Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng do những tác động rộng lớn của sắc thuế này.
Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo là việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường nhằm kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì tại Việt Nam và cải thiện sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn chưa có nghiên cứu khoa học xác nhận mối liên hệ trực tiếp giữa tiêu thụ nước giải khát có đường và tình trạng béo phì. Báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) năm 2023 cho thấy, tỷ lệ béo phì ở học sinh khu vực thành thị cao hơn so với nông thôn, trong khi mức tiêu thụ nước giải khát có đường của trẻ em thành thị lại thấp hơn. Điều này phản ánh rằng béo phì là kết quả của nhiều yếu tố, bao gồm chế độ dinh dưỡng, thói quen vận động, di truyền và các yếu tố bệnh lý.
![]() |
Cần cân nhắc kỹ trước khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường. |
Trước các tranh luận về lộ trình và mức áp thuế hợp lý, tại phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã đề nghị Chính phủ cần cân nhắc để doanh nghiệp có thời gian thích ứng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh nguyên tắc điều chỉnh chính sách thuế phải đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đồng thời tham khảo kinh nghiệm quốc tế để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong nước.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, cho rằng, cần có cách tiếp cận cân bằng giữa mục tiêu sức khỏe và sự ổn định của ngành đồ uống. Theo bà, nếu Chính phủ xác định đây là bước đầu trong lộ trình hạn chế đồ uống có đường, cần xem xét triển khai từ năm 2028 với mức thuế và ngưỡng đường hợp lý, giúp doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh công thức sản phẩm và kế hoạch kinh doanh, tránh tác động đột ngột đến thị trường.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM), lưu ý rằng, nếu chỉ áp thuế cho nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml, điều này có thể chưa công bằng và chưa bao quát đầy đủ đối tượng chịu thuế. Ngành nước giải khát có ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của 25 ngành liên quan, do đó, bất kỳ sự suy giảm nào trong doanh thu của ngành cũng có thể tác động tiêu cực đến GDP và mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Theo nghiên cứu của Viện Quản lý kinh tế Trung ương công bố tháng 10/2024, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước giải khát có đường có thể gây sụt giảm GDP khoảng 0,448%, tương đương 42.570 tỷ đồng. Tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế cũng có thể giảm 0,601%, tương ứng 55.077 tỷ đồng, trong khi tổng giá trị sản xuất của các ngành liên quan giảm gần 50.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, từ năm 2027 trở đi, thu ngân sách từ thuế gián thu dự kiến giảm 0,495% mỗi năm, ước tính giảm khoảng 4.978 tỷ đồng/năm, kéo theo sự suy giảm trong nguồn thu ngân sách tổng thể.
Trước những tác động rộng lớn của chính sách thuế này, nhiều chuyên gia kinh tế đề xuất lộ trình áp dụng từ năm 2028 để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Việc điều chỉnh thuế cần có sự đánh giá kỹ lưỡng về cả mặt sức khỏe cộng đồng và tác động kinh tế, đảm bảo sự ổn định của thị trường và thúc đẩy phát triển bền vững.