![]() |
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn tại Hội thảo |
Ngày 14/6/2025, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Luật số 68/2025/QH15). Luật sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2025, sớm hơn gần nửa năm so với kế hoạch ban đầu, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Quốc hội và Chính phủ trong việc cải cách thể chế quản lý vốn nhà nước, tạo động lực tăng trưởng cho khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Khác với Luật số 69/2014/QH13 trước đây vốn chịu ảnh hưởng của tư duy hành chính, Luật số 68/2025/QH15 có cách tiếp cận hoàn toàn mới – xác định rõ Nhà nước là một “nhà đầu tư” chứ không phải “người can thiệp”. Việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với phần vốn góp tại doanh nghiệp được chuyển dịch sang mô hình chủ sở hữu vốn, thông qua người đại diện trực tiếp hoặc người đại diện phần vốn nhà nước. Điều này giúp tách bạch rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu, qua đó tăng tính minh bạch, giảm sự chồng chéo, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp phát triển đúng theo nguyên tắc thị trường.
Luật cũng thiết lập cơ chế phân cấp mạnh mẽ, trao quyền chủ động cao hơn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, người đại diện vốn nhà nước trong các quyết định đầu tư, huy động vốn và sử dụng nguồn lực nội tại. Thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư vốn được đơn giản hóa đáng kể, giảm bớt tầng nấc phê duyệt không cần thiết, tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể phản ứng linh hoạt với biến động thị trường.
Không chỉ dừng lại ở việc ban hành Luật, Chính phủ đã chủ động rút ngắn thời gian đưa Luật vào thực thi. Theo Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 11/4/2025, hiệu lực thi hành của Luật được đẩy sớm từ 01/01/2026 lên ngày 01/8/2025 nhằm kịp thời khơi thông các nguồn lực hiện có trong doanh nghiệp nhà nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025 và tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững trong các năm tiếp theo.
Triển khai thi hành Luật, Bộ Tài chính đã chủ trì xây dựng ba dự thảo nghị định hướng dẫn, bao gồm: Nghị định quy định về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Nghị định về giám sát, kiểm tra, đánh giá và công khai thông tin; và Nghị định về cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Các dự thảo được xây dựng theo trình tự rút gọn, vừa kế thừa các quy định còn phù hợp trong hệ thống pháp luật hiện hành, vừa bổ sung, điều chỉnh các nội dung để phù hợp với tinh thần mới của Luật số 68/2025/QH15 và thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
|
| ||
|
|
Hội thảo lấy ý kiến đối với các dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Luật số 68/2025/QH15) ngày 09/7/2025, tại Phú Thọ, do Bộ Tài chính tổ chức
Cụ thể, dự thảo Nghị định về quản lý và đầu tư vốn nhà nước làm rõ phạm vi đầu tư, thẩm quyền và phương thức sử dụng vốn nhà nước, trong đó nổi bật là cơ chế phân cấp cho doanh nghiệp trong việc tự quyết định các phương án đầu tư từ nguồn lực nội tại. Các quy định về chiến lược phát triển, phân phối lợi nhuận, chuyển nhượng vốn, bán tài sản, xác định vốn điều lệ... cũng được thiết kế minh bạch, linh hoạt hơn, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và bảo toàn giá trị tài sản nhà nước.
Trong khi đó, dự thảo Nghị định về giám sát và đánh giá hoạt động doanh nghiệp nhà nước bổ sung cơ chế giám sát ba cấp: Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp. Các tiêu chí đánh giá doanh nghiệp được thiết kế theo hướng định lượng, phù hợp với thực tiễn sản xuất – kinh doanh, qua đó giúp cơ quan quản lý bám sát hiệu quả thực tế thay vì đánh giá hình thức. Đặc biệt, việc đánh giá người đại diện vốn nhà nước, kiểm soát viên cũng được quy định rõ ràng theo bốn mức, tạo động lực và cơ sở cho việc sàng lọc, khen thưởng hay điều chỉnh nhân sự một cách minh bạch.
Dự thảo Nghị định về cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp thể chế hóa quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước về đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Nội dung bao gồm các quy định về cổ phần hóa, chuyển giao dự án, chuyển nhượng vốn, hợp nhất – chia tách doanh nghiệp, xử lý tài chính khi giải thể công ty 100% vốn nhà nước, tính toán giá trị quyền sử dụng đất thuê hàng năm trong cổ phần hóa... nhằm đảm bảo quá trình tái cơ cấu được diễn ra minh bạch, có lộ trình và gắn với yêu cầu sử dụng hiệu quả tài sản công.
Việc ban hành Luật số 68/2025/QH15 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành không chỉ góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý và đầu tư vốn nhà nước, mà còn khẳng định quyết tâm cải cách, thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước trở thành lực lượng sản xuất chủ lực, chủ động hơn, tự chủ hơn và hiệu quả hơn. Trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng số hóa, thị trường hóa và hội nhập sâu rộng, Luật sẽ là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp nhà nước thích ứng nhanh, cạnh tranh sòng phẳng và phát triển bền vững.
Ngày 09/7/2025, tại Phú Thọ, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo lấy ý kiến của các Bộ, ngành, Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, các tổ chức tín dụng và các cơ quan liên quan đối với 03 dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Luật số 68/2025/QH15). Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp Nhà nước Phùng Quốc Chí, đại diện một số đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Tài chính, gần 150 đại biểu đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, một số Bộ (Tư pháp, Quốc phòng, Xây dựng, Nông nghiệp và Môi trường), Ngân hàng Nhà nước, UBND các tỉnh, TP (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Ninh Bình); 1 số Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có vốn nhà nước, các chuyên gia, nhà khoa học. |