Việt Nam tăng mạnh nhập khẩu phân bón, đạt mốc 1 tỷ USD

09:26 29/09/2022

Cán cân thương mại đang nghiêng về Việt Nam nhập siêu hàng trăm triệu USD. Việt Nam tăng nhập khẩu phân bón từ các thị trường lớn trong 8 tháng qua.

Cụ thể, 8 tháng đầu năm, lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt trên 2,19 triệu tấn, trị giá trên 1,02 tỷ USD. Giá nhập khẩu trung bình đạt 467 USD/tấn, giảm 30,9% về khối lượng, nhưng tăng 12,2% về kim ngạch và tăng 62,4% về giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trung Quốc vẫn là thị trường cung cấp phân bón lớn nhất cho Việt Nam, chiếm 48,2% trong tổng lượng và chiếm 42,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước, đạt 1,06 triệu tấn, tương đương 434,27 triệu USD, giá trung bình 411,2 USD/tấn, giảm 26,9% về lượng, nhưng tăng 9% về trị giá và tăng mạnh 49% về giá so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp đến thị trường Nga đứng thứ 2, chiếm 6,9% trong tổng lượng và chiếm 9,6% trong tổng trị giá.

Nhập khẩu phân bón từ thị trường Đông Nam Á đạt 179.822 tấn, tương đương 112,67 triệu USD, giảm mạnh 53,7% về lượng, giảm 15% về trị giá so với cùng kỳ, chiếm 8,2% trong tổng lượng và chiếm 11% trong tổng trị giá nhập khẩu phân bón của cả nước.

Phân bón nhập khẩu từ thị trường FTA RCEP đạt 1,59 triệu tấn, tương đương 645,13 triệu USD, giảm 25,8% về lượng nhưng tăng 8,6% trị giá so với cùng kỳ, chiếm 72,7% trong tổng lượng và chiếm 63% trong tổng trị giá nhập khẩu phân bón của cả nước.

Nhập khẩu phân bón từ thị trường FTA CPTTP đạt 383.117 tấn, tương đương 130,95 triệu USD, giảm 7,2% về lượng nhưng tăng mạnh 56% trị giá so với cùng kỳ, chiếm 17,5% trong tổng lượng và chiếm 12,8% trong tổng trị giá nhập khẩu phân bón của cả nước.

Về xuất khẩu phân bón, theo thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 9 (1-15/9) cả nước xuất khẩu 85.195 tấn phân bón, trị giá gần 48,6 triệu USD, lũy kế đến 15/9, sản lượng phân bón xuất khẩu đạt 1,313 triệu tấn, trị giá 840,54 triệu USD, tăng 52,78% về lượng và tăng 71,64% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với thị trường trong nước, do quý III là mùa thấp điểm của ngành trồng trọt, giá ure được dự báo tiếp tục giảm, nhưng sẽ tăng trở lại vào quý IV khi vụ Đông Xuân bắt đầu. Tuy nhiên, giá ure sẽ khó quay trở lại mức đỉnh được thiết lập vào tháng 3 trừ khi giá nguyên liệu ure (khí, than) phục hồi trở lại.

Ngọc Phi (tổng hợp)