Bài liên quan |
VinSpeed đề xuất vay vốn Nhà nước không lãi suất cho đường sắt cao tốc Bắc – Nam |
Đổi mới tư duy quản lý vốn nhà nước |
Ngày 9/7, Bộ Tài chính đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tổ chức tín dụng và các đơn vị liên quan đối với 3 dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Luật số 68/2025/QH15), nhằm từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, minh bạch cho hoạt động đầu tư, quản lý và tái cơ cấu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
![]() |
Sắp có khung pháp lý đầu tư và giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp |
Ba trụ cột triển khai Luật số 68/2025/QH15
Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Luật số 68/2025/QH15) được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2025 và có hiệu lực từ ngày 1/8 tới đây là một bước đi quan trọng trong việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã chủ trì xây dựng 3 dự thảo Nghị định để hướng dẫn chi tiết thi hành Luật, bao gồm: Dự thảo Nghị định về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Dự thảo Nghị định về giám sát, kiểm tra, đánh giá và công khai thông tin trong quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Dự thảo Nghị định về cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Mỗi dự thảo nghị định đóng vai trò như một trụ cột trong việc quản trị nguồn vốn nhà nước, góp phần khắc phục những bất cập trong quá trình đầu tư, sử dụng và giám sát vốn tại khu vực doanh nghiệp.
Tăng quyền chủ động, đơn giản hóa thủ tục
Ở Nghị định đầu tiên, Bộ Tài chính đề xuất phân cấp mạnh cho Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong việc sử dụng nguồn lực nội tại để đầu tư, góp vốn. Thẩm quyền ra quyết định đầu tư và thủ tục quyết định chủ trương đầu tư cũng được đơn giản hóa, tạo điều kiện linh hoạt cho doanh nghiệp vận hành theo tín hiệu thị trường.
Ngoài ra, Nghị định còn quy định rõ các nội dung liên quan đến chiến lược phát triển, huy động vốn, phân phối lợi nhuận, cơ cấu lại vốn, chuyển nhượng tài sản và dự án đầu tư... đối với các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ toàn bộ hoặc từ 50% trở lên vốn điều lệ.
Nghị định thứ hai hướng tới việc nâng cao tính minh bạch và hiệu lực giám sát với 3 cấp giám sát gồm: Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu và giám sát nội bộ doanh nghiệp. Đặc biệt, lần đầu tiên các chỉ tiêu đánh giá được định lượng hóa, bảo đảm tính khả thi trong việc giao kế hoạch và đo lường kết quả thực hiện.
Việc đánh giá người đại diện vốn nhà nước, kiểm soát viên cũng được thiết kế theo 4 mức độ: hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành, và không hoàn thành, nhằm nâng cao trách nhiệm cá nhân và gắn kết vai trò quản trị với hiệu quả hoạt động thực tế.
Cơ cấu lại vốn
Nghị định thứ ba tập trung vào công tác cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, bám sát các nguyên tắc và chủ trương lớn về đổi mới, sắp xếp, nâng cao hiệu quả khu vực DNNN.
Các nội dung kế thừa và hoàn thiện bao gồm: Cổ phần hóa doanh nghiệp, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển nhượng phần vốn nhà nước, sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể… Trong đó, điểm mới đáng chú ý là quy định cụ thể phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa và bắt buộc đăng ký giao dịch cổ phần hóa trên sàn chứng khoán, bảo đảm minh bạch, hạn chế thất thoát tài sản công.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất bổ sung các quy định liên quan đến định giá tài sản vô hình như quyền sử dụng đất thuê hàng năm, chuyển giao dự án, quyền mua cổ phần… làm cơ sở cho việc chuyển nhượng, hợp tác đầu tư minh bạch, hiệu quả hơn.
Theo Bộ Tài chính, việc ban hành các Nghị định chi tiết thi hành Luật số 68/2025/QH15 sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý đồng bộ, giúp khơi thông nguồn lực tài chính trong doanh nghiệp có vốn nhà nước, nâng cao hiệu quả giám sát và đảm bảo việc sử dụng vốn sát với chiến lược phát triển, mục tiêu tăng trưởng của từng doanh nghiệp.
Điều quan trọng hơn, đây là nền tảng để khu vực DNNN thực sự trở thành lực lượng vật chất quan trọng trong nền kinh tế, giữ vai trò dẫn dắt và hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia trong bối cảnh mới.