Từ vụ hỏa hoạn tại Trung Kính, ĐBQH đề xuất giải pháp để người lao động có chỗ ở an toàn

16:40 24/05/2024

Theo ĐBQH, với việc phá triển nhà ở xã hội, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn nữa tới phân khúc nhà ở cho thuê. Mặc dù nhận được nhiều ưu đãi nhưng theo khảo sát, giá thành cho thuê nhà vẫn khá cao.

Liên quan tới vụ cháy nhà trọ khiến nhiều người tử vong vừa xảy ra sáng 24/5 tại Trung Kính (Hà Nội), đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương chia sẻ: Thông tin đầu tiên cập nhật sáng nay lại là tin rất buồn, rất đau xót khi nhiều người bị thương vong tại vụ cháy ở Trung Kính. "Chúng ta đã nói rất nhiều, cảnh báo rất nhiều về tình trạng cháy ở các khu nhà trọ cho thuê, các chung cư mini trên địa bàn thành phố. Mỗi lần xảy ra cháy thì hậu quả vô cùng thương tâm, không chỉ thiêu rụi tài sản mà còn làm nhiều người thiệt mạng rất thương tâm, rất đau buồn. Nhưng các vụ việc tương tự lại vẫn cứ xảy ra".

Theo đại biểu Việt Nga, đã đề ra được các giải pháp thế nào để hạn chế mức thấp nhất các vụ cháy xảy ra, cũng như giảm thiểu tối đa thiệt hại. Một trong những giải pháp là quản lý, sử dụng tốt được phương tiện phòng chống cháy nổ ở các khu tập thể, nhà dân; hướng dẫn sử dụng, nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy trong mỗi khu dân cư, nhà ở. Tuy nhiên, cần quan tâm liên quan tới một loạt các luật mà Quốc hội vừa thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Trong đó, với việc phá triển nhà ở xã hội, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn nữa tới phân khúc nhà ở cho thuê. Mặc dù nhận được nhiều ưu đãi nhưng theo khảo sát, giá thành cho thuê nhà vẫn khá cao.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.

Nhà ở xã hội có rất nhiều điều kiện để được thực hiện, triển khai, cần đáp ứng về quy hoạch. Chúng ta có nhiều dự án nhà ở xã hội, làng sinh viên, tái định cư nhưng có những dự án không có người đến ở. Bởi nó chưa đáp ứng được các tiêu chí khác của người dân, mới chỉ đáp ứng "tiêu chí có nhà" của người dân. Ví dụ, tiêu chí hạ tầng, dịch vụ, gần bến xe buýt, chợ, nhà trẻ, trường học.... nếu không có thì rất khó thu hút người vào ở. Người dân vẫn phải tìm đến các nhà trọ tự phát, trong các khu dân cư, ngõ ngách nhỏ.

Bên cạnh đó, chủ trương di dời các trường đại học ra khỏi nội đô có từ rất lâu rồi chưa thực hiện được. Chính sức ép về dân số, lượng sinh viên tập trung trong nội đô khiến cho nhu cầu về nhà trọ, khu lưu trú càng thêm căng thẳng. Phần lớn sinh viên ngoại tỉnh chắc chắn phải thuê trọ ở quanh trường, lựa chọn các khu nhà trọ giá rẻ. Nếu làm tốt công tác di dời các trường đại học ra khỏi nội đô Hà Nội thì cũng giảm tải được phần nào áp lực lên nhu cầu nhà trọ.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cũng chia sẻ: "Tại kỳ họp này chúng ta đang xem xét sửa Luật PCCC và cứu hộ cứu nạn. Khi chúng tôi thẩm tra cách đây vài tuần thôi, cá nhân tôi cũng đã đề cập đến câu chuyện phải rà soát lại các quy định về phòng cháy đối với nhà ở, nhất là nhà ở kết hợp với kinh doanh."

