TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam: 4 điểm quan trọng Việt Nam cần tập trung cải cách

23:55 21/11/2021

Để nền kinh tế phục hồi trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, ý kiến từ chuyên gia cho rằng, cần có góc nhìn mới rộng hơn, đột phá hơn không chỉ với chính sách tài khoá.

Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam, có 4 điểm quan trọng mà Việt Nam cần tập trung cải cách. 

TS. Vũ Thành Tự Anh
TS. Vũ Thành Tự Anh.

Đầu tiên, cần khắc phục tình trạng hợp tác liên vùng kinh tế kém hiệu quả, do các vùng có tính phân tán cao. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là do địa giới hành chính cấp tỉnh bị biến thành địa giới kinh tế. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh hơn là hợp tác giữa các tỉnh, thành phố, nên không những không phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, mà còn triệt tiêu một số nguồn lực.

Thứ nữa, cơ chế đặc thù cho 8 tỉnh, thành phố, tuy trong ngắn hạn làm gia tăng không gian chính sách cho các địa phương, nhưng một khi các tỉnh đua nhau xin cơ chế đặc thù, thì dần dần không còn đặc thù nữa. Điều này dẫn đến tạo ra tầng chia cắt tiếp theo giữa các địa phương, nên cần có giải pháp hiệu quả, phù hợp.

Tiếp đến, Việt Nam đang phân chia ngân sách theo 63 địa phương, nên tạo ra hệ thống ngân sách phức tạp, kém minh bạch. Hệ quả của tình trạng này là tác động không tích cực đến động cơ gia tăng thu ngân sách ở các địa phương phát triển, đồng thời tạo ra nguy cơ những địa phương thu ngân sách kém thì tìm cách giấu nguồn thu để được ngân sách trung ương tài trợ…

“Trong khi đó, bài học từ Trung Quốc cho thấy, trước đây họ cũng phân chia ngân sách theo cách của Việt Nam hiện nay, nhưng từ năm 1994 họ phân chia ngân sách theo sắc thuế. Theo đó, thuế xuất nhập khẩu thì trung ương giữ 100%; nhưng thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thì địa phương được giữ 40%. Hướng cải cách này đã tạo ra sự minh bạch. Đây là một trong những cải cách rất thành công ở Trung Quốc, vì nó giúp ngân sách trung ương tăng vọt, qua đó, gia tăng nguồn lực đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ, quốc phòng…”, ông Tự Anh cho hay.

Cuối cùng, với trình độ của một quốc gia đang phát triển, Việt Nam cần hình thành cơ chế không chỉ đơn thuần là chính sách tài khoá, để huy động hiệu quả hơn các nguồn lực từ thị trường và xã hội để hỗ trợ cho sự phát triển của đất nước.

Khánh Ân