Việt Nam).
Ngoài ra, tại Điều 12, Hiệp định Vận tải thủy có nêu: “Các luật, quy tắc và các quy định theo đó mà quyền tự do giao thông thủy được thực hiện bao gồm các thủ tục xuất nhập cảnh, hải quan, y tế và kiểm dịch động thực vật sẽ được áp dụng, và với mục đích tăng cường các điều kiện đi lại , các luật, quy định này sẽ được hài hòa thông qua các quyết định chung của hai bên ký kết được điều chỉnh bởi pháp luật dân sự, thương mại, giao thông thủy nội địa và pháp luật hàng hải hiện hành, và phù hợp với các công ước và tiêu chuẩn quốc tế đã được bên ký kết công nhận”.
Điều 16 Hiệp định vận tải thủy nêu rõ: “Việc kiểm tra theo các luật và quy định sẽ được thực hiện nhưng không được gây cản trở một cách không cần thiết việc thực hiện tự do giao thông thủy …việc đi lại của tàu vận tải quá cảnh sẽ được coi là tàu thực hiện hành trình hàng hải. Ngoại trừ những loại hàng như vũ khí, đạn dược, chất nổ, chất phóng xạ, chất gây nghiện, chất kích thích, động vật quý hiếm và động vật có nguy cơ tuyệt chủng, thì không cần giấy phép quá cảnh, xuất nhập khẩu của các cơ quan có thẩm quyền của nước quá cảnh cho việc vận tải quá cảnh các loại hàng”.
Tuy vậy, tại Mẫu số 9 Phụ lục II Thông tư số 39/2018/TT-BTC lại yêu cầu “Nhập đầy đủ mã số hàng hóa quy định tại danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam…theo từng mặt hàng trong lô vận chuyển”.

“Vì vậy, quy định tại Thông tư 39 khi áp dụng với hàng container quá cảnh trên tuyến vận tải thủy giữa hai quốc gia Việt Nam và Campuchia là chưa phù hợp với các tiêu chuẩn vận tải quốc tế. Cần rà soát, điều chỉnh thông tư cho phù hợp với thực tế thi hành của doanh nghiệp và công chức hải quan đối với những phần có liên quan của  các Hiệp định/Điều ước Việt Nam- Campuchia”, ông Lễ khuyến nghị.
Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics lo ngại: Việt Nam đang mong muốn xây dựng cảng biển trở thành trung tâm/trục (hub) cho hàng quá cảnh, trung chuyển. Mong muốn này có thể không thực hiện được chỉ vì những lý do không đáng có nêu trên.

Nếu không sớm có đối thoại thẳng thắn, xây dựng giữa các doanh nghiệp và cơ quan hải quan thì các doanh nghiệp khác sẽ không muốn phản ánh, góp ý vì mọi góp ý của họ không được phản hồi, giải quyết thỏa đáng, kịp thời dẫn đến thiệt hại chung cho nền kinh tế của cả nước.
“Việc rà soát, điểu chỉnh Thông tư 39 sẽ tốn nhiều thời gian, do vậy, trước mắt, cơ quan Hải quan cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ví dụ như tăng cường áp dụng công nghệ, giám sát bằng seal (niêm phong) điện tử, seal định vị hay giám sát phương tiện thông qua thiết bị AIS lắp trên phương tiện nhằm hạn chế kiểm tra thực tế mà vẫn đảm bảo công tác quản lý Nhà nước”, ông Lễ đề xuất.

Hoài Anh