VietJet Air vượt bão COVID, đón đầu xu hướng hàng không toàn cầu

09:19 01/04/2021

Trong bối cảnh COVID-19 tàn phá nặng nề thị trường hàng không toàn cầu, hãng hàng không giá rẻ tại Việt Nam là một trong số ít tên tuổi có cú đột phá ngoạn mục không chỉ bảo toàn toàn bộ nhân sự mà còn có lãi trong giai đoạn nhạy cảm.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nhà sáng lập hãng hàng không VietJet
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nhà sáng lập hãng hàng không VietJet. (Ảnh: Bloomberg) 

Trong báo cáo tài chính, VietJet cho biết công ty đạt doanh thu hợp nhất 790 triệu đô la Mỹ vào năm 2020 với lợi nhuận sau thuế khoảng 3 triệu đô la. Trước đó, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) cho biết, số lượng hành khách đã giảm khoảng 60% vào năm ngoái, chỉ với 1,8 tỷ người đi máy bay so với 4,5 tỷ vào năm 2019. Tác động tài chính đối với các hãng hàng không là rất lớn, với ước tính thiệt hại khoảng 370 tỷ USD. Không những vậy, khoảng thời gian vừa qua có tới 12 hãng hàng không đã ngừng hoạt động cùng nhiều hãng khác phải nộp đơn phá sản hoặc cắt giảm đáng kể chi tiêu. Rất ít hãng hàng không đã tránh cuộc khủng hoảng do COVID-19 gây ra. Chẳng hạn, vào giữa tháng 3, hãng hàng không Hong Kong Cathay Pacific đã công bố kết quả tài chính tồi tệ nhất từ ​​trước đến nay với khoản lỗ khoảng 2,8 tỷ USD. Trước đó hãng này đã buộc phải sa thải khoảng 8.500 nhân viên, chiếm khoảng 25% tổng lực lượng lao động của hãng. Tương tự, hãng hàng không quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines lỗ hơn 480 triệu USD vào năm 2020 và cho biết không kỳ vọng sẽ có lãi sớm nhất là đến năm 2023.

Tuy nhiên, VietJet Air đã làm nên kì tích khi có trải nghiệm hoàn toàn trái ngược với số đông các hãng hàng không chịu ảnh hưởng của dịch bệnh và các biện pháp giãn cách hạn chế đi lại. Thành công của VietJet Air chắc chắn dựa trên những thành tựu của chính Việt Nam trong năm 2020. Việt Nam là nền kinh tế có hiệu suất hàng đầu châu Á vào năm ngoái với tốc độ tăng trưởng 2,9% so với năm 2018. Việt Nam cũng được biết đến với thể hiện xuất sắc trong ngăn chặn và xử lý kịp thời COVID-19 đại dịch chỉ với hơn 2.500 ca nhiễm và tổng số ca tử vong chỉ 35 người. Đất nước rất nhanh chóng đã có thể khôi phục lại các hoạt động kinh tế sớm hơn hầu hết các nước châu Á.

Matthew Findlay của Ailevon Pacific Aviation Consulting (APAC) cho biết: “Hiệu quả kinh tế quốc gia mạnh mẽ nói chung tạo cơ sở cho một môi trường hoạt động hàng không vững chắc. Các hãng hàng không phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ tăng trưởng GDP. VietJet đã được hưởng lợi trong trường hợp này từ một nền kinh tế vẫn đang ở mức tích cực.” Trên tất cả câu chuyện của VietJet Air không dừng lại tại đây, xét cho cùng đối thủ nội địa của VietJet là Vietnam Airlines đã không đạt được kết quả tương tự. VietJet đã “vượt bão” COVID như thế nào?

Trục quay dịch vụ hàng hóa

Giống như tất cả các hãng hàng không, đầu năm 2020 là một thời điểm bấp bênh đối với VietJet. Thế nhưng đến tháng 6, hãng đã khởi động lại tất cả các chuyến bay nội địa và thậm chí còn bổ sung thêm 8 đường bay mới vào mạng lưới. Nhìn chung, VietJet đã thực hiện các chuyến bay với hơn 15 triệu lượt khách vào năm 2020 và lượng khách chọn lựa đường hàng không nội địa chỉ giảm 14% so với năm trước đó. Nhu cầu nội địa tiếp tục mang lại cho VietJet một nền tảng mạnh mẽ để phục hồi nhưng “vũ khí” thực sự mang lại cho hãng hàng không này đến năm 2020 là khả năng xoay trục sang các lĩnh vực kinh doanh mới, đặc biệt là dịch vụ vận chuyển hàng hóa. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet) 

