Thái Lan chuyển đổi dầu ăn đã qua sử dụng thành nhiên liệu hàng không bền vững

17:00 15/12/2022

Chiến dịch có tên “Tod-Mai-Ting”, sẽ bắt đầu vào ngày 21/12, do Tập đoàn dầu khí và năng lượng Bangchak Corporation (Thái Lan) và liên doanh của họ thực hiện tái chế dầu nấu ăn đã qua sử dụng để sản xuất nhiên liệu máy bay.

Sau khi sử dụng, vì đảm bảo an toàn và sức khỏe, dầu ăn thường bị thải bỏ thay vì tái sử dụng.

Dầu ăn khi chiên rán ở nhiệt độ cao (thường trên 180 độ C) sẽ xảy ra các phản ứng hóa học, sinh ra các chất aldehyt, chất ôxy hóa, còn sinh ra chất gây ung thư có tên là benzopyrene... đều là những chất rất có hại cho sức khỏe. Nếu nấu ở nhiệt độ càng cao (như để cho dầu bốc cháy trên chảo), số lần nấu lại càng nhiều thì lượng chất độc hại sinh ra càng nhiều. Trong những chất độc hại đó, có những chất bay hơi ra không khí, gây ô nhiễm không khí, người hít phải cũng độc hại, có chất lại lắng lẫn vào trong dầu, mỡ thấm vào thức ăn, người ăn vào rất hại cho sức khỏe. Khi ăn phải chất độc hại trong dầu, mỡ này có thể thấy các triệu chứng: chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn, đau bụng, thở khó, tim đập chậm, huyết áp tăng cao, người mỏi mệt, ăn nhiều trong thời gian dài có thể bị ung thư.

Nếu thải ra môi trường dầu ăn đã qua sử dụng sẽ gây ảnh hưởng rất lớn:

Ảnh hưởng thiết bị, hệ thống cấp thoát nước

Mặc dù có thể trông giống như chất lỏng chảy xuống cống khi đổ trực tiếp dầu ăn thải vào bồn rửa hoặc cống thoát nước. Nhưng khi nguội, chúng sẽ hóa rắn lại, tạo các mảng bám, tích tụ gây tắc nghẹt đường ống, ảnh hưởng hệ thống thoát nước, gây tốn kém và mất vệ sinh trong quá trình làm sạch lại đường ống. Tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 47% số vụ tràn cống vệ sinh do các loại chất béo và dầu tích tụ gây ra.

Ảnh hưởng đến môi trường

Ô nhiễm nguồn nước: Dầu ăn thải được xả ra môi trường nước, sẽ nổi trên bề mặt và gây nên hiện tượng nước bị nhiễm dầu. Từ đó, chúng cản trở quá trình trao đổi khí và gây chết các sinh vật, động thực vật sống trong và trên mặt nước, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt sử dụng hàng ngày.

Ô nhiễm đất: dầu ăn bị ngấm vào đất, rò rỉ xuống các mạch nước ngầm, tạo môi trường cho các vi sinh vật có hại phát triển, gây mùi và ô nhiễm đất.

Tái chế dầu ăn thải thành nguyên liệu cho phương tiện giao thông

Lượng dầu ăn thải trên thế giới vô cùng lớn, là nguồn nguyên liệu lâu dài khi được nghiên cứu tái chế thành dầu diesel sinh học. Dầu diesel sinh học được phân phối làm nguồn nhiên liệu “xanh” cho các phương tiện giao thông, thay thế nhiên liệu hóa thạch. 

Dầu ăn thừa có thể biến thành nhiên liệu sinh học.
Dầu ăn thải có thể biến thành nhiên liệu sinh học..

Sau khi tái chế, dầu ăn thải trở thành một dạng nhiên liệu mới- dầu thực vật tái sử dụng (Hydrotreated Vegetable Oil - HVO) hay còn gọi là dầu diesel tái tạo, dầu diesel sinh học. Khi các phương tiện sử dụng loại dầu HVO thay cho nhiên liệu hóa thạch thông thường hiện nay sẽ góp phần cải thiện chất lượng không khí. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, khi ô tô sử dụng HVO, lượng khí nhà kính có thể giảm tới 90% so với việc sử dụng dầu hóa thạch hiện nay. Các phương tiện vận hành bằng dầu HVO thải ra ít khí NOx và bụi mịn hơn, bởi dạng nhiên liệu diesel này không chứa lưu huỳnh hay oxy.

