Hàng hóa bán vào khu chế xuất sẽ thuộc diện không chịu thuế GTGT.
Khu chế xuất được coi là khu phi thuế quan, hàng hóa bán vào khu chế xuất được xem là hàng hóa xuất khẩu và được áp dụng mức thuế suất 0%.
Khoản 20 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 quy định đối tượng không chịu thuế gồm có:
[…]
Hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu; hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu; nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu theo hợp đồng sản xuất; gia công xuất khẩu ký kết với bên nước ngoài; hàng hóa, dịch vụ được mua bán giữa nước ngoài với các khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế quan với nhau.
Khoản 20 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định khu phi thuế quan gồm: khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất, kho bảo thuế, khu bảo thuế, kho ngoại quan, khu kinh tế thương mại đặc biệt, khu thương mại – công nghiệp và các khu vực kinh tế khác được thành lập và được hưởng các ưu đãi về thuế như khu phi thuế quan theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, khoản 1 Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC cũng nêu rõ:
“1. Thuế suất 0%: áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hoá, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.
Hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu là hàng hoá, dịch vụ được bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hoá, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.
a) Hàng hóa xuất khẩu bao gồm:
[…]
– Hàng hóa bán vào khu phi thuế quan theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; hàng bán cho cửa hàng miễn thuế;
[…]
Theo đó, khu chế xuất được coi là một phần của khu phi thuế quan nên hàng hóa bán vào khu chế xuất sẽ thuộc diện không chịu thuế GTGT.
Hàng hóa bán vào khu chế xuất được xem là hàng hóa xuất khẩu và được áp dụng mức thuế suất 0% (nếu không thuộc các trường hợp không được áp dụng mức thuế suất 0% theo khoản 3 Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC).
Tuy nhiên, đối với hàng bán vào khu chế xuất, để áp dụng mức thuế suất 0% cần phải đáp ứng những điều kiện tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC:
– Có hợp đồng bán, gia công hàng hóa xuất khẩu; hợp đồng ủy thác xuất khẩu;
– Có chứng từ thanh toán tiền hàng hóa xuất khẩu qua ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định;
– Có tờ khai hải quan theo khoản 2 Điều 16 Thông tư này.
Riêng đối với trường hợp hàng hóa bán mà điểm giao, nhận hàng hóa ở ngoài Việt Nam, cơ sở kinh doanh (bên bán) phải có tài liệu chứng minh việc giao, nhận hàng hóa ở ngoài Việt Nam như:
– Hợp đồng mua hàng hóa ký với bên bán hàng hóa ở nước ngoài;
– Hợp đồng bán hàng hóa ký với bên mua hàng;
– Chứng từ chứng minh hàng hóa được giao, nhận ở ngoài Việt Nam như: hóa đơn thương mại theo thông lệ quốc tế, vận đơn, phiếu đóng gói, giấy chứng nhận xuất xứ…;
– Chứng từ thanh toán qua ngân hàng gồm: chứng từ qua ngân hàng của cơ sở kinh doanh thanh toán cho bên bán hàng hóa ở nước ngoài;
– Chứng từ thanh toán qua ngân hàng của bên mua hàng hóa thanh toán cho cơ sở kinh doanh.
Nếu doanh nghiệp không làm đủ thủ tục, sẽ không được hưởng mức thuế suất VAT 0%.
Các loại thuế suất thuế GTGT Theo Điều 8 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi năm 2013 quy định về thuế suất thuế GTGT. Theo đó có 3 loại thuế suất thuế GTGT: – Thuế suất 0%. – Thuế suất 5%. – Thuế suất 10%. Với từng loại mức thuế suất sẽ áp dụng với từng loại hàng hóa, dịch vụ khác nhau. |