Thông tư quy định cụ thể các trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc diện chịu thuế GTGT tại Việt Nam, bao gồm cả trường hợp có hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cũng như cá nhân cư trú hoặc không cư trú theo pháp luật thuế.
Điểm đáng chú ý, phạm vi chịu thuế không chỉ dừng lại ở các giao dịch cung cấp dịch vụ hay phân phối hàng hóa truyền thống, mà còn bao gồm cả các hình thức kinh doanh gián tiếp, như ủy quyền cho doanh nghiệp Việt Nam thực hiện phân phối, quảng cáo, tiếp thị, giữ quyền sở hữu hàng hóa hoặc chịu trách nhiệm về giá bán, chất lượng.
Đặc biệt, các tổ chức, cá nhân nước ngoài ký hợp đồng thông qua đại diện tại Việt Nam, thực hiện quyền nhập khẩu, xuất khẩu, phân phối hoặc bán hàng hóa cho thương nhân Việt Nam theo pháp luật thương mại, đều được xác định là đối tượng chịu thuế GTGT. Điều này giúp khép kín các “kẽ hở” pháp lý trước đây vốn khiến hoạt động kinh doanh xuyên biên giới trở nên khó quản lý về nghĩa vụ thuế.
![]() |
Làm rõ chính sách thuế GTGT đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam |
Tuy nhiên, Thông tư cũng làm rõ một số trường hợp không chịu thuế GTGT, như tổ chức thành lập theo pháp luật Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ cung cấp hàng hóa không kèm dịch vụ thực hiện tại Việt Nam; hoặc các dịch vụ được cung cấp và tiêu dùng hoàn toàn ở nước ngoài như sửa chữa, môi giới, đào tạo, tiếp thị... Các dịch vụ chia cước viễn thông quốc tế, thuê đường truyền, dịch vụ bưu chính quốc tế cũng không thuộc đối tượng áp dụng nếu được thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Về phương pháp tính thuế, Thông tư quy định rõ việc áp dụng phương pháp trực tiếp trên doanh thu đối với nhà thầu nước ngoài và nhà thầu phụ nước ngoài không đáp ứng điều kiện khấu trừ thuế. Trong đó, doanh thu tính thuế là toàn bộ số tiền nhà thầu nhận được chưa trừ thuế, bao gồm cả khoản chi phí do bên Việt Nam trả thay (nếu có).
Thuế GTGT phải nộp được tính bằng cách nhân doanh thu với tỷ lệ phần trăm thuế suất tương ứng với ngành nghề kinh doanh, theo bảng tỷ lệ quy định sẵn. Đáng lưu ý, đối tượng nộp thuế theo phương pháp trực tiếp sẽ không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Đối với hoạt động cung cấp dịch vụ gắn với hàng hóa – như lắp đặt, bảo trì, bảo hành... nếu diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam, phần giá trị dịch vụ sẽ bị tính thuế GTGT. Trường hợp không tách bạch được giá trị hàng hóa và giá trị dịch vụ, toàn bộ giá trị hợp đồng sẽ bị áp thuế.
Trong lĩnh vực dầu khí, nếu nhà thầu nước ngoài không đủ điều kiện áp dụng phương pháp khấu trừ, bên Việt Nam có trách nhiệm khấu trừ và nộp thay thuế GTGT trước khi thanh toán. Ngược lại, nếu đáp ứng đủ điều kiện (có cơ sở thường trú, cư trú thuế, hợp đồng kéo dài trên 183 ngày, có hệ thống kế toán theo quy định), nhà thầu có thể áp dụng phương pháp khấu trừ, song thuế GTGT đầu vào phát sinh trước thời điểm được cấp mã số thuế sẽ không được khấu trừ.
Thông tư cũng chuẩn hóa các khái niệm “hợp đồng nhà thầu”, “hợp đồng nhà thầu phụ”, đồng thời viện dẫn quy định pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân để xác định tình trạng cư trú và cơ sở thường trú của tổ chức, cá nhân nước ngoài. Việc thống nhất khái niệm và nguyên tắc áp dụng giúp nâng cao hiệu lực thực thi, hạn chế tình trạng trốn tránh nghĩa vụ thuế thông qua cấu trúc hợp đồng phức tạp.
Việc ban hành Thông tư 69/2025/TT-BTC cho thấy nỗ lực rõ ràng của cơ quan quản lý trong việc siết chặt quản lý thuế đối với nền kinh tế xuyên biên giới, đồng thời tạo điều kiện công bằng cho doanh nghiệp trong nước khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng mở rộng kết nối, việc minh bạch và rõ ràng về nghĩa vụ thuế sẽ là nền tảng quan trọng để duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh và bền vững tại Việt Nam.