Hiệu quả thiết thực của phong trào “Nghệ An chung sức xây dựng Nông thôn mới”

19:53 11/09/2022

Nghệ An đã thu hút được nhiều doanh nghiệp hợp tác, liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân để sản xuất các mặt hàng như lúa gạo, chè, mía, sắn, dứa, chăn nuôi bò sữa, chế biến thủy sản, sản xuất gỗ dăm, MDF, viên nén…

Ảnh minh họa
Lễ đón bằng công nhận huyện Nam Đàn (Nghệ An) đạt chuẩn NTM và phát động xây dựng huyện NTM kiểu mẫu vào ngày 19/5/2018

Từ hiệu quả phong trào “Nghệ An chung sức xây dựng NTM”… 

Xuất phát từ phong trào nêu trên, toàn bộ hệ thống chính trị các cấp, các ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và đặc biệt là toàn thể nhân dân của tỉnh Nghệ An đã tích cực tham gia, thi đua lập thành tích trong thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM. Hiệu quả thiết thực của phong trào “Nghệ An chung sức xây dựng NTM” trong thời gian qua thật đáng ghi nhận. Đó là tiền đề để Nghệ An làm cơ sở xác định xây dựng NTM đi vào chiều sâu, bền vững, hiệu quả, đảm bảo thực chất. Từ đó, mọi cơ quan, đơn vị, tổ chức của Nghệ An đều xây dựng kế hoạch thực hiện phong trào và phổ biến đến cán bộ, đảng viên, hội viên. Các sở, ban, ngành tích cực trong chỉ đạo, hướng dẫn và lồng ghép các nội dung thực hiện đối với lĩnh vực ngành phụ trách trong chương trình xây dựng NTM. MTTQ và các tổ chức hội thành viên chủ động phát động và thực hiện các phong trào gắn với xây dựng NTM trên toàn tỉnh. Đồng thời, toàn thể nhân dân Nghệ An tích cực tham gia đóng góp ngày công, hiến đất, tiền của, trí tuệ… trong thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM.

Có thể thấy, phong trào “Nghệ An chung sức xây dựng NTM” đã trở thành một cuộc vận động có tính lan tỏa sâu rộng, có hiệu quả thiết thực, đóng góp tích cực trong huy động sự tham gia và đặc biệt là huy động nguồn lực xã hội hóa trong thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Trong phong trào thi đua “Nghệ An chung sức xây dựng NTM” đã xuất hiện nhiều đơn vị hoàn thành xuất sắc toàn diện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, Nghị quyết HĐND cùng cấp đề ra. Bên cạnh đó, có nhiều nhân tố mới, mô hình mới tiêu biểu để giới thiệu cho các cấp, các ngành tham quan học tập trong tiến trình xây dựng NTM. Tính riêng 06 tháng đầu năm 2022 đã có 120 tập thể và cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen. 

Ảnh minh họa
Hữu Kiệm - xã đầu tiên của huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) đạt chuẩn NTM vào năm 2020. 

Nhằm khuyến khích các xã thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, HĐND tỉnh Nghệ An đã có Nghị quyết số 24/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Thêm vào đó, Tỉnh ủy – HĐND – UBND tỉnh Nghệ An đã tích cực chỉ đạo thực hiện thường xuyên, tập trung cao, quyết liệt cho công tác tuyên truyền, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, MTTQ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các sở, ban, ngành, các cơ quan thông tin đại chúng đã triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, đã có hàng ngàn tin, bài về xây dựng NTM. Hơn nữa, bằng việc xác định đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để tiếp tục thực hiện thành công các mục tiêu của chương trình. Do đó, trong năm 2022, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch, bố trí hỗ trợ nguồn lực để tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức về xây dựng NTM. Nội dung tập huấn chủ yếu là những chủ trương, đường lối, chính sách trong thực hiện chương trình trên cơ sở là các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện chương trình trong giai đoạn mới 2021-2025. 

Ảnh minh họa
Nhân dân xã Thanh Long (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) tham gia làm đường giao thông nông thôn. 

Trên cơ sở các văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo tỉnh đã ban hành nhiều văn bản làm tiền đề, định hướng quan trọng để các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình năm 2022 và giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao và nội dung các tiêu chí NTM có liên quan, bổ sung các văn bản phù hợp với quy định của Trung ương hướng dẫn thực hiện, đánh giá mức độ hoàn thành các tiêu chí và thành phần hồ sơ phục vụ công tác thẩm tra, thẩm định xã đạt chuẩn NTM trong năm. Các huyện, thị, thành đã có nghị quyết chuyên đề, kế hoạch xây dựng NTM và ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện Chương trình… 

Ảnh minh họa
Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019-2020 diễn ra vào ngày 10/11/2021. 

