Giải ngân vốn đầu tư công: Cú hích quan trọng cho phát triển hạ tầng

09:20 04/05/2024

Vốn đầu tư công đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển hạ tầng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hoạt động giải ngân vốn đầu tư công mang lại một cú hích đáng kể cho phát triển hạ tầng, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo ra việc làm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Có thể thấy, giải ngân vốn đầu tư công đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng hạ tầng của một quốc gia. Bằng cách đầu tư vào các dự án xây dựng và cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, nước, viễn thông và các ngành khác, quốc gia có thể cải thiện hệ thống vận chuyển, giảm thiểu tắc nghẽn giao thông, cung cấp điện và nước sạch, tăng cường kết nối mạng và cải thiện điều kiện sống cho người dân.

Tại Việt Nam, giải ngân vốn đầu tư công vẫn là giải pháp mang tính động lực cho tăng trưởng kinh tế, vì vậy, Chính phủ vẫn đang tiếp tục quyết liệt đốc thúc.

Năm 2023, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngành giao thông ngay từ đầu năm đã khởi công đồng loạt 12 dự án thuộc cao tốc Bắc - Nam, giữa năm khánh thành 9 dự án và cuối năm khánh thành đồng loạt 4 dự án, đưa vào sử dụng 475 km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường cao tốc đưa vào khai khác đến nay lên gần 1.900 km. Rất nhiều cái tên đã được nhắc đến, như cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, Vân Đồn - Móng Cái, Phan Thiết - Dầu Giây…

Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công tạo ra cơ hội việc làm trong quá trình xây dựng và vận hành các dự án hạ tầng. Việc tuyển dụng lao động trong lĩnh vực xây dựng và cung cấp dịch vụ liên quan đẩy mạnh hoạt động kinh tế và tăng cường thu nhập cho các hộ gia đình. Đồng thời, việc nâng cao hạ tầng cũng thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác, như công nghiệp chế biến, dịch vụ và du lịch, góp phần vào tăng trưởng kinh tế tổng thể của đất nước.

Hạ tầng phát triển tốt là một yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư từ trong nước và nước ngoài. Một hệ thống giao thông tiện lợi, cơ sở hạ tầng công nghệ cao và môi trường kinh doanh thuận lợi thu hút các nhà đầu tư và tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp phát triển. Sự cạnh tranh cũng được tăng cường khi hạ tầng kết nối các khu vực, giúp thúc đẩy thương mại và hợp tác kinh tế giữa các tỉnh thành.

Như vậy, giải ngân vốn đầu tư công có thể được định hướng để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững. Đầu tư vào các dự án hạ tầng xanh giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và đảm bảo sự phát triển bền vững. Việc sử dụng các công nghệ và vật liệu tiên tiến, như năng lượng tái tạo, xử lý nước thải, và quản lý rác thải thông minh, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Số liệu giải ngân vốn đầu tư công trong 4 tháng đầu năm 2024 chưa chính thức được Bộ Tài chính công bố. Tuy nhiên, thông tin từ Kho bạc Nhà nước cho biết, lũy kế vốn đầu tư công thanh toán cho đến thời điểm này là tích cực, tăng cả về số tuyệt đối và tỷ lệ giải ngân so với cùng kỳ năm ngoái. Con số của 3 tháng đầu năm là gần 90.000 tỷ đồng, bằng 13,67% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Mặc dù vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn lo lắng, bởi đã xuất hiện tình trạng thiếu cát, vật liệu san lấp nền, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án, nhất là các dự án trọng điểm ở khu vực phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long.

Ảnh minh họa
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung (Ảnh: internet)

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, cần tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các bộ, ngành, địa phương. Kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, sân bay, cảng biển, đường cao tốc, liên vùng, liên tỉnh, năng lượng. Đồng thời, huy động và sử dụng hiệu quả khoản vay ODA 2,5 tỷ USD cho phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng tình với ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy đầu tư công, mà trọng tâm là các dự án quan trọng quốc gia, để vừa kích tổng cầu trong ngắn hạn, vừa tạo cung dài hạn và hạn chế tác động phụ của các chính sách trọng cầu.

“Nhờ tính hình tài khóa được củng cố trong những năm gần đây, hiện dư địa tài khóa vẫn còn để tiếp tục thực hiện hỗ trợ có mục tiêu”, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nói và một lần nữa nhấn mạnh, việc triển khai hiệu quả đầu tư công có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng.

Nghệ Nhân Phan