![]() |
Nghị định 199/2025: Tháo gỡ rào cản thuế, mở đường cho ô tô thân thiện môi trường |
Một trong những điểm thay đổi mang tính chiến lược của Nghị định 199 là điều chỉnh điều kiện về sản lượng tối thiểu để được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô sử dụng nhiên liệu truyền thống (xăng, dầu) nếu đồng thời sản xuất các dòng xe thân thiện môi trường như xe điện, hybrid, xe chạy pin nhiên liệu, khí thiên nhiên hoặc nhiên liệu sinh học hoàn toàn, sẽ được cộng gộp sản lượng của các dòng xe "xanh" vào tổng sản lượng tối thiểu và sản lượng riêng của từng nhóm xe khi xét điều kiện ưu đãi.
Đây là một thay đổi quan trọng, bởi trước đó các dòng xe "xanh" thường có sản lượng thấp, không đáp ứng được tiêu chí ưu đãi, dẫn đến chi phí nhập linh kiện cao, làm giảm sức cạnh tranh. Việc mở rộng định nghĩa sản lượng ưu đãi cho phép doanh nghiệp linh hoạt hơn trong chiến lược sản xuất và chuyển đổi sang công nghệ sạch, đồng thời thúc đẩy sự đa dạng hóa sản phẩm theo hướng bền vững.
Nghị định 199 còn cho phép các doanh nghiệp nắm giữ trên 35% vốn điều lệ tại các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô khác được cộng gộp sản lượng của các đơn vị thành viên để xét điều kiện hưởng ưu đãi thuế. Quy định này tạo điều kiện để các tập đoàn ô tô trong nước tối ưu hóa quy mô sản xuất, giảm chi phí đầu vào, từ đó tăng sức cạnh tranh trước làn sóng hội nhập và chuyển đổi công nghệ.
Tuy nhiên, để tránh trục lợi chính sách, Nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp sở hữu trong việc xác định tổng sản lượng và tỷ lệ góp vốn, đồng thời nhấn mạnh chế tài xử lý nếu có hành vi kê khai sai thực tế. Cơ quan hải quan sẽ thực hiện hoàn thuế tương ứng với sản lượng xe đã xuất xưởng trong kỳ xét ưu đãi, bảo đảm minh bạch và hiệu quả trong triển khai.
Điều chỉnh thuế với một số mặt hàng chiến lược
Bên cạnh ưu đãi cho ngành ô tô, Nghị định 199 cũng điều chỉnh thuế suất với một số mặt hàng quan trọng. Đáng chú ý:
Phospho vàng: tăng thuế suất xuất khẩu từ 5% lên 10% kể từ ngày 1/1/2026 và tiếp tục lên 15% từ 1/1/2027. Đây là mặt hàng tài nguyên chiến lược, cần được điều tiết xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung trong nước.
Tôn đen cán để tráng thiếc: hiện đang hưởng thuế suất nhập khẩu 0% đến hết tháng 8/2025, sau đó sẽ áp dụng mức 7% từ 1/9/2025.
Một số loại Polyetylen và Copolyme etylene-alpha-olefin: áp dụng ngay mức thuế nhập khẩu 2%, thay vì 0% như trước.
Các điều chỉnh này cho thấy định hướng rõ ràng của Chính phủ trong việc bảo vệ sản xuất trong nước, hạn chế xuất khẩu tài nguyên thô và định hướng nhập khẩu nguyên liệu theo hướng chọn lọc, bền vững hơn.
Tín hiệu chính sách rõ ràng cho ngành ô tô xanh
Việc ban hành Nghị định 199 là một bước tiến lớn trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô thân thiện môi trường tại Việt Nam. Chính sách thuế mới không chỉ tháo gỡ những rào cản về sản lượng, mà còn khuyến khích liên kết chuỗi, tăng quy mô và hiệu quả sản xuất, đặc biệt trong bối cảnh xu thế chuyển đổi năng lượng đang gia tăng trên toàn cầu.
Với sự hỗ trợ từ chính sách, cộng đồng doanh nghiệp ô tô trong nước đang đứng trước cơ hội vàng để đầu tư vào công nghệ xanh, đa dạng hóa danh mục sản phẩm và từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.