Mặc cho ngành bia bốc hơi nghìn tỷ, 2 "ông lớn" Sabeco và Heineken vẫn trong cuộc đua cạnh tranh gay gắt Chi phí bán hàng bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp ngành bia |
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam phát biểu. |
Báo cáo này do Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), Viện Nghiên cứu đồ uống Việt Nam phối hợp với nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Tổng cục Thống kê thực hiện.
Báo cáo cho biết, ngành bia có vị trí, vai trò rất lớn trong việc tạo nguồn thu cho ngân sách thông qua các khoản thuế trực tiếp từ sản xuất bia và các khoản khác qua những hoạt động liên quan như dịch vụ phân phối bán lẻ, bao gồm cả dịch vụ xuất nhập khẩu…
Những năm gần đây, ngành bia và đồ uống nói chung đóng góp lớn vào thu ngân sách nhà nước với trung bình khoảng gần 60.000 tỷ đồng/năm. Giá trị sản xuất của ngành đồ uống chiếm khoảng 5,6 - 6% tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp. Ngành đã tạo ra tạo ra việc làm cho hàng chục ngàn lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp trong chuỗi cung ứng bia. Ngành cũng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài và các công nghệ tiên tiến hiện đại.
Quang cảnh buổi công bố Báo cáo. |
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành luôn ưu tiên và quan tâm dành một phần ngân sách đáng kể tham gia tích cực trong các hoạt động phát triển bền vững theo tiêu chí môi trường - xã hội và quản trị minh bạch (ESG), thông qua các chiến dịch sản xuất xanh, nâng cao nhận thức xã hội, hỗ trợ vấn đề an sinh, bảo vệ môi trường và báo cáo minh bạch, theo xu hướng của thế giới, cam kết của Việt Nam, tích cực tham gia vào công tác thiện nguyện, xã hội…
Báo cáo của nhóm nghiên cứu cho biết, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2009, nhưng sau đó đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung, đến nay đã đạt được nhiều kết quả, góp phần điều tiết vĩ mô nền kinh tế và tăng thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, mỗi lần sửa đổi các đối tượng đều chịu tác động lớn, trong đó có ngành bia chịu nhiều tác động nhất từ những lần điều chỉnh đó. Mức thuế suất hiện nay đối với mặt hàng bia là 65%.
Dự thảo Luật thuế tiêu thu đặc biệt đang sửa đổi theo hướng điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thu đặc biệt đối với mặt hàng bia (mức thuế hiện nay là 65%) với 2 phương án được đề xuất: Phương án 1, tăng thuế từ năm 2026, tăng theo từng năm và mỗi năm tăng 5% để tới năm 2030 thuế suất thuế tiêu thu đặc biệt đối với bia là 90%; phương án 2, tăng thuế từ năm 2026 với mức tăng 15%, sau đó từ năm 2027 tăng từng năm và mỗi năm tăng 5% để tới năm 2030 thuế suất thuế tiêu thu đặc biệt đối với bia là 100%.
Ngoài 2 phương án trên, tháng 7/2024, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát đã gửi văn bản lên Bộ Tài chính, đề xuất lùi thời hạn tăng thuế tới năm 2027, đồng thời tăng thuế ở mức 5% với lộ trình 2 năm tăng 1 lần, đến 80% vào năm 2031 để phù hợp với bối cảnh kinh tế (phương án 3).
Kết quả nghiên cứu cho thấy, cả 3 phương án trên đều ảnh hưởng làm suy giảm giá trị tăng thêm (VA) của ngành bia. Cụ thể, giả định nếu mức tăng trưởng VA của ngành bia tương đương mức tăng trưởng GDP theo kịch bản 6,5% thì phương án 1 sẽ làm giảm 44.359 tỷ đồng, tương đương 9,4%; phương án 2 giảm 61.899 tỷ đồng, tương đương 13,12%; phương án 3 sẽ giảm 38.329 tỷ đồng, tương đương 6,5%.
Đặc biệt, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia sẽ tác động đến 22 ngành (bao gồm cả ngành bia) trong quan hệ liên kết ngành và tới các nhân tố của giá trị tăng thêm. Cụ thể, tác động tới tổng giá trị tăng thêm (GVA) của toàn nền kinh tế và tác động đến thu ngân sách nhà nước. Việc tăng thuế với ngành bia theo báo cáo cũng làm giảm thu nhập của người lao động trong nền kinh tế. Theo đó, với phương án 1, thu nhập người lao động giảm 2.468 tỷ đồng; phương án 2 giảm 4.585 tỷ đồng và phương án 3 là 2.215 tỷ đồng.
Trước những tác động của việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành bia đến nền kinh tế và thu nhập của người lao động, báo cáo đề xuất cân nhắc lựa chọn áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành bia theo phương án 3 bởi rất nhiều lý do. Trong đó, lý do được cân nhắc đầu tiên đó là thời gian qua, doanh nghiệp ngành bia liên tiếp chịu tác động bởi những cú sốc về dịch bệnh và những biến động khó lường, khiến cho sức chống chịu của doanh nghiệp ngành bia suy giảm, năng lực cạnh tranh bị bào mòn. Do đó, giai đoạn này Chính phủ cần hướng tới các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi; sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thay vì ban hành các quy định mà có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tại hội thảo, TS Nguyễn Minh Thảo - Viện CIEM đề xuất cân nhắc lựa chọn phương án 3. TS Nguyễn Minh Thảo cho rằng, kết quả đo lường tác động kinh tế của các phương án tăng thuế cho thấy, phương án 3 đạt được sự hài hòa hơn về các mục tiêu.
Trong khi đó bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế - đồng tình với quan điểm cần phải điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, nếu áp dụng theo phương án 2 thì quá cao và sốc, còn đối với phương án 1 tăng 5% là tương đối hợp lý nhưng cần lưu ý đến lộ trình rõ ràng 2 năm tăng 1 lần hay 1 năm tăng 1 lần.
Bà Trần Ngọc Ánh - Giám đốc Ngoại vụ cấp cao của HEINEKEN Việt Nam - cho rằng, các phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia đều gây tác động đến nền kinh tế, tuy nhiên phương án 2 gây tác động mạnh nhất. Do đó, cần có một phương hài hòa để đạt được các mục tiêu ngân sách, bảo vệ sức khỏe, bảo đảm môi trường kinh doanh.
Một số chuyên gia kinh tế trong khi đánh giá cao nội dung của Báo cáo cũng đã nhấn mạnh việc công tác truyền thông về việc điều chỉnh lộ trình thực hiện thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành bia cần được đẩy mạnh.