Cuối năm 2020, hãng hàng không này cho biết họ đã vận chuyển hơn 60.000 tấn hàng hóa đi quốc tế, báo cáo doanh thu hàng hóa tăng 75% so với cùng kỳ năm trước. Điều này đặc biệt ấn tượng vì trước COVID-19, VietJet không có máy bay chở hàng hoạt động đầy đủ. Hãng cũng thiết lập quan hệ đối tác với các hãng vận chuyển khác, giúp mở rộng mạng lưới vận chuyển hàng hóa sang châu Âu và Mỹ. Vào tháng 11 năm ngoái, VietJet đã công bố liên kết hàng hóa hàng không với công ty hậu cần UPS để khai thác các chuyến bay hàng tuần từ Việt Nam đến Hoa Kỳ.

Sự chuyển dịch cơ cấu hoạt động sang lĩnh vực vận chuyển hàng hóa không chỉ là một giải pháp khắc phục tạm thời đối với điều kiện đại dịch mà còn đáp ứng xu thế nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng. Hãng hàng không đã thành lập công ty liên kết  VietJet Cargo nhằm củng cố cam kết trong tương lai của hãng đối với việc vận chuyển hàng hóa. Phó chủ tịch thường trực Vietjet Cargo, ông Trần Quang Hòa trả lời Insider rằng, hãng sẽ tiếp tục đa dạng hóa các dịch vụ vận chuyển hàng hóa. Ông cho biết: “Các dịch vụ này sẽ được phát triển dựa trên các sản phẩm hiện có của chúng tôi vào năm 2020. Tối ưu hóa đội bay và hoạt động đã mang lại doanh thu khá lớn cho VietJet trong năm qua. Tôi tin rằng vận tải hàng hóa sẽ tiếp tục là lĩnh vực trọng tâm của chúng tôi, mang lại đột phá và tăng thêm doanh thu cho VietJet trong năm 2021.”

Một tương lai mới cho ngành hàng không 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet) 

Trên thực tế, những bài học rút ra từ năm 2020 đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định lộ trình tương lai của VietJet. Sự thành công của hãng hàng không với các hoạt động vận chuyển hàng hóa đã thúc đẩy sự chuyển dịch của ngành hàng không. Đầu năm nay, công ty cho biết đã đầu tư vào nền tảng giao hàng trực tuyến địa phương Swift247 và trong tương lai gần sẽ nhắm mục tiêu vào thị trường chuyển phát nhanh. VietJet dự kiến ​​sẽ tăng cường quảng bá các dịch vụ phụ trợ như quà lưu niệm và đồ ăn trên chuyến bay. Năm 2020, doanh thu phụ trợ chiếm gần 50% tổng doanh thu.

VietJet không phải là hãng hàng không đầu tiên trong khu vực đa dạng hóa nguồn doanh thu. Hãng hàng không giá rẻ AirAsia có trụ sở tại Malaysia đã mở rộng bộ phận vận chuyển hàng hóa và hậu cần sang lĩnh vực vận chuyển thương mại điện tử xuyên biên giới. Cũng trong năm ngoái, AirAsia đã tung ra nền tảng du lịch và phong cách sống kỹ thuật số cũng như siêu ứng dụng của riêng mình cung cấp các dịch vụ không liên quan đến chuyến bay như thương mại điện tử và giao đồ ăn.

Các nhà phân tích kỳ vọng VietJet sẽ mở rộng hơn nữa hoạt động ra nước ngoài sau khi theo dõi hiệu quả tài chính khả quan vào năm 2020. Ông Findlay bày tỏ: “Các quốc gia châu Á đã xử lý COVID-19 tốt hơn các quốc gia và khu vực khác, do đó, VietJet sẽ quay trở lại ngành du lịch và đảm bảo sự thành công của hãng. Các thị trường giàu có ở châu Á tập trung vào các thị trường trung tâm và đối tượng khách hàng vốn có trong khi các hàng máy bay như VietJet tìm kiếm cơ hội bay xa hơn bằng các loại máy bay tiết kiệm cùng chi phí thấp mở rộng lại phạm vi phát triển tới các thị trường mới và vốn có.”

TL ( Theo Business Insider)