Kiểm toán Nhà nước: Phát hiện và chuyển hồ sơ 8 vụ việc sang Cơ quan Điều tra

21:35 12/09/2022

Trong phiên làm việc chiều ngày 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch kiểm toán năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023.

Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch kiểm toán năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023 (Ảnh: VGP)

Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch kiểm toán năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023 (Ảnh: VGP).

Đến ngày 31/8, Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp 724 báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan theo yêu cầu của các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Cơ quan Điều tra và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác, để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.

Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán từ 168 báo cáo kiểm toán đã phát hành đến thời điểm 31/8/2022; trong đó có 162 báo cáo đã phát hành thuộc kế hoạch kiểm toán năm 2022 và 6 báo cáo phát hành thuộc năm 2021 chuyển sang.

Cũng theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, cơ quan này đã kiến nghị xử lý tài chính 22.036 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 102 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã hoàn thành một số cuộc kiểm toán chuyên đề quan trọng như: chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ”; chuyên đề “Quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021”; chuyên đề “Công tác quản lý nhà nước về đất đai giai đoạn 2017-2021”.

Đáng chú ý, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển hồ sơ 8 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang Cơ quan Điều tra để điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

Quang cảnh buổi làm việc

Quang cảnh buổi làm việc.

Bên cạnh đó, với trách nhiệm là thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Kiểm toán nhà nước đã tích cực phối hợp, tham gia với các cơ quan có liên quan trong việc chỉ đạo rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tiêu cực; chỉ đạo tham mưu xây dựng, thực hiện nghiêm quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

"Đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ được giao, Kiểm toán nhà nước đã xây dựng xong “Đề án quy định về kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán” để phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương xây dựng dự thảo Đề án và quy định của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán", Phó tổng kiểm toán cho biết.

Thực hiện nhiệm vụ Quốc hội giao, Kiểm toán Nhà nước đã tập trung nguồn lực để tổ chức kiểm toán ngay từ đầu năm cuộc kiểm toán chuyên đề việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ. Công tác kiểm toán được triển khai trên phạm vi toàn ngành với quy mô lớn, thực hiện kiểm toán tại 9 Bộ, cơ quan Trung ương và 32 tỉnh, thành phố. Kiểm toán Nhà nước đã thành lập Ban chỉ đạo kiểm toán chuyên đề để chỉ đạo tập trung, thống nhất.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho hay, dự kiến kế hoạch kiểm toán của năm 2023 sẽ tập trung về những vấn đề, lĩnh vực trọng yếu dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Trong đó gồm 141 nhiệm vụ, giảm 37 nhiệm vụ so với năm 2022.

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, Kiểm toán Nhà nước dự kiến thực hiện 28 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm. Điển hình là tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020; dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành - giai đoạn 1; các dự án đường ven biển…

Đối với lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng, Kiểm toán Nhà nước dự kiến thực hiện 16 cuộc kiểm toán, gồm: Ngân hàng Nhà nước, 10 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, 6 tổ chức tài chính, ngân hàng.

Các ngân hàng có tên trong danh sách kiểm toán gồm Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Công Thương, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Thương mại cổ phần công thương Việt Nam...

Sau khi tiếp nhận báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, ông Nguyễn Phú Cường - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã trình bày báo cáo thẩm tra và cho biết, cơ quan này nhất trí với đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, đồng thời ghi nhận kết quả và những nỗ lực thực hiện kế hoạch kiểm toán năm 2022 của ngành kiểm toán.

"Kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán đạt tỷ lệ 56,3% (37.924,2 tỷ đồng), cao hơn so với cùng kỳ năm trước (49,9%), nhưng còn thấp so với yêu cầu. Đề nghị Kiểm toán Nhà nước tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc kết luận, kiến nghị kiểm toán để nâng cao tỷ lệ thực hiện và thu hồi tiền, tài sản vi phạm về ngân sách Nhà nước; công khai danh sách các cơ quan, đơn vị không nghiêm túc thực hiện các kiến nghị, kết luận của Kiểm toán Nhà nước, đồng thời có giải pháp xử lý dứt điểm, tránh tình trạng không thực hiện kết luận, kiến nghị kéo dài qua nhiều năm", ông Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.

Phương Ngân (T/h)