Từ 1/7/2025: Tăng lương theo cơ chế mới, những đối tượng nào hưởng lợi ? Từ 15/6/2025: Thông tư mới về tiền lương có hiệu lực |
Báo cáo kiểm toán quyết toán Ngân sách nhà nước năm 2023 do Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trình Quốc hội chiều 16/5 cho thấy, tổng chi chuyển nguồn 1.239.242 tỷ đồng, bằng 39% tổng chi NSNN. Cơ quan này đánh giá, tuy tỷ lệ chi chuyển nguồn trên tổng chi NSNN đã giảm 0,6% so với năm trước, nhưng vẫn tăng về số tuyệt đối.
Theo đố, nguồn kinh phí cải cách tiền lương được tích lũy qua nhiều năm từ 70% phần tăng thu ngân sách địa phương, chênh lệch dự toán và các nguồn thu sự nghiệp như viện phí. Từ mức 262.974 tỷ đồng năm 2021, đến năm 2023 con số này đã tăng lên 536.394 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới chỉ có 185.659 tỷ đồng được sử dụng, trong khi nhiều lĩnh vực quan trọng như hạ tầng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo lại thiếu kinh phí.
Kiểm toán cũng chỉ ra rằng việc lập dự toán thu – chi hiện nay chưa sát với thực tế, dẫn đến tăng thu cao nhưng lại ưu tiên gần như tuyệt đối cho cải cách lương, khiến cân đối ngân sách bị lệch. Qua kiểm tra 56 địa phương, có 19 nơi chuyển nguồn sai hơn 3.484 tỷ đồng, 8 nơi chuyển thiếu hơn 343 tỷ đồng. Một số còn kéo dài chi chuyển nguồn qua nhiều năm hoặc phân loại sai mục lục ngân sách, gây khó khăn cho công tác giám sát và minh bạch tài chính.
![]() |
Dư thừa hơn 350.000 tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương. (Ảnh: Minh họa) |
Kiểm toán Nhà nước cho biết, một số địa phương đã sử dụng nguồn cải cách tiền lương sai mục đích, chi cho đầu tư, chi thường xuyên và các nhiệm vụ không nằm trong quy định, với tổng số tiền lên đến 1.389 tỷ đồng. Việc pha trộn mục tiêu chi và thiếu kiểm soát đang gây lãng phí nguồn lực, trong khi mục tiêu cải cách lương vẫn chưa đạt được kỳ vọng.
Tính đến cuối năm 2023, tổng nợ công đã vượt mốc 3,72 triệu tỷ đồng, tương đương 36,07% GDP. Bình quân mỗi người dân đang "gánh" 37,11 triệu đồng nợ công – mức tăng đáng kể so với năm trước. Dù các chỉ số vẫn trong giới hạn cho phép, gánh nặng ngân sách đang rõ ràng gia tăng, đòi hỏi sự thận trọng hơn trong quản lý chi tiêu công.
Trái ngược với nguồn dư dồi dào từ cải cách tiền lương, các lĩnh vực thiết yếu như y tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học và chuyển đổi số lại không được phân bổ tương xứng, nhiều nơi rơi vào tình trạng thiếu hụt trầm trọng, phải “liệu cơm gắp mắm” để duy trì hoạt động.
Một vấn đề nghiêm trọng khác được chỉ ra là công tác quản lý nguồn cải cách tiền lương chưa thống nhất. Tổng số tiền được xác định là theo dõi và kiểm soát chưa phù hợp lên tới 3.715 tỷ đồng. Ngoài ra, có tới 6 địa phương ghi nhận chênh lệch lớn giữa báo cáo của địa phương và số liệu từ Bộ Tài chính, làm dấy lên nghi ngại về độ tin cậy của hệ thống báo cáo tài chính công.
Bên cạnh đó, còn tồn tại 3.528 tỷ đồng chưa được trích lập đầy đủ hoặc xác định sai quy định. Những sai sót này thể hiện sự chủ quan, thậm chí là lỏng lẻo trong điều hành ngân sách tại nhiều địa phương.
Trước thực trạng trên, Kiểm toán Nhà nước đã đưa ra loạt kiến nghị gửi Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Tài chính và các địa phương. Trong đó có yêu cầu xử lý tăng thu, giảm chi ngân sách lên tới 16.073 tỷ đồng; xử lý các khoản chi không đúng quy định 15.464 tỷ đồng; đồng thời đề xuất sửa đổi hoặc hoàn thiện 177 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tài chính công.
Việc rà soát lại toàn bộ nguồn cải cách tiền lương cần được triển khai khẩn trương, nhằm ngăn chặn tình trạng sử dụng sai mục đích, tránh để dòng tiền quan trọng này bị “đóng băng” hoặc thất thoát. Cải cách không thể chỉ dừng ở việc tăng lương – mà phải là nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách và đảm bảo công bằng trong phân bổ nguồn lực.
Hơn 350.000 tỷ đồng còn tồn dư từ nguồn cải cách tiền lương không chỉ là con số tài chính – đó là lời cảnh tỉnh rõ ràng rằng, cải cách không thể thành công nếu thiếu kỷ luật ngân sách, thiếu minh bạch trong chi tiêu và thiếu trách nhiệm trong điều hành. Khi ngân sách vẫn bị chi sai, trong khi các lĩnh vực trọng yếu vẫn thiếu hụt, thì không thể gọi đó là hệ thống tài chính lành mạnh. Và hơn bao giờ hết, kỷ cương ngân sách cần được siết lại – trước khi niềm tin bị bào mòn thêm nữa.