Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. |
Đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) đặt vấn đề cần phải có cơ sở để chứng minh được việc áp dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng nước giải khát có đường hàm lượng 5g/100ml có thể thay đổi hành vi người tiêu dùng và đạt được hiệu quả cho việc giảm tỷ lệ người thừa cân, béo phì so với những sản phẩm có đường khác.
Theo đại biểu, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường không làm tăng thu ngân sách mà tác động tiêu cực chung tới nền kinh tế. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với mặt hàng này, năm đầu tiên sẽ tăng khoảng 8.507 tỷ đồng nhưng ngân sách từ thuế trực thu sẽ giảm khoảng 2.152 tỷ đồng. Những năm tiếp theo thu ngân sách từ thuế gián thu và trực thu đều sụt giảm.
Chia sẻ ý kiến trên, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (đoàn Vĩnh Phúc) nhìn nhận, chính sách thuế này sẽ không chỉ tác động trực tiếp lên ngành đồ uống mà còn tác động lan tỏa tới 25 ngành trong nền kinh tế và dẫn đến sụt giảm GDP gần 0,5% GDP, tương ứng 42.570 tỷ đồng. Theo đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung, công cụ thuế này không hiệu quả trong việc làm thay đổi hành vì người tiêu dùng, đặc biệt là khi các đối tượng tiêu dùng mặt hàng nước giải khát có đường phần lớn là trẻ em.
Còn đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho rằng, đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ đối với nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam không những chưa bao quát đầy đủ nhiệm vụ Chiến lược dinh dưỡng đã đặt ra mà còn có tác động ngược ở hai khía cạnh, đó là tác dụng ngược với nhận thức của người tiêu dùng và có thể sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các ngành hàng.
Trong khi đó, đại biểu Cầm Hà Chung (đoàn Phú Thọ) cho rằng, cơ quan soạn thảo đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường là chống tình trạng thừa cân, béo phì đang gia tăng tại Việt Nam nhưng chưa có đánh giá tác động khi bổ sung đối tượng này vào diện chịu thuế. Cần làm rõ bổ sung đối tượng này sẽ giúp giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì như thế nào? Cần đánh giá thực trạng, nguyên nhân béo phì và nguyên nhân để đại biểu xem xét, quyết định.
Từ góc độ của mình, đại biểu Nguyễn Thanh Phong (đoàn Vĩnh Long) nhận định, việc áp dụng mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt 10% được dự báo sẽ tác động không thuận tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất nước giải khát và các ngành công nghiệp phụ trợ. Ngoài ra, quy định này cũng có khả năng làm dịch chuyển xu hướng tiêu dùng của người dân sang gia tăng việc sử dụng các mặt hàng đồ uống được sản xuất không chính thức, hoặc các sản phẩm sản xuất thủ công.
Đại biểu đề nghị các cơ quan chuyên môn đưa ra những căn cứ, cơ sở khoa học để chứng minh rằng một trong những nguyên nhân gây béo phì, tăng tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp… là do sử dụng nhiều nước giải khát có hàm lượng đường cao; và việc giảm tỷ lệ sử dụng nước giải khát có hàm lượng đường cao sẽ góp phần cải thiện tình trạng béo phì, các bệnh có liên quan.