Doanh nghiệp cần biết: Thủ tục hải quan đối với hàng hóa trung chuyển tại cảng biển

07:10 28/06/2021

Giữa các cảng biển, hàng hóa trung chuyển phải được vận chuyển bằng đường thủy nội địa, đường biển và được đưa toàn bộ ra nước ngoài một lần hoặc nhiều lần.

Những đặc điểm đáng chú ý

Hàng trung chuyển tại cảng biển là lô hàng được vận chuyển bằng đường biển từ nước ngoài vào khu vực trung chuyển tại cảng biển, sau đó được đưa ra nước ngoài từ chính khu vực trung chuyển tại cảng biển này hoặc đến khu vực trung chuyển tại cảng biển khác để đưa ra nước ngoài.

Cảng Sài Gòn - một trong Top 5 cảng biển lớn nhất Việt Nam
Cảng Sài Gòn - một trong Top 5 cảng biển lớn nhất Việt Nam.

Hàng hóa trung chuyển thuộc đối tượng không chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các loại thuế khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Hàng hóa trung chuyển phải nộp lệ phí hải quan và các loại lệ phí khác theo quy định của pháp luật.

Hàng hóa trung chuyển được lưu giữ tại cảng trung chuyển trong một thời gian nhất định.

Hàng hóa ra vào khu vực trung chuyển phải được theo dõi, quản lý bằng ứng dụng phần mềm và được kết nối với cơ quan hải quan

Hàng hóa trung chuyển được thực hiện thông qua các hình thức trung chuyển như: Trung chuyển từ phương tiện sang phương tiện, có nghĩa là container được chuyển trên phương tiện vận tải từ nước ngoài đến cảnh biển Việt Nam được dỡ xuống và xếp lên phương tiện vận tải khác để vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, hoặc lưu tại cảng vào bảo quản tại khu trung chuyển cảng biển.

Thủ tục hải quan đối với hàng hóa trung chuyển tại cảng biển

Thủ tục hải quan đối với hàng hóa trung chuyển vận chuyển giữa các cảng biển, hàng hóa trung chuyển vận chuyển giữa các bến cảng trong cùng một cảng biển

Về Hồ sơ hải quan gồm có: Tờ khai vận chuyển độc lập theo các chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 07 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư 38/2015/TT-BTC; Bản kê chi tiết hàng hóa trung chuyển theo mẫu số 09 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư 38/2015/TT-BTC; Vận đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật: 01 bản chụp.

Trường hợp toàn bộ hàng hóa đã được khai trên Bản lược khai hàng hóa điện tử (Hệ thống e-Manifest), nếu người khai hải quan khai mã hồ sơ do cơ quan hải quan thông báo trên Hệ thống e-Manifest tại tiêu chí “Ghi chú 1” thì không phải nộp bản chụp vận đơn trong bộ hồ sơ hải quan.

Về trách nhiệm của người khai hải quan: thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 51 Thông tư 38/2015/TT-BTC;

Trách nhiệm của Chi cục Hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đi: thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 51 Thông tư 38/2015/TT-BTC;

Trách nhiệm của Chi cục Hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đến: thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 51 Thông tư 38/2015/TT-BTC.

Thủ tục hải quan đối với hàng hóa trung chuyển từ nước ngoài đưa vào khu vực trung chuyển và được đưa ra nước ngoài trực tiếp từ khu vực trung chuyển này: Hồ sơ hải quan: Bản kê hàng hóa trung chuyển theo chỉ tiêu thông tin quy định theo mẫu số 08 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư 38/2015/TT-BTC; Vận đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương: 01 bản chụp.

Trường hợp toàn bộ hàng hóa đã được khai trên Bản lược khai hàng hóa điện tử, nếu người khai hải quan khai mã hồ sơ do cơ quan hải quan thông báo trên Hệ thống e-Manifest tại tiêu chí “Ghi chú 1” thì không phải nộp bản chụp vận đơn trong bộ hồ sơ hải quan.

Trách nhiệm của người khai hải quan và cơ quan hải quan: Thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Thông tư 38/2015/TT-BTC. Trường hợp Hệ thống gặp sự cố không thực hiện được việc khai vận chuyển hàng hóa qua Hệ thống thì thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 10 Điều 50 Thông tư 38/2015/TT-BTC.

Hà An