Cách các gia đình tiết kiệm mỗi năm dư ra cả trăm triệu đồng

11:13 25/06/2023

Mỗi tháng đều phải chi trả hàng loại biên lai như: Tiền điện, nước, internet, dịch vụ truyền hình… đến việc mua sắm nhu yếu phẩm…. Thế nhưng, nhiều gia đình chi tiêu quá lố, làm ảnh hưởng đến số tiền tiết kiệm, hay quỹ dự phòng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo chị Oanh (Thanh Xuân, Hà Nội), Chi tiêu trong gia đình là tất cả các khoản chi phí nhằm phục vụ nhu cầu vật chất và tinh thần của các thành viên trong gia đình đến từ những nguồn thu nhập của mình.

Chị này cho biết, hàng loạt chi phí cho nhu cầu vật chất như chi phí mua sắm các đồ dùng cá nhân, chi phí ăn uống, chi phí tiền điện, nước, chi phí đi lại,.... Chi phí cho nhu cầu tinh thần như chi phí giải trí (Netflix, Spotify, truyền hình cáp,...), du lịch,...

Hiện gia đình chị này đang có tổng mức thu nhập khoảng 40 triệu đồng, 2 con nhỏ đi học mỗi tháng hết 20 triệu đồng, chi phí điện nước, internet, truyền hình cáp hết khoảng 2,5 triệu đồng, chi phí xăng xe, gửi xe ô tô mỗi tháng hết 5 triệu đồng, phí dịch vụ nhà chung cư, 1,2 triệu đồng hết khoảng gần 9 triệu đồng, còn lại hơn 10 triệu đồng phục vụ ăn uống, tháng nào chi tiêu ít thì tiết kiệm được một khoản khoảng 2 triệu đồng.

Do chưa có phương án chi tiêu nên nhiều thời điểm gia đình chị Oanh đã chi vượt khoản thu, sau đó mới tính lại các cách chi tiêu hợp lý hơn. Chị này đã đặt mục tiêu tiết kiệm bằng những con số cụ thể, qua đó, giúp gia đình chị có động lực hơn trong việc tiết kiệm tiền mỗi tháng. Đồng thời, việc đặt mục tiêu tiết kiệm cũng giúp gia đình chị cân nhắc kỹ lưỡng trước khi muốn mua một món đồ nào đó không cần thiết.

Từ hơn 2 năm nay với phương án này, gia đình chị Oanh đã có dư ra một ít tiền làm quỹ dự phòng cho gia đình. “Mặc dù mỗi tháng chỉ dư ra vài ba triệu đồng, nhưng mỗi năm cũng có một khoản tầm 100 triệu đồng, những năm trước đây, chúng tôi làm được đồng nào xào đồng đấy”, chị Oanh chia sẻ.

Tương Tự, gia đình anh Trần Văn Hùng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), gia đình cũng có 2 con nhỏ học trường quốc tế, mỗi tháng chi phí học của con hết tầm 30 triệu đồng, trong khi thu nhập của gia đình khoảng 70 triệu đồng mỗi tháng.

Nhiều thời điểm do không có phương pháp chi tiêu hợp lý, gia đình anh đã phải đi vay thêm tiền để đóng học phí cho con. Tuy nhiên, hơn 1 năm nay, do tình hình hoạt động kinh tế khó khăn, thu nhập của gia đình anh Hùng giảm xuống còn 60 triệu. Nên gia đình bắt buộc phải cơ cấu lại chi tiêu.

Trong đó, chuyển trường học cho 2 con nhỏ sang một trường có mức học phí thấp hơn, gần nhà hơn để các cháu tự đi lại, đồng thời gia đình cắt giảm nhiều hoạt động mua sắm, đi du lịch nên từ năm ngoái tới nay, gia đình anh mỗi tháng dư ra khoảng 10 đến 12 triệu đồng.

Anh Hùng cho biết, mỗi khi đi mua sắm, chúng tôi thường mua rất nhiều đồ không cần thiết. Nguyên do là cách bố trí sản phẩm tại nhiều siêu thị, cửa hàng thường rất bắt mắt. Thêm vào đó, các siêu thị, cửa hàng thường có các chương trình khuyến mãi. Do vậy, mỗi khi đi siêu thị, chúng tôi thường mua thêm những món không cần thiết cho chính mình.

Theo anh này, việc lập danh sách trước khi mua sắm sẽ giúp bạn liệt kê cụ thể những món cần mua trước. Bên cạnh đó, chúng tôi không phải mua dư thừa những món hàng không cần thiết, giúp tiết kiệm được 1 khoản chi tiêu của mình nên đến nay chúng tôi có dư một khoản dự phòng khoảng gần 150 triệu đồng sau hơn 1 năm thực hiện.

Trong đó, nhu cầu thiết yếu như ăn uống, điện, nước, học phí cho con... sẽ chiếm 50% tổng số tiền. Chi tiêu cá nhân như mua sắm, đồ dùng cá nhân,... sẽ chiếm 30% tổng số tiền. Còn 20% còn lại sẽ là tiền bạn tiết kiệm hoặc trả nợ”, anh này nói.

Giới chuyên gia cho rằng, có rất nhiều cách tiết kiệm tiền hiệu quả cho gia đình để chúng ta có thể tích lũy tài chính hoặc mua sắm các vật dụng thiết yếu. Mỗi cách thực hiện sẽ có những ưu và nhược điểm riêng. Tuy nhiên, việc áp dụng một hoặc kết hợp giữa nhiều cách khác nhau sẽ giúp chúng ta đạt được mục tiêu tiết kiệm nhanh chóng.

Mục đích của hoạt động này là kiểm soát được nguồn tài chính trong gia đình. Phân bổ rõ ràng định mức cho từng nhu cầu sử dụng khác nhau trong từng gia đình.

Vậy nên, chúng ta có thể áp dụng nguyên tắc 50/20/30, trong đó chỉ tiêu dùng 50% tổng số tiền có được cho nhu cầu toàn gia đình, 30% tổng số tiền có được cho những mong muốn của gia đình và 20% còn lại của tổng số tiền có được là dành để tiết kiệm.

Tiểu Vy