Động lực từ ngư nghiệp và hậu cần nghề cá
Sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính, xã Cửa Việt (tỉnh Quảng Trị) trở thành địa phương có quy mô dân cư và diện tích lớn, với hơn 21.000 dân trên gần 51 km² đất liền, sở hữu hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ và tiềm năng vượt trội về biển, cảng cá, du lịch, dịch vụ.
Những ngày giữa hè, vùng biển Cửa Việt rộn ràng nhịp sống với từng chuyến tàu ra khơi đón mùa hải sản bội thu. Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự khởi sắc rõ nét của địa phương trong phát triển kinh tế biển – lĩnh vực đang được xác định là mũi nhọn.
Với hơn 560 tàu thuyền (trong đó có trên 300 tàu đánh bắt xa bờ), Cửa Việt đang hình thành một trung tâm khai thác và chế biến thủy hải sản quy mô lớn của tỉnh Quảng Trị. Hạ tầng nghề cá ngày càng hoàn chỉnh với cảng cá Cửa Việt loại III, khu neo đậu tránh trú bão Bắc Cửa Việt, cùng hệ thống hậu cần gồm hàng trăm cơ sở thu mua, sửa chữa, chế biến. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản của địa phương đạt gần 12.000 tấn/năm.
Bên cạnh đó, nhiều mô hình nuôi trồng tổng hợp đang phát huy hiệu quả kinh tế cao như cá - lúa nước ngọt, nuôi lồng trên sông, mô hình tôm - cua - cá luân canh, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Các tổ đội sản xuất trên biển, tổ tự quản tàu thuyền không chỉ tăng năng suất đánh bắt mà còn đóng vai trò trong cứu hộ, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
![]() |
Cửa Việt trở thành địa phương trọng điểm phát triển kinh tế biển của Quảng Trị |
Cửa Việt sở hữu 7,5 km đường bờ biển đẹp, hội tụ điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Hai bãi tắm nổi tiếng Gio Hải và Cửa Việt đón khoảng 30.000-35.000 lượt khách/năm, đóng góp doanh thu du lịch hơn 1,5 tỷ đồng. Hạ tầng du lịch được chú trọng đầu tư từ các khách sạn, nhà hàng cho đến các khu nghỉ dưỡng cao cấp. Trong đó, Camel Golden Sea Resort là điểm nhấn nổi bật, đạt tiêu chuẩn 4 sao quốc tế, thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao quy mô.
Chiến lược rõ ràng, mục tiêu dài hạn
Lợi thế nằm trong trục Hành lang Kinh tế Đông - Tây, Cửa Việt được ưu tiên đầu tư giao thông liên vùng, kết nối các tuyến ven biển, mở ra cơ hội phát triển logistics, vận tải biển và các ngành dịch vụ liên quan. Cảng Cửa Việt đang được mở rộng, kết hợp với hệ thống hạ tầng bãi tắm, khu tái định cư, dịch vụ du lịch ven biển đang từng bước hoàn thiện.
Dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ tăng trưởng khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng – Giai đoạn 2” do tỉnh triển khai tại Cửa Việt, là một cú hích mới, mở đường cho du lịch biển phát triển theo hướng bền vững.
Chủ tịch UBND xã Cửa Việt - ông Lê Văn Thông cho biết: Cửa Việt đang tập trung triển khai đồng bộ Nghị quyết 36-NQ/TW của Trung ương và Chương trình hành động 144-CTHĐ/TU của Tỉnh ủy về phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Cùng với đó là các chính sách về chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU), ứng dụng công nghệ vào khai thác, nuôi trồng, chế biến và nâng cao giá trị thương hiệu thủy sản địa phương.
Xã cũng đặt mục tiêu kêu gọi đầu tư vào các tổ hợp du lịch – dịch vụ ven biển, hoàn thiện hạ tầng cảng cá, hậu cần nghề cá, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng và xây dựng Cửa Việt trở thành trung tâm kinh tế biển năng động phía Đông tỉnh Quảng Trị.