Luật sư Phạm Hà Linh - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội trả lời:
Chào chị,
Để được làm kế toán, chị cần đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 51 Luật Kế toán 2015 và Điều 21 Nghị định 174/2016/NĐ-CP, bao gồm:
- Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, tuân thủ pháp luật;
- Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán phù hợp;
- Không thuộc các trường hợp bị cấm làm kế toán theo Điều 52 Luật Kế toán và Điều 19 Nghị định 174 (như đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị cấm hành nghề theo quyết định của Tòa án...).
Trường hợp chị đảm nhiệm vị trí kế toán trưởng, cần thêm các điều kiện quy định tại Điều 54 Luật Kế toán: Có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng; Có kinh nghiệm thực tế làm kế toán ít nhất 2 năm (nếu có bằng đại học trở lên) hoặc 3 năm (nếu có trình độ trung cấp/cao đẳng kế toán).
Về quan hệ nhân thân, pháp luật không cấm vợ làm kế toán trong công ty do chồng làm giám đốc, nếu công ty đáp ứng các điều kiện: Là doanh nghiệp siêu nhỏ và không có vốn nhà nước.
Tiêu chí xác định doanh nghiệp siêu nhỏ
Theo Điều 5 Nghị định 80/2021/NĐ-CP, doanh nghiệp siêu nhỏ được xác định như sau:
Lĩnh vực thương mại, dịch vụ: Có không quá 10 lao động tham gia BHXH bình quân năm và có doanh thu không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ.
Lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, nông - lâm - ngư nghiệp: Có không quá 10 lao động tham gia BHXH bình quân năm và có doanh thu hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ.
Như vậy, nếu công ty của vợ chồng chị đáp ứng các điều kiện nêu trên và chị đủ tiêu chuẩn về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp thì hoàn toàn có thể làm kế toán hợp pháp trong công ty.