Thị trường NFT hoãn hầu hết các giao dịch trao đổi bán hàng với lý do là hàng giả và đạo nhái 'tràn lan'

14:10 23/03/2022

Vụ việc xảy ra trên nền tảng Twitter, khi một giao dịch NFT là dòng tweet đầu tiên của Jack Dorsey với giá 2,9 triệu đô đã tạm ngưng bởi lý do rằng mọi người đang bán nội dung token không thuộc về họ. Đây là "vấn đề cơ bản" trên thị trường khi các tài sản kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng.

Ảnh nguồn Internet
Ảnh nguồn Internet. 

Hiện nay, NFT (Non-Fungible Tokens) đang trở nên rộng rãi khắp thị trường, doanh thu từ giao dịch NFT đã tăng vọt lên khoảng 25 tỷ đô vào năm 2021, khiến nhiều người thắc mắc rằng tại sao có người lại chi quá nhiều tiền vào mặt hàng không có thực và bất kỳ ai cũng có thể xem trực tuyến miễn phí.

NFT là một loại tài sản điện tử ghi lại quyền sở hữu tệp kỹ thuật số như hình ảnh, video hoặc văn bản. Bất kỳ ai cũng có thể tạo hoặc "đúc ra" một NFT do đó token này thường không cấp các quyền sở hữu cơ bản cũng như là đảm bảo tính pháp lý. Quá nhiều “tài sản” bị sao chép và tinh vi đến nỗi khó nhận biết được đâu là “hàng thật”. Cũng bởi sự phức tạp về quyền sở hữu mà dấy lên sự lo ngại về NFT là lừa đảo, hàng giả và tình trạng "rửa tiền" đã xuất hiện ngày càng nhiều.

Ví dụ như Cent có trụ sở tại Hoa Kỳ đã thực hiện một trong những đợt bán NFT trị giá hàng triệu đô la đầu tiên được biết đến khi Cent bán dòng tweet của cựu CEO Twitter dưới dạng NFT vào tháng 3 năm 2021. Nhưng kể từ ngày 6/2/2022, tài sản NFT này đã không còn được cho phép giao dịch. Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Cameron Hejazi đưa ý kiến với Reuters như sau: "Đây là một loạt hoạt động trao đổi mà đáng lý về mặt cơ bản của pháp lý là nó là không nên xảy ra".

Thị trường Cent "beta.cent.co" đã tạm dừng giao dịch NFT, tuy nhiên phần dành riêng cho việc giao dịch NFT của các dòng tweet mà được gọi là "có giá trị" vẫn hoạt động.

NFT là gì?

NFT là từ viết tắt của Non-Fungible Token (tài sản không thể thay thế), là một nội dung số (digital content) được xây dựng trên hệ thống chuỗi khối (blockchain) (Reuters, 2021), tương tự như Bitcoin hay Ethereum. NFT được coi là duy nhất bởi khi đổi NFT này lấy một NFT khác, tài sản lúc này được sở hữu có giá trị khác hoàn toàn so với tài sản ban đầu. NFT có bản chất phi vật lý, nó là một dạng “dữ liệu” chứa thông tin nhận dạng và xác minh tài sản được lưu giữ trên blockchain, mỗi “mã” đại diện cho một tài sản như hình ảnh, video, văn bản. Vì nó là tài sản điện tử nên khi mà bạn mua một bức tranh NFT có nghĩa là bạn đã “mua” quyền sở hữu của tác phẩm đó. Giá trị của NFT không nằm ở việc sưu tầm, mà là ở việc sở hữu độc quyền của nó. Giống như việc có hàng ngàn bức tranh sao chép bức “Đêm đầy sao” của Vincent van Gogh nhưng bức tranh gốc thật sự lại nằm trong bảo tàng Nghệ thuật hiện đại và nó mới là bức tranh có giá trị nhất. Tuy nhiên, bởi là tài sản điện tử nên NFT được giao dịch trên hệ thống blockchain của tiền ảo – một hệ thống vẫn chưa có pháp lý hoàn chỉnh ở hầu hết các quốc gia. Việc không có cơ quan quản lý cũng khiến nó khó kiểm soát và nhiều rủi ro hơn, do đó, NFT không giành cho những ai quan ngại rủi ro.

