Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2025 chính thức bổ sung khái niệm “chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp” – một bước đi mang tính đột phá nhằm minh bạch hóa cơ cấu sở hữu doanh nghiệp và ngăn chặn tình trạng lập doanh nghiệp “ma”, núp bóng người khác để trốn tránh nghĩa vụ pháp lý, nghĩa vụ thuế và che giấu dòng tiền bất hợp pháp. Đây là lần đầu tiên pháp luật Việt Nam chính thức công nhận và điều chỉnh người “đứng sau” doanh nghiệp – dù không đứng tên trên giấy tờ nhưng thực chất là người sở hữu, kiểm soát, chi phối và hưởng lợi.
Việc bổ sung khái niệm “chủ sở hữu hưởng lợi” không phải ngẫu nhiên. Đây là yêu cầu đã được đặt ra từ nhiều năm trước trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, đặc biệt là các cam kết về minh bạch doanh nghiệp, phòng chống rửa tiền theo khuyến nghị của Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính về chống rửa tiền (FATF). Các tổ chức tài chính quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài và thậm chí cả các cơ quan thuế tại nhiều nước đã không ít lần lên tiếng về việc khó truy vết dòng tiền và xác định chủ thực sự của doanh nghiệp Việt khi mà một cá nhân có thể đứng tên hàng chục công ty, hoặc một công ty có cổ phần vòng vo qua nhiều lớp trung gian.
![]() |
Luật Doanh nghiệp sửa đổi 2025 buộc "người đứng sau" doanh nghiệp phải lộ diện (Ảnh: internet) |
Luật buộc doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm
Luật yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện hàng loạt nghĩa vụ cụ thể: Kê khai thông tin chủ sở hữu hưởng lợi trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; cập nhật thường xuyên nếu có thay đổi; lưu trữ danh sách này trong hồ sơ nội bộ và cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu. Thông tin cần kê khai bao gồm họ tên, ngày sinh, quốc tịch, giới tính, địa chỉ liên hệ, số giấy tờ pháp lý, tỷ lệ sở hữu hoặc quyền kiểm soát. Những doanh nghiệp không thực hiện hoặc khai gian dối sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Ở góc độ thị trường, việc minh bạch hóa chủ sở hữu cũng là công cụ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông và đối tác. Khi biết rõ ai là người thực sự đứng sau một doanh nghiệp, các bên có thể đánh giá rủi ro, uy tín và năng lực tài chính chính xác hơn. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ có thêm niềm tin khi dữ liệu doanh nghiệp Việt được công khai, minh bạch và thống nhất theo chuẩn mực quốc tế.
Tất nhiên, sẽ có những bỡ ngỡ ban đầu. Không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay chưa hiểu đúng “chủ sở hữu hưởng lợi” là gì, thậm chí nhầm lẫn với cổ đông, thành viên góp vốn thông thường. Một số người từng dùng tên người thân hoặc nhân viên để né trách nhiệm pháp lý, che giấu thu nhập hoặc hợp thức hóa dòng tiền nay sẽ phải cân nhắc lại. Tuy nhiên, đây là thách thức cần thiết để thị trường trưởng thành. Cũng giống như quy định về công khai báo cáo tài chính, kê khai thuế điện tử hay minh bạch sở hữu nhà đất, quy định về “chủ sở hữu hưởng lợi” là bước đi tất yếu trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế hiện đại.
Luật đã “vén màn” và đặt ra "luật chơi". Trách nhiệm giờ đây thuộc về doanh nghiệp – nếu minh bạch, không ai phải e ngại. Nếu gian dối, rủi ro sẽ ngày càng lớn khi hệ thống quản lý ngày càng thông minh, kết nối dữ liệu chặt chẽ và hậu kiểm được tăng cường.
"Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp có tư cách pháp nhân (sau đây gọi là chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp) là cá nhân có quyền sở hữu trên thực tế vốn điều lệ hoặc có quyền chi phối đối với doanh nghiệp đó, trừ trường hợp người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.” - Theo Điểm d Khoản 1 Điều 1 Luật Doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung năm 2025 |