Vĩnh Phúc: Phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

18:25 22/03/2021

Trong những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm, chỉ đạo phát triển hệ thống thủy lợi để phục vụ sản xuất và đáp ứng yêu cầu thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Mặc dù đóng vai trò khá quan trọng trong sản xuất nông nghiệp song trước đây, hệ thống thủy lợi của tỉnh chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời điểm khi mới tái lập, toàn tỉnh chỉ có hơn 250 hồ, đập, 365 trạm bơm và gần 1.400 km kênh mương các loại, trong đó có khoảng 10 km kênh loại I được cứng hóa do Công ty thủy lợi Liễn Sơn quản lý. 

Nhận thức được vai trò quan trọng của hệ thống thủy lợi, tỉnh chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các địa phương thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, chính sách hỗ trợ như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… để đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, phục vụ tưới tiêu, phát triển nông nghiệp. Đồng thời, huy động các nguồn vốn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân và sự đóng góp tiền, của, ngày công lao động của nhân dân để xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng ưu tiên dành nguồn kinh phí để nâng cấp, cải tạo hệ thống thủy lợi, trong đó, tập trung vào việc cải thiện hệ thống thủy lợi ở những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung nhằm góp phần nâng cao sản lượng và giá trị sản nông sản.

Đến nay, hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh cơ bản được hoàn thiện, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất nông nghiệp với hơn 440 hồ đập, 383 trạm bơm lớn nhỏ và hơn 5.000 km kênh mương các loại, trong đó, tỷ lệ kênh loại I, II, III được kiên cố hóa đạt hơn 90%. Nhiều công trình thủy lợi đã hoàn thành, đưa vào sử dụng như: Hồ điều hòa Thanh Lanh, Vĩnh Thành, Bản Long; hệ thống kênh tiêu Bến Tre; cải tạo các trạm bơm: Liễu Trì, Đại Định, Bạch Hạc…

Song song với đầu tư hoàn thiện hạ tầng, tỉnh chú trọng phân cấp, phân quyền nhằm khai thác, vận hành, phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi sau đầu tư. Theo Quyết định số 01/2021/QĐ - UBND của UBND tỉnh về quy định phân cấp quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, các công trình thủy lợi lớn, quan trọng, liên tỉnh (được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân cấp), liên huyện, liên xã và toàn bộ các công trình đầu mối (hồ, đập, trạm bơm,...) do UBND tỉnh quản lý; công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, luồng tiêu trong phạm vi nội xã do UBND cấp huyện quản lý. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao là cơ quan chủ quản quản lý các công trình thủy lợi do UBND tỉnh quản lý. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Phòng Kinh tế) thuộc UBND cấp huyện là chủ quản lý các công trình thủy lợi do UBND cấp huyện được phân cấp quản lý.

Dung tích trữ nước ở các hồ chứa, công suất tưới tăng, nguồn nước tưới không còn là nỗi lo lớn của nông dân. Ông Nhâm Đức Cải, Giám đốc HTX Rau an toàn Thanh Hà, xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo cho biết: "HTX có 8 ha chuyên sản xuất các loại rau màu, trong đó chủ yếu là rau su su. Trước đây, hệ thống kênh mương nội đồng chưa được kiên cố hóa, sản xuất của chúng tôi gặp phải không ít khó khăn; năng suất, sản lượng rau màu đạt thấp. Từ khi Nhà nước huy động được nguồn lực từ một tổ chức phi chính phủ để giải quyết vấn đề này, chúng tôi chủ động canh tác trên toàn bộ diện tích nên hiệu quả kinh tế cao hơn".

Việc đầu tư, khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi đã giúp 40.000 ha diện tích cây trồng hằng năm và hơn 2.500 ha thủy sản được chủ động tưới, tiêu. Đây cũng là yếu tố then chốt để thực hiện thành công các mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó, tập trung vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chỉ tính riêng giai đoạn 2013 - 2020, toàn tỉnh thực hiện chuyển đổi thành công gần 12 nghìn ha đất trồng lúa sang trồng các loại cây trồng hằng năm khác, cho hiệu quả kinh tế tăng từ 30 - 40 triệu đồng/ha, có nơi tăng hàng trăm triệu đồng trên một ha; gieo cấy được gần 98 ha các giống lúa chất lượng, hiệu quả kinh tế tăng từ 3 - 5 triệu đồng/ha, một số nơi tăng từ 8 - 10 triệu đồng/ha.

Trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành một số vùng sản xuất rau, quả theo quy trình VietGAP, với tổng diện tích hơn 1.600 ha. Sản lượng rau an toàn và rau được cấp giấy chứng nhận VietGAP ước đạt 40 nghìn tấn/năm (bằng 25% tổng sản lượng rau toàn tỉnh).

Để hệ thống hạ tầng thủy lợi của tỉnh tiếp tục hoàn thiện, thời gian tới, tỉnh ưu tiên xây mới, cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi đầu mối. Trước mắt, trong giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến sẽ dành khoảng 1.280 tỷ đồng để thực hiện đầu tư cải tạo, nâng cấp một số các công trình thủy lợi lớn như: Cải tạo, nâng cấp đập Liễn Sơn; kè chống sạt lở bờ tả Sông Lô; cải tạo nâng cấp 3 hồ chứa: Thanh Lanh, Vân Trục, Lập Đinh… bảo đảm dung tích phòng lũ, điều hòa nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

PV