Theo quy định mới, hộ kinh doanh có thể do một cá nhân hoặc các thành viên trong một hộ gia đình đăng ký thành lập. Người thành lập hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với mọi hoạt động kinh doanh.
Nếu hộ kinh doanh được thành lập bởi nhiều thành viên trong gia đình, thì các thành viên phải lập vă ban ủ quyền cho một người đại diên điều hành hoạt động kinh doanh. Văn bản này phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định pháp luật.
Người được quyền thành lập hộ kinh doanh là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ những trường hợp sau: Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành án phạt tù hoặc bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính bắt buộc; Đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề, hoặc làm công việc nhất định; Những đối tượng khác bị cấm theo quy định pháp luật.
![]() |
Chính phủ đã ban hành Nghị định 168/2025/NĐ-CP quy định chi tiết về việc đăng ký doanh nghiệp, trong đó có những quy định mới liên quan đến hộ kinh doanh và thủ tục đăng ký hộ kinh doanh. |
Một số trường hợp không bắt buộc phải đăng ký, bao gồm: Hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp hoặc làm muối; Những người bán hàng rong, bán quà vặt, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, hoặc cung cấp dịch vụ có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, nếu các đối tượng trên kinh doanh ngành nghề có điều kiện, hoặc muốn đăng ký hộ kinh doanh để thuận lợi cho hoạt động, thì vẫn được phép thực hiện thủ tục theo quy định.
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GCN ĐKHKD) là văn bản bản giấy hoặc điện tử do Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp xã cấp. GCN này đồng thời cũng là giấy chứng nhận đăng ký thuế cho hộ kinh doanh.
Điều kiện để được cấp GCN ĐKHKD: Ngành nghề kinh doanh không bị cấm; Tên hộ kinh doanh phù hợp theo quy định; Hồ sơ đăng ký đầy đủ, hợp lệ; Đã nộp đầy đủ lệ phí theo quy định.
Hộ kinh doanh được phép hoạt động kể từ ngày được cấp GCN, trừ khi kinh doanh ngành nghề có điều kiện. Nếu đăng ký ngày hoạt động sau ngày được cấp GCN, thì hộ chỉ được hoạt động từ ngày đã đăng ký.
Lưu ý, GCN ĐKHKD không phải là giấy phép kinh doanh.
Người đứng tên hộ kinh doanh hoặc người được ủy quyền sẽ nộp hồ sơ đăng ký tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp xã nơi đặt trụ sở.
Hồ sơ bao gồm: Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh; Bản sao văn bản ủy quyền (nếu có nhiều thành viên hộ gia đình cùng thành lập), được công chứng/chứng thực hợp lệ.
Thời hạn giải quyết: Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ: Nếu hồ sơ hợp lệ: Cấp GCN ĐKHKD và gửi thông tin đến cơ quan thuế; Nếu hồ sơ chưa đạt yêu cầu: Trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do và hướng dẫn bổ sung/sửa đổi.
Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp xã sẽ từ chối cấp GCN ĐKHKD nếu: Hộ kinh doanh đã vi phạm và bị thu hồi GCN ở lần trước; Hộ đang ở trạng thái pháp lý: “Không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký”.
Trường hợp được xem xét cấp lại GCN nếu: Hộ kinh doanh đã khắc phục vi phạm và được chấp thuận; Đã thay đổi nội dung đăng ký để phục vụ việc chấm dứt hoạt động; Không còn trong trạng thái “Không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký”.
Ngoài ra, nếu Tòa án, Cơ quan thi hành án hặc Cơ quan điều tra có yêu cầu bằng văn bản tạm dừng thủ tục đăng ký hộ kinh doanh thì các thủ tục này sẽ tạm thời bị ngưng cho đến khi có ý kiến chấp thuận cho tiếp tục thực hiện.