…Đến kết quả thực hiện các mục tiêu của Chương trình 

Ảnh minh họa
Diện mạo huyện Nam Đàn (Nghệ An) trên hành trình xây dựng huyện NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018-2025. 

Theo số liệu báo cáo của Cục Thống kê cho thấy: Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của Nghệ An đến hết năm 2021 là 34,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 7,81% và hộ cận nghèo là 6,61% ; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 88,94%; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn tại Quyết định số 4826/QĐ- BNN của Bộ NN& PTNT đạt 86,6%; Nước sạch theo QCVN 02/2009/BYT đạt 51,5%. Tính đến hết ngày 30/06/2022, Nghệ An có: 299 xã/411 xã đạt chuẩn NTM (đạt 72,74%); 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (chiếm 5,02% xã NTM); 02 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 184 thôn, xóm, bản đạt chuẩn NTM (không thuộc xã đạt chuẩn NTM); 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đó là: TP. Vinh, thị xã Thái Hoà, huyện Nam Đàn, huyện Yên Thành, huyện Nghi Lộc, thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu. Bình quân tiêu chí cả tỉnh là 16,83 tiêu chí/xã . Có 249 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. 

Ảnh minh họa
Các đại biểu dự Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019-2020 tham quan gian trưng bày sản phẩm OCOP. 

Đáng ghi nhận hơn, Nghệ An đã tập trung thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp với trọng tâm là đầu tư phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực, có lợi thế của tỉnh và đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất. Nhờ đó, đã tiếp tục hình thành được nhiều vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, quy mô lớn, điển hình như: Mía đường, chè, sắn, dứa, lâm nghiệp…Nghệ An đã thu hút được nhiều doanh nghiệp hợp tác, liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân để sản xuất các mặt hàng như lúa gạo, chè, mía, sắn, dứa, chăn nuôi bò sữa, chế biến thủy sản, sản xuất gỗ dăm, MDF, viên nén… Đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 196 hợp tác xã và 120 tổ hợp tác có hoạt động hợp tác, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp để tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Các hợp tác xã, tổ hợp tác là cầu nối hợp tác, liên kết giữa hộ nông dân và doanh nghiệp, tham gia vào các hoạt động sản xuất từ cung ứng dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm và giữ vai trò quyết định đến sự thành bại của việc xây dựng, phát triển chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, Nghệ An cũng chú trọng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau an toàn, nuôi trồng thủy sản.....Đồng thời, tăng cường hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển nông nghiệp đã được triển khai áp dụng và bước đầu đã chọn tạo được một số giống, dòng có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện địa phương và dự báo biến đổi khí hậu. 

Ảnh minh họa
Huyện Nam Đàn (Nghệ An) xây dựng thành công mô hình nuôi dê thương phẩm theo chuỗi giá trị đạt hiệu quả kinh tế cao. 

Trước thành quả của tiến trình xây dựng NTM, ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh nghệ An nhìn nhận: Chương trình MTQG xây dựng NTM 6 tháng đầu năm 2022 vẫn tiếp tục tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn và được xác định là chương trình trọng tâm giai đoạn 2021 - 2025. UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục chỉ đạo Ban Chỉ đạo các cấp thực hiện một cách quyết liệt, mạnh mẽ từ cấp tỉnh đến cơ sở, thường xuyên bám sát để kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tính chủ động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu ở một số địa phương tiếp tục được nâng lên. Trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có nhiều bước tiến mới về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa và áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nhiều mô hình mới đã và đang được nhân rộng phát huy hiệu quả, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích không ngừng tăng lên. Kinh tế nông thôn dần chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Các làng nghề chế biến nông sản được hình thành và mở rộng, tạo thêm việc làm tại chỗ cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững ở nông thôn, nhất là các xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Nhiều địa phương đã quyết tâm, nỗ lực cao trong việc phấn đấu đạt chuẩn thôn/bản NTM, xã NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và huyện NTM. Từ đó, tạo động lực rất lớn để triển khai Chương trình. Vai trò của các tổ chức Đảng, chính quyền luôn được phát huy, dân chủ ở nông thôn tiếp tục được nâng lên về chất. Ở những nơi xây dựng NTM thành công, niềm tin của người dân vào các chủ trương, chính sách, sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền được nâng cao.

Hoàng Lan