Ông An cũng nhìn nhận nguy cơ cháy với nhà ở, nhất là đối với nhà dân, nhà trọ cho thuê có thể xảy ra bất cứ khi nào, nếu chúng ta không cẩn trọng thì hậu quả rất thương tâm…. Sau vụ cháy xảy ra ở quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội cùng các lực lượng chức năng đã rà soát và có cảnh báo cụ thể. Tuy nhiên, chúng ta đang chấp nhận một thực trạng rủi ro đó hàng ngày và hàng giờ.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai)
Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai).

Nguyên nhân là do nhu cầu của người dân, người lao động khi ra sinh sống, làm việc ở các TP đều muốn thuê nhà để có nơi trú ngụ để làm việc, học hành. “Đây là nhu cầu hết sức bình thường” - ông An nói và khẳng định người dân có nhà cho thuê cũng là hoạt động bình thường để họ có thêm thu nhập.

Bên cạnh đó, ông An cho rằng, cơ sở hạ tầng đặc thù ở các TP như ở Trung Kính, Thanh Xuân… là nhà trong ngõ, trong hẻm. Điều này cũng phần nào gây khó khăn cho công tác chữa cháy nếu không may xảy ra cháy.

Theo đại biểu Trịnh Xuân An, tính đồng bộ trong quản lý dân cư, cơ sở hạ tầng còn liên quan đến các dự án mà lâu nay vẫn nói. Cụ thể là phải đầu tư thêm vào nhà ở xã hội, nhà cho thuê cho người có thu nhập thấp, đã đưa ra giải pháp nhưng giải pháp đó mới chỉ là ý tưởng chứ chưa triển khai được trên thực tế.

Từ thực tiễn đó, ông An đã chỉ ra ba giải pháp để khắc phục tình trạng này. Trong đó khâu “phòng” phải quan tâm trước tiên bởi người dân thường có tâm lý chủ quan nên phải tăng cường ý thức về phòng chống cháy nổ, không để xảy ra rủi ro. Ngoài ra, vai trò của chính quyền phường, các đoàn thể cơ sở phải sát sao hơn nữa để vận động tuyên truyền mọi người nâng cao cảnh giác.

Tất cả những khu vực hiện nay ở Hà Nội, TP. HCM hay những TP lớn khác đều là những nơi tập trung đông người lao động, công nhân, do đó chúng ta phải có sự rà soát chặt chẽ, kỹ lưỡng tất cả những cơ sở, nhà ở theo dạng này.

Hiện trường vụ cháy tại Trung Kính khiến nhiều người tử nạn với tầng 1 kinh doanh xe đạp điện, xe máy.
Hiện trường vụ cháy tại Trung Kính khiến nhiều người tử nạn với tầng 1 kinh doanh xe đạp điện, xe máy.

Trong sự việc này, cơ quan chức năng phải yêu cầu khu vực ở trên mái nhà không quây tôn kín như vậy, mở trống ra. Còn ở đây, mái tôn ở sân lại bị bịt kín trong khi ở dưới tầng 1 là kinh doanh xe. “Như vậy phải yêu cầu mở đường đi, bỏ mái tôn ra” – ông An nói thêm và nhìn nhận cần chú ý những chi tiết nhỏ như vậy trong quá trình thực thi.

Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, PCCC không phải nằm ở những tiêu chuẩn, quy chuẩn vì điều đó áp dụng cho công trình, dự án lớn. Còn với đối tượng đặc thù như nhà ở, nhà cho thuê, nhà trọ, nhà kết hợp với cơ sở sản xuất kinh doanh thì việc PCCC đi vào các chi tiết nhỏ. “Tưởng chừng như thừa nhưng nó thực sự hữu ích khi sự việc xảy ra” – ông An nhấn mạnh.

Ông Trịnh Xuân An khẳng định: "“Phòng" sẽ giải quyết được nhiều hơn “chữa”, trong trường hợp vụ cháy rạng sáng 24/5 để chữa là hết sức khó khăn trong bối cảnh như tôi vừa nói. Việc phòng liên quan trực tiếp đến người dân, chính quyền cấp cơ sở. Những ngõ, hẻm như vậy thì không chỉ ở Trung Kính mà có ở rất nhiều khu vực khác…”

P.V (t/h)