Tổng Liên đoàn Lao động dự kiến đề xuất tăng lương tối thiểu vùng vào đầu tháng 3 CEO Jensen Huang được tăng lương bao nhiêu sau một thập kỷ không đổi ? |
Bắt đầu từ ngày 1/7/2025, chính sách cải cách tiền lương sẽ chính thức được triển khai theo một cơ chế hoàn toàn mới, linh hoạt và thực tế hơn, thay thế cho phương thức trích lập cứng từng được áp dụng nhiều năm trước. Đây là một trong những bước đi chiến lược nhằm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương và Nghị quyết 103/2023/QH15 của Quốc hội.
Trước đây, việc tạo nguồn để cải cách tiền lương buộc các địa phương, bộ, ngành phải áp dụng các tỷ lệ trích lập cố định như: tiết kiệm 10% chi thường xuyên, trích 50–70% số thu tăng thêm, gây không ít khó khăn trong cân đối ngân sách và hạn chế sự linh hoạt trong điều hành tài chính công.
![]() |
Tăng lương theo cơ chế mới, trường hợp nào hưởng lợi. |
Tuy nhiên, với việc ban hành Thông tư 49/2024/TT-BTC – văn bản hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 – cơ chế này đã chính thức được thay đổi. Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 17/2025/TT-BTC, bãi bỏ toàn bộ 8 Thông tư cũ liên quan đến tạo nguồn cải cách tiền lương.
Theo cơ chế mới áp dụng từ năm 2025, việc bố trí nguồn để thực hiện cải cách tiền lương sẽ được thực hiện linh hoạt và sát với thực tế hơn, thay vì áp dụng tỷ lệ trích lập cứng như trước đây. Cụ thể, các địa phương và đơn vị sẽ được phép sử dụng phần tiết kiệm chi thường xuyên trong phạm vi dự toán ngân sách đã được giao để làm nguồn tăng lương.
Bên cạnh đó, các khoản dư từ nguồn cải cách tiền lương của các năm trước chưa sử dụng hết sẽ được phép chuyển tiếp để phục vụ cho kế hoạch tăng lương năm 2025. Ngoài ra, tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ (và tối thiểu 35% đối với ngành y tế) cũng được đưa vào danh mục nguồn hợp lệ.
Điểm quan trọng là các địa phương không còn bị bắt buộc trích lập theo tỷ lệ cố định, mà được tự cân đối, tính toán phù hợp với năng lực tài chính. Tuy vậy, Thông tư 49 vẫn khẳng định rõ, chi cải cách tiền lương là khoản bắt buộc phải đưa vào dự toán ngân sách năm 2025. Việc lơ là trong công tác lập kế hoạch tài chính sẽ không được chấp nhận.
Không chỉ dừng lại ở mốc tháng 7.2025, chính sách cải cách tiền lương được xác định là lộ trình lâu dài. Theo thông tin từ Chính phủ, dự kiến trong năm 2026, sẽ có đợt tăng lương tiếp theo. Cụ thể, căn cứ tình hình kinh tế – xã hội năm 2025, Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội xem xét tiếp tục điều chỉnh mức lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp ưu đãi người có công từ năm 2026.
Đây là tín hiệu cho thấy nỗ lực cải thiện thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng chính sách từ ngân sách là một chiến lược bền vững, không chỉ gói gọn trong một thời điểm nhất định.
Một điểm nổi bật trong lộ trình cải cách lần này là việc triển khai hệ thống bảng lương mới, gắn với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp và chức vụ lãnh đạo. Điều này không chỉ giúp minh bạch hóa cơ chế trả lương, mà còn góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhân sự, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu, nâng cao năng lực làm việc.
Việc chuyển từ một hệ thống lương cào bằng sang trả lương theo vị trí là bước chuyển mình quan trọng trong cải cách hành chính công, đưa chính sách tiền lương tiệm cận với thông lệ hiện đại và phù hợp với yêu cầu phát triển mới.
Việc thay đổi cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương từ năm 2025 không chỉ là điều chỉnh kỹ thuật tài chính đơn thuần, mà còn là một bước tiến về tư duy quản lý. Cơ chế mới tạo ra không gian linh hoạt, chủ động cho các cấp chính quyền, đồng thời đặt ra yêu cầu cao hơn về trách nhiệm lập và thực hiện ngân sách.