Hejazi cho rằng, vấn nạn này xuất phát từ ba vấn đề chính như sau: những người bán các bản sao trái phép của các NFT khác, những người tạo NFT cho nội dung không thuộc về họ và những người bán các bộ NFT giống như một bảo mật.

Ông cho biết, những vấn đề này đang "tràn lan" bởi người dùng không ngừng “đúc và đúc và đúc các tài sản kỹ thuật số giả mạo”.

"Nó vẫn cứ xảy ra. Chúng tôi cố gắng cấm các tài khoản vi phạm nhưng cảm giác như chúng tôi đang chơi một trò chơi đập chuột... Mỗi lần chúng tôi cấm một tài khoản, một tài khoản khác sẽ xuất hiện, hoặc ba tài khoản khác sẽ xuất hiện” – Hejazi cho biết.

"Tiền đuổi theo tiền"

Những vấn đề như vậy lại càng thu hút nhiều sự chú ý hơn khi xuất hiện các thương hiệu lớn tham gia vào cuộc đua hướng tới cái gọi là "metaverse" hoặc Web3. Điển hình như Coca-Cola (CCEP) và thương hiệu xa xỉ Gucci nằm trong số các công ty đã bán NFT, YouTube cũng cho biết họ sẽ khám phá các tính năng của NFT. Cent sở hữu 150.000 người dùng và doanh thu "hàng triệu", là một nền tảng NFT tương đối nhỏ.

Hejazi cho biết, vấn đề giả mạo nội dung và bất hợp pháp tồn tại trong toàn lĩnh vực. Ông nói: “Tôi nghĩ đây là một vấn đề khá cơ bản với Web3”.

Thị trường NFT lớn nhất là OpenSea trị giá 13,3 tỷ đô la sau vòng gọi vốn mạo hiểm mới nhất. Vào tháng trước, hơn 80% NFT được tạo ra miễn phí trên nền tảng của OpenSea bị xem là "tác phẩm ăn cắp bản quyền, bộ sưu tập giả mạo và thư rác."

OpenSea đã cố gắng giới hạn số lượng NFT mà người dùng có thể khai thác miễn phí, nhưng sau đó họ đã bãi bỏ quyết định này sau khi nhận phản ứng dữ dội từ người dùng, công ty thông báo trên Twitter rằng họ đang "thông qua một số giải pháp" để ngăn chặn "những kẻ xấu" đồng thời hỗ trợ cho những người sáng tạo.

Người phát ngôn của OpenSea cho biết: “Việc bán NFT sử dụng nội dung đạo văn là vi phạm chính sách của chúng tôi. Chúng tôi đang làm việc suốt ngày đêm để chuyển đổi sản phẩm, bổ sung các tính năng và tinh chỉnh quy trình của mình để đáp ứng cho thời điểm này."

Đối với nhiều người đam mê NFT, bản chất phi tập trung của công nghệ blockchain là cực kỳ hấp dẫn. Nó cho phép người dùng tạo và giao dịch tài sản kỹ thuật số mà không phải chịu sự kiểm soát hoạt động của cơ quan trung ương. Tuy nhiên, chính việc không có kiểm soát như này sẽ khiến cho rủi ro khi giao dịch tài sản NFT này cao hơn.

Nhưng Hejazi cho biết, công ty của anh ấy quan tâm đến việc bảo vệ những người sáng tạo nội dung và có thể sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát tập trung như một biện pháp ngắn hạn để mở lại thị trường trong tương lai, trước khi mở rộng triển khai các giải pháp phi tập trung.

Sau đợt bán Dorsey NFT, Cent mới bắt đầu hiểu được những gì đang diễn ra trên thị trường NFT.

"Chúng tôi nhận ra rằng rất nhiều trường hợp trong số đó chỉ là tiền chạy theo tiền."

Theo CNN.1. https://edition.cnn.com/2022/02/13/tech/nft-marketplace-plagiarism/index.html