Chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu được áp dụng từ tháng 4/2022 trong bối cảnh giá dầu thô thế giới biến động mạnh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và những căng thẳng địa chính trị như xung đột Nga – Ukraine.
Tại thời điểm đó, giá xăng dầu trong nước liên tục lập đỉnh, kéo theo nguy cơ lạm phát cao, ảnh hưởng đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp. Việc giảm thuế bảo vệ môi trường đã góp phần quan trọng trong việc kìm hãm đà tăng giá, tạo vùng đệm cho nền kinh tế trước sóng dữ giá cả.
![]() |
Thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ giữ nguyên đến hết năm 2026? |
Tuy giúp kiểm soát giá xăng dầu và chỉ số giá tiêu dùng (CPI), việc duy trì mức thuế bảo vệ môi trường thấp trong thời gian dài cũng đồng nghĩa với việc ngân sách Nhà nước chịu áp lực không nhỏ. Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường như hiện hành đến hết năm 2026, tổng thu ngân sách sẽ giảm khoảng 121.740 tỷ đồng. Trong đó, năm 2025 thiệt hại khoảng 39.540 tỷ đồng, và năm 2026 là 82.200 tỷ đồng.
Dẫu vậy, theo giới phân tích, mức “hy sinh tài khóa” này cần thiết và hợp lý trong giai đoạn kinh tế vẫn đang phục hồi. Việc kiềm chế giá xăng dầu giúp giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, đồng thời hạn chế tác động dây chuyền lên giá hàng hóa – dịch vụ, qua đó tạo dư địa cho điều hành chính sách tiền tệ, giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Đáng chú ý trong đề xuất lần này, việc Bộ Tài chính kiến nghị điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ mức ưu đãi đặc biệt sang mức chung là 2.000 đồng/lít. Lý do là trong giai đoạn khó khăn, ngành hàng không đã nhận được nhiều chính sách hỗ trợ như giảm thuế giá trị gia tăng, giãn thời hạn nộp thuế, miễn giảm phí – lệ phí… Việc điều chỉnh này thể hiện xu hướng dần rút lại ưu đãi đặc thù, hướng tới công bằng chính sách giữa các lĩnh vực vận tải như đường bộ, đường sắt và hàng không.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng lưu ý, chính sách hỗ trợ nên có lộ trình để doanh nghiệp kịp thời thích nghi. Ngành hàng không vẫn đang phục hồi chưa đồng đều, chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí, nên điều chỉnh cần được cân nhắc kỹ lưỡng để tránh gây “sốc giá” bất ngờ.
Trong cơ cấu giá xăng dầu, thuế bảo vệ môi trường là một yếu tố cấu thành quan trọng, có tác động trực tiếp đến giá bán lẻ. Do đó, việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường là một công cụ chính sách linh hoạt mà Nhà nước sử dụng để kiểm soát lạm phát. Trong bối cảnh giá dầu thế giới còn nhiều rủi ro, việc duy trì mức thuế bảo vệ môi trường thấp giúp kìm hãm các đợt tăng giá bất thường, giảm tác động lan tỏa đến CPI.
Không chỉ vậy, xăng dầu còn đóng vai trò chiến lược trong an ninh năng lượng và là đầu vào thiết yếu cho hầu hết hoạt động sản xuất – kinh doanh. Bởi vậy, các chính sách điều hành liên quan đến xăng dầu luôn mang tính hệ thống và có ảnh hưởng sâu rộng đến toàn nền kinh tế.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, kể từ ngày 1/1/2027, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu và mỡ nhờn sẽ quay trở lại mức trần quy định tại Nghị quyết số 579/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Điều này thể hiện lộ trình rõ ràng trong việc chuyển từ trạng thái hỗ trợ phục hồi sang trạng thái bình thường hóa chính sách tài khóa, một bước cần thiết trong bối cảnh Việt Nam từng bước hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu và cần xây dựng nền tài chính quốc gia vững vàng hơn.