Ngoài ra, HVO khi kết hợp với mỡ động vật và dầu cá, cũng sẽ giúp động cơ diesel khởi động dễ dàng hơn khi nhiệt độ ngoài trời thấp. Quá trình tổng hợp dầu HVO sử dụng hydro làm chất xúc tác giúp nhiên liệu này đạt hiệu quả đốt cháy tốt hơn, đốt sạch hơn và thời gian lưu trữ cũng dài hơn nhiên liệu sinh học thông thường. 

Thái Lan tái chế dầu ăn qua sử dụng để sản xuất nhiên liệu máy bay

Tập đoàn dầu khí và năng lượng Bangchak Corporation (Thái Lan) và liên doanh của họ thực hiện tái chế dầu nấu ăn đã qua sử dụng để sản xuất nhiên liệu máy bay. Chiến dịch có tên “Tod-Mai-Ting”, sẽ bắt đầu vào ngày 21/12, theo đó người tiêu dùng Thái Lan được khuyến khích bán lượng dầu ăn đã qua sử dụng của họ tại 44 trạm xăng của Bangchak.

Lãnh đạo tập đoàn cho biết dầu ăn đã qua sử dụng sẽ được chuyển đổi thành nhiên liệu hàng không bền vững (SAF), đáp ứng mô hình kinh tế Sinh học-Tuần hoàn-Xanh (BCG) mà Chính phủ Thái Lan đang theo đuổi. Tập đoàn Bangchak cũng nhấn mạnh việc sử dụng công nghệ sinh học để tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế và phù hợp với nền kinh tế tuần hoàn và nền kinh tế xanh, cùng với sự phát triển xã hội để tạo ra sự ổn định và bền vững.

Mục đích của chiến dịch “Tod-Mai-Ting” còn là chấm dứt việc xử lý dầu ăn đã qua sử dụng ở các khu vực công cộng để ngăn chặn tác động có hại đến môi trường. Đây cũng là lời cảnh báo không nên sử dụng dầu để chiên lại, vì dầu ăn bị biến chất có thể gây ra bệnh tật.

Công ty BSGF, một liên doanh giữa Tập đoàn Bangchak và Công ty Thanachok Oil Light, sẽ là đơn vị đầu tiên ở Thái Lan mua dầu ăn đã qua sử dụng. Gần đây, công ty BSGF đã nhận được 200 triệu baht - bao gồm 98 triệu baht từ Uỷ ban hội đồng quản trị của công ty và 102 triệu baht từ Tập đoàn Bangchak - để thành lập một cơ sở sản xuất SAF nhằm chuẩn bị cho nhu cầu tăng cao trong ngành hàng không. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Nhà máy dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào quý IV/2024, và SAF hiện đang nhận được rất nhiều sự quan tâm trong nước và quốc tế

Công nghệ ứng dụng dầu diesel sinh học đã ra đời từ lâu trên thế giới nhưng trong một thời gian dài, các hãng xe còn lo ngại loại nhiên liệu này sẽ làm tăng chi phí bảo hành cho khách hàng, do làm lão hoá các gioăng cao su và ống mềm lắp trên xe (hầu hết được phát hiện thấy trong các xe chế tạo trước năm 1992). Hơn nữa, giá dầu diesel từ nguyên liệu hóa thạch vẫn rẻ khiến nỗ lực thay đổi là chưa cao.

Trong những năm gần đây, tiêu chuẩn khí thải đang trở thành một rào cản buộc nhiều hãng xe phải thay đổi. Xe chạy điện, hybrid và các loại xe sử dụng nhiên liệu sinh học, thân thiện môi trường đã được tập trung đầu tư sử dụng thay thế nguyên liệu hóa thạch.

D.A (Tổng hợp)