Vì một mùa lễ hội vui tươi, an toàn: Duy trì các nghi lễ, không tổ chức phần hội tại Đồng Nai

15:24 09/02/2022

Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức, quản lý lễ hội với nhiều thay đổi để thích ứng với tình hình dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho cộng đồng.

Với tinh thần chấp hành nghiêm túc các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhiều địa phương ở Đồng Nai đã xác định không tổ chức nhiều lễ hội đầu Xuân. Các điểm di tích, đình, chùa, các cơ sở tự viện tuân thủ và đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, hạn chế số lượng người đến hành hương. Các buổi lễ lớn chủ yếu thực hiện với các tăng, ni, phật tử, hạn chế tập trung đông người.

Nếu như những năm trước, từ ngày 10-13 tháng Giêng hằng năm, tại P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) sẽ diễn ra lễ hội chùa Ông (Thất phủ cổ miếu) thì năm nay, lễ hội này tiếp tục tạm dừng tổ chức phần hội. Đặc biệt, để phòng, chống dịch, từ đêm 29 Tết, chùa Ông đã đóng cửa đến ngày mùng 10, tạm ngưng phục vụ các tầng lớp nhân dân đến tham quan, hành hương. 

Lễ hội chùa Ông - Biên Hòa, Đồng Nai. (Ảnh: Foody)
Lễ hội chùa Ông - Biên Hòa, Đồng Nai. (Ảnh: Foody).

Trưởng ban Trị sự Thất phủ cổ miếu Huỳnh Hữu Nghĩa cho biết: “Đây là năm thứ 3 chùa Ông tạm dừng tổ chức phần hội trong lễ hội chùa Ông thường niên để chung tay phòng, chống dịch. Mặc dù không tổ chức hội nhưng các nghi thức, nghi lễ truyền thống được nhà chùa duy trì và thực hiện trong giới hạn số lượng người tham gia. Từ ngày 10 tháng Giêng, nhà chùa mở cửa đón khách thập phương, người dân khi đến chùa bắt buộc phải đeo khẩu trang, khử khuẩn, kiểm tra thân nhiệt và khai báo y tế. Hiện tại, công tác phòng, chống dịch tại chùa Ông đảm bảo an toàn”.

Vài năm trở lại đây, lễ hội Lồng Tồng (hay còn gọi là lễ hội xuống đồng) của đồng bào Tày, Nùng ở xã Thanh Sơn (H.Định Quán) đã được khôi phục, tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng với phần lễ và phần hội. Đồng bào các dân tộc đến lễ hội với mong ước về một năm mới mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc; đồng thời, giao lưu, vui chơi với những trò chơi dân gian đặc trưng như: đánh quay, ném còn, kéo co, đẩy gậy, hát đối đáp... Tuy nhiên, do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, năm nay lễ hội Lồng Tồng ở xã Thanh Sơn không được tổ chức.

Theo bà Hoàng Thị Huyên, Đội trưởng Đội hát then, đàn tính ấp 8, xã Thanh Sơn, không chỉ năm nay mà từ năm 2020 và 2021, lễ hội Lồng Tồng cũng tạm dừng tổ chức. Việc dừng lễ hội truyền thống đầu năm mới được bà con trong ấp, trong xã đồng thuận, nhất trí cao. Mặc dù không có lễ hội song tại mỗi gia đình đồng bào Tày, Nùng ở ấp 8, trong những Tết vẫn giữ các nghi lễ thờ cúng riêng của dân tộc mình.

Ngoài ra, một số hội thơ, đêm thơ Nguyên tiêu cấp tỉnh, cấp huyện sẽ được tổ chức quy mô vừa và nhỏ, đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Riêng đối với những lễ hội như: Sayangva, Sayangbri của đồng bào Chơro; Yangcoi, Yangbơnơm của đồng bào Mạ… tùy vào tình hình thực tế và thời điểm, các địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ có phương án tạm hoãn hoặc tổ chức lễ hội phù hợp.

Việc tạm dừng các lễ hội hoặc duy trì phần lễ, không tổ chức phần hội để chống dịch cũng là cơ hội để ngành Văn hóa rà soát và chấn chỉnh các lễ hội lớn, nhỏ trên cả nước nói chung và Đồng Nai hiện nay nói riêng. Việc đang lưu giữ và duy trì hoạt động của trên 350 lễ hội các dân tộc hằng năm với nhiều loại hình: truyền thống, ngành nghề, văn hóa... cho thấy Đồng Nai có một nền văn hóa đa dạng, phong phú và giàu bản sắc.

Diệu Hồng (Theo baodongnai)