Cả nước có 370 khu công nghiệp tính đến cuối tháng 2

09:13 01/03/2021

Các KCN được thành lập trên 61 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng phát triển kinh tế của các vùng.

Trong số 370 KCN đã được thành lập, có 284 KCN đang hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 84,2 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp khoảng 55,9 nghìn ha và 86 KCN đang trong quá trình xây dựng cơ bản.

Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN đạt khoảng 43,4 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 57,8%, riêng các KCN đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy khoảng 71,7%. Các KCN, KKT trên địa bàn cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 3,65 triệu lao động trực tiếp. 

Cần nâng cao hiệu quả và sức đầu tư cho các khu công nghiệp
Cần nâng cao hiệu quả và sức đầu tư cho các khu công nghiệp. 

Các KCN được thành lập trên 61 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng phát triển kinh tế của các vùng. Cụ thể, vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ hiện có tổng cộng 208 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 71,8 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 46,2 nghìn ha, chiếm tương ứng 56,2% về số lượng và 62,3% về diện tích đất tự nhiên so với cả nước. 

Tính đến cuối tháng 2/2021, tổng vốn đầu tư đăng ký của các nhà đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN đạt khoảng 5,30 tỷ USD và 324,9 nghìn tỷ đồng. Trong đó vốn đầu tư đã thực hiện của các dự án hạ tầng 2,34 tỷ USD và 152,4 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 46,2% tổng vốn đầu tư đã đăng ký.

Mục tiêu đến năm 2030, tổng vốn đầu tư đăng ký vào KCN, KKT đạt khoảng 2.700 - 3.200 nghìn tỷ đồng và 280 - 330 tỷ USD; Tổng vốn đầu tư thực hiện trong KCN, KKT đạt khoảng 1.500 - 2.000 nghìn tỷ đồng và 240 - 290 tỷ USD; Giải quyết việc làm cho 05 - 06 triệu lao động vào năm 2025 và 07 - 08 triệu lao động vào năm 2030; Tăng dần tỷ suất thu hút đầu tư các dự án trên 01 ha đất công nghiệp của KCN, KKT thêm khoảng 8 - 10% vào năm 2025 và 15 - 18% vào năm 2030; 40% đến 50% địa phương có KCN xây dựng và bước đầu thực hiện kế hoạch chuyển đổi các KCN hiện hữu thành KCN sinh thái; 08% đến 10% địa phương có KCN định hướng xây dựng thí điểm KCN sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư; Tỷ lệ KCN đã đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 93 - 95% vào năm 2025 và từ 97 - 100% vào năm 2030; Phấn đấu đáp ứng từ 40 - 50% nhu cầu nhà ở của người lao động trong KCN.

Trong thời gian tới, để phát triển các KCN cần tập trung vào các giải pháp như:

Một là, đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm cung cấp các dịch vụ hành chính thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Hai là, Bộ KH&ĐT phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp nâng cao hơn nữa chất lượng quy hoạch, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng KCN; kiểm soát chặt chẽ vấn đề môi trường; chăm lo đời sống vật chất cho người lao động và đặc biệt hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển KCN.

Ba là, tập trung cải thiện chất lượng thu hút đầu tư vào KCN. Theo đó, tập trung ưu tiên thu hút các ngành nghề, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ tiên tiến, thâm dụng vốn, thân thiện với môi trường, các ngành nghề xác định là mũi nhọn phát triển và có lợi thế của Việt Nam.

Bốn là, đa dạng hóa các phương thức hợp tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN, KKT; khuyến khích huy động nguồn lực tư nhân và hình thức đối tác công - tư trong xây dựng, phát triển KCN, KKT. Xây dựng kế hoạch, chương trình xúc tiến đầu tư thống nhất trên phạm vi cả nước, tập trung xúc tiến đầu tư theo vùng để tăng cường hiệu quả, tránh chồng chéo. Thực hiện đầu tư có trọng điểm, tập trung ưu tiên một số đối tác lớn, quan trọng và những ngành nghề, lĩnh vực có lợi thế của Việt Nam.

Năm là, thực hiện liên kết phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động chung; đầu tư nâng cấp và hoàn thiện các cơ sở đào tạo, dạy nghề chất lượng cao đáp ứng cho phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ trực tiếp cho các KCN. Nâng cao năng lực quản lý và kỹ thuật về môi trường cho các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

Có thể nói, các khu công nghiệp (KCN) có hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ, vị trí thuận lợi về kết nối giao thông đang được xem là các trọng điểm thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài để phát triển sản xuất công nghiệp.

Đức Anh