Bộ trưởng Lê Minh Hoan gặp mặt, đối thoại với 13 Giám đốc Sở NNPTNT các tỉnh, thành ĐBSCL

17:06 09/02/2022

Chiều 9/2, tại tỉnh Bạc Liêu, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đã có buổi họp mặt công tác đầu năm 2022 với Giám đốc Sở NNPTNT của 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL.

Đây là cuộc họp mặt lần thứ hai sau khi được khởi xướng tại Cần Thơ vào đầu xuân năm ngoái. Cuộc họp mặt này nhằm lắng nghe những gợi mở, chia sẻ và đề xuất các giải pháp phát triển sinh thái, bền vững cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong thời gian tới.

Đây cũng là dịp để lãnh đạo 13 Sở NNPTNT chia sẻ thực trạng sản xuất, những thuận lợi, khó khăn của năm 2021 vừa qua, cũng như kế hoạch hành động, đề xuất các giải pháp thực hiện nhằm đạt các mục tiêu và kế hoạch của năm 2022 của ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL.

"Nhân cuộc họp mặt đầu năm 2022 hôm nay, tỉnh Bạc Liêu rất muốn lắng nghe ý kiến phát biểu của lãnh đạo Sở NNPTNT của 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Để từ đó tỉnh nghiên cứu, học tập vận dụng vào thực tế sản xuất nông nghiệp của địa phương", Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề xuất.

Chia sẻ tại buổi họp mặt, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng: Vấn đề đặt ra hiện nay là chúng ta phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Ngành nông nghiệp các tỉnh phải làm sao nhanh chóng lan tỏa tinh thần, tư duy đó. Trong đó, thiết thực nhất là thực hiện thông qua các mô hình, nổi bật như lúa thơm, tôm sạch ở vùng ĐBSCL.

"Đã đến lúc ĐBSCL phải tự tin 10 năm, 20 năm nữa thương hiệu vùng được xây dựng từ chính những khó khăn trong điều kiện khắc nghiệt. Chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn và trở thành hình mẫu là một trong những đồng bằng thích ứng với biến đổi khí hậu trên thế giới", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Trong dịp này, ông Lê Minh Hoan cũng mong muốn các địa phương mạnh dạn nêu lên những điểm nghẽn, đóng góp những phát kiến từ thực tiễn địa phương. Để từ đó, lãnh đạo Bộ chia sẻ dưới góc nhìn của Bộ với những hướng dẫn, điều chỉnh trong sản xuất. Đặc biệt là những chuyển động gần đây của khu vực ĐBSCL, nhất là những mô hình, cách làm hay.

Giám đốc Sở NN-PTNT 13 tỉnh ĐBSCL chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp tại buổi họp mặt.

Giám đốc Sở NN-PTNT 13 tỉnh ĐBSCL chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp tại buổi họp mặt/ Nguồn ảnh báo nongnghiep.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: Tỉnh Cà Mau đã quy hoạch 23 tiểu vùng, trong đó có mô hình luân canh lúa tôm càng xanh ở vùng Bắc Cà Mau. Theo tính toán thu nhập từ mô hình này cho thu nhập từ 60-80 triệu đồng/ha/vụ/năm. Tuy lợi nhuận còn khiêm tốn nhưng sản phẩm mang lại rất ấn tượng. Chất lượng của hạt lúa ở mô hình này vượt trội so với vùng chuyên canh lúa. Tuy nhiên nó vẫn còn những điểm nghẽn, trong đó có việc đầu tư hạ tầng thủy lợi chưa đồng bộ.

"Mô hình tôm lúa ở Bạc Liêu năm vừa qua rất hiệu quả, cá biệt có hộ đạt lợi nhuận lên tới 130 triệu/ha/vụ. Tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng 3 Nghị quyết liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, Bạc Liêu có 49/49 xã NTM, toàn tỉnh có 91 sản phẩm OCOP". Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu nêu.

Ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre đề xuất: Thời gian tới cần nâng cao vai trò HTX, hình thành chuỗi liên kết ngang và dọc. Gần đây nông dân Bến Tre tham gia chuỗi liên kết rất tốt, nhất là chuỗi liên kết tiêu thụ vừa. Bến Tre rất quan tâm xây dựng các sản phẩm OCOP. Hiện nay, Bến Tre đã xây dựng kế hoạch phát triển 4.000ha nuôi tôm công nghệ cao.

"Thời gian qua Bộ trưởng chỉ đạo rất hay và nông dân đồng tình hưởng ứng. Đề nghị thời gian tới Bộ NN-PTNT cần nâng cao tầm hơn nữa Tổ công tác 970 thành Tổ Điều phối cho vùng ĐBSCL. Mong Bộ quan tâm và có chính sách thu hút DN đầu tư vào vùng ĐBSCL. An Giang có mời gọi nhưng cũng chưa được nhiều so với sản lượng nông sản trong tỉnh và cả vùng". Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang nêu lên những hạn chế và định hướng trong thời gian tới. Cụ thể, cánh đồng lớn của Kiên Giang còn thấp, chỉ chiếm 10% diện tích lúa toàn tỉnh. Hạ tầng sản xuất các vùng nguyên liệu lớn chưa đồng bộ. Thời gian tới Kiên Giang sẽ ưu tiên nhân rộng phát triển tôm lúa hữu cơ ở vùng ven biển. Cơ cấu lại ngành thủy sản, giảm đánh bắt, tăng nuôi biển. Đề nghị Bộ sớm triển khai giai đoạn 2 hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang cho hay, đến nay tỉnh đã có 105 sản phẩm OCOP. Ông Hùng kiến nghị trong việc liên kết vùng nếu Bộ có xây dựng quy hoạch chung liên kết vùng ĐBSCL thì sớm cung cấp cho các tỉnh. Bên cạnh đó hỗ trợ tỉnh kêu gọi DN đầu tư cho vùng nguyên liệu khóm Cầu Đúc đã có thương hiệu từ lâu. Riêng trong sản xuất và tiêu thụ nông sản Bộ tiếp tục làm đầu mối và duy trì Tổ công tác 970. 

Sau khi lắng nghe ý kiến của lãnh đạo 13 Sở, các cơ quan chuyên môn của Bộ đã tiếp thu, lắng nghe để cùng tháo gỡ những điểm nghẽn trong thời gian tới.

Khánh Anh