Bài liên quan |
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Tăng thuế rượu bia lên 100% từ năm 2030 |
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi: Điều hòa trên 24.000 BTU mới chịu thuế |
Tại buổi họp báo sáng 11/7 công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các luật vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận đã chính thức giới thiệu những điểm mới đáng chú ý của Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt năm 2025. Luật gồm 4 chương, 11 điều và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. So với luật hiện hành, luật sửa đổi lần này mang tính điều chỉnh lớn về đối tượng chịu thuế và các quy định miễn trừ, nhằm định hướng tiêu dùng, kiểm soát các sản phẩm có ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và môi trường, đồng thời đồng bộ với hệ thống pháp luật chuyên ngành.
Một trong những điểm nhấn quan trọng là mở rộng đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Cụ thể, Luật đã bổ sung mặt hàng nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml theo tiêu chuẩn quốc gia vào diện chịu thuế, với lý do đây là nhóm sản phẩm tiềm ẩn nguy cơ gia tăng các bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, tim mạch. Đây là bước đi thể hiện định hướng thuế khóa gắn với chính sách y tế công cộng, tương tự như xu hướng nhiều nước đang áp dụng.
![]() |
Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt 2025 thêm đối tượng nước giải khát có đường |
Luật cũng điều chỉnh quy định về thuế suất với sản phẩm điều hòa nhiệt độ. Thay vì đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với các thiết bị có công suất dưới 90.000 BTU như quy định trước đây, luật mới áp dụng mức thuế này đối với điều hòa có công suất từ 24.000 đến 90.000 BTU. Thay đổi này được cho là phản ánh sát thực tế tiêu dùng hiện nay và góp phần điều tiết hành vi tiêu dùng thiết bị có mức tiêu thụ điện năng lớn.
Ngoài ra, luật sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt với các nhóm hàng truyền thống như thuốc lá, rượu, bia, ô tô, tàu bay…, đảm bảo tính đồng bộ với pháp luật chuyên ngành và đáp ứng yêu cầu quản lý trong bối cảnh hội nhập sâu.
Bên cạnh mở rộng đối tượng chịu thuế, Luật cũng cập nhật và bổ sung một số đối tượng không chịu thuế nhằm khuyến khích sản xuất và xuất khẩu. Đáng chú ý, hàng hóa do tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc thuê gia công để xuất khẩu trực tiếp, hoặc thông qua ủy thác cho đơn vị kinh doanh xuất khẩu, được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt. Đây là thay đổi quan trọng nhằm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp xuất khẩu trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Ngoài ra, luật cũng xác định rõ các trường hợp miễn thuế đối với máy bay, trực thăng, tàu lượn, du thuyền được sử dụng vào mục đích kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách, du lịch hoặc sử dụng cho các hoạt động đặc biệt như quốc phòng, an ninh, cứu thương, cứu nạn, huấn luyện đào tạo phi công, đo đạc bản đồ, nông nghiệp, quay phim, chụp ảnh.
Một bổ sung mới đáng chú ý khác là miễn thuế cho các phương tiện vận tải chuyên dụng không tham gia lưu thông công cộng như xe điện chở khách nội khu tại khu vui chơi giải trí, di tích, bệnh viện, trường học…, hoặc các dòng xe chuyên dùng khác chỉ hoạt động trong không gian hạn chế. Đây được xem là chính sách linh hoạt, phản ánh đúng bản chất sử dụng sản phẩm, tránh đánh thuế bất hợp lý gây cản trở hoạt động dịch vụ, du lịch, y tế hoặc giáo dục.
Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt 2025 được kỳ vọng là công cụ điều tiết hiệu quả hành vi tiêu dùng và sản xuất, hướng tới mô hình kinh tế xanh, tiêu dùng lành mạnh và phát triển bền vững. Với việc mở rộng diện chịu thuế đồng thời mở rộng diện miễn thuế có chọn lọc, luật thể hiện sự phân hóa rõ ràng giữa khuyến khích và hạn chế – một nguyên tắc thuế hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Việt Nam từng bước hiện đại hóa chính sách thuế tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.