Phát triển 7 nhóm chiến lược đột phá hướng đến tầm nhìn Tây Ninh xanh

10:35 06/05/2024

Ngày 5/5//2024, tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 với đề xuất 7 đột phá: Phát triển hạ tầng; nguồn nhân lực; thể chế;  DNVVN ; phát triển bền vững: Tây Ninh xanh; du lịch và kinh tế dịch vụ.

Tham dự Hội nghị Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh… cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư
Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định quy hoạch cho tỉnh Tây Ninh (Ảnh Nhật Bắc)

Hội nghị đánh giá Quy hoạch tỉnh Tây Ninh đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, bài bản, khoa học; xây dựng trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế của tỉnh.

Quy hoạch đã đưa ra được quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu trọng tâm, đột phá phát triển; phương án phát triển, giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch để đưa Tây Ninh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững. Quy hoạch đã mở ra đường hướng, tầm nhìn và không gian phát triển mới, tạo động lực, giá trị mới cho Tây Ninh trong bức tranh chung của các tỉnh, thành phố trong khu vực và trên cả nước.

Mục tiêu tổng quát, đến năm 2030, Tây Ninh trở thành tỉnh phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu; đến năm 2050, Tây Ninh trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao.

3 vùng phát triển và 4 trục động lực   

Thủ tướng Chính Phủ
Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao quy hoạch của tỉnh Tây Ninh (Ảnh Nhật Bắc)

Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính nhận định: Quy hoạch Tây Ninh nói riêng và Quy hoạch của vùng Đông Nam Bộ đã thực hiện để triển khai quy hoạch về chiến lược vùng. Thủ tướng rất ấn tượng với khát vọng chính trị quyết tâm của Đảng bộ quân và dân tỉnh Tây Ninh qua các thời kỳ, đặc biệt là công tác quy hoạch, tỉnh đã nghiên cứu, phối hợp tài liệu với các bộ ban ngành rất chặt chẽ. Công tác quy hoạch đã dựa vào cách làm mới tạo ra giá trị mới.

Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc – Chủ tịch UBND Tỉnh Tây Ninh cho biết: Quy hoạch thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới để tạo ra cơ hội mới, động lực phát triển mới và giá trị mới”.

Chủ tịch UBND Tỉnh Tây Ninh
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, quy hoạch đã mở ra cơ hội và nguồn lực để thu hút đầu tư (Ảnh Nhật Bắc)

Với việc phân làm 3 vùng phù hợp để phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ. Cụ thể: Vùng 1 gồm: thị xã Trảng Bàng, huyện Gò Dầu và một phần phía Nam huyện Dương Minh Châu, là vùng phát triển công nghiệp, đô thị dịch vụ có tính lan tỏa kết nối với hồ Dầu Tiếng và nông nghiệp công nghệ cao với trung tâm phát triển của tỉnh là tam giác Trảng Bàng – Phước Đông – Gò Dầu.  

Vùng 2 gồm: thành phố Tây Ninh, thị xã Hòa Thành, vùng phía tây huyện Dương Minh Châu và một phần phía Đông huyện Châu Thành là trung tâm hành chính, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, lấy dịch vụ làm chủ đạo, tiếp đến là công nghiệp hỗ trợ và chế biến, nông nghiệp công nghệ cao.

Vùng 3 gồm: huyện Tân Biên, huyện Tân Châu, phía Tây huyện Châu Thành và phía Bắc huyện Bến Cầu. Đây là vùng phát triển nông nghiệp, từng bước phát triển dịch vụ hướng đến an sinh xã hội và du lịch sinh thái ở các khu vực Lò Gò - Xa Mát, rừng Hòa Hội, sông Vàm Cỏ Đông.

“4 trục động lực” gồm: Trục số 1 gắn với cao tốc Gò Dầu - Xa Mát và Quốc lộ 22, 22B, là hành lang phát triển Bắc - Nam chính của tỉnh Tây Ninh. Trục số 2 gắn với tuyến đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 22, là hành lang kết nối liên vùng với tỉnh Bình Dương và vương quốc Campuchia theo hướng Đông Tây cho vùng phía Nam, kết nối với Quốc lộ 13, Quốc lộ 14 tới sân bay Long Thành. Trục số 3 gắn với tuyến Đất Sét - Bến Củi là tuyến vành đai trung chuyển hàng hóa giữa các khu công nghiệp Bến Củi, Thạnh Đức, khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đi Campuchia, kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh thông qua các nút giao với đường cao tốc CT31 (Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài), CT32 (Gò Dầu – Xa Mát) và kết nối về phía Đông đi Bình Dương và Tây Nguyên. Trục số 4 gắn với đường tỉnh 781, là hành lang kết nối liên vùng với tỉnh Bình Dương và Vương quốc Campuchia theo hướng Đông Tây cho vùng trung tâm.

Ông
Ông Đặng Minh Trường- Chủ tịch Tập đoàn Sun Group đã có nhiều ý kiến đề xuất nhằm phát triển tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới (Ảnh Bắc Việt)

Trên quy hoạch định hướng, Chủ tịch Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường đề xuất, Tây Ninh nên tập trung vào 4 trụ cột: Phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, cửa ngõ thương mại quốc tế Đông Nam Bộ.

Công nghiệp và dịch vụ du lịch là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới, đưa Tây Ninh trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp và dịch vụ du lịch của Vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Tuy nhiên, giao thông hiện nay đang là rào cản rất lớn hạn chế sự phát triển nhanh của Tây Ninh. Ông Trường đề xuất các phương án phát triển hạ tầng giao thông. Cụ thể, xây cảng hàng không Tây Ninh tại huyện Dương Minh Châu theo hình thức hợp tác đối tác công tư PPP.  Xây dựng đường cao tốc từ Gò Dầu - Xa Mát theo hình thức nhà nước và tư nhân cùng làm và nhà nước góp vốn 60 - 70% cũng như mở rộng thêm tuyến đường ven sông từ TP.HCM- Tây Ninh. Về phát triển kinh tế cửa khẩu nên có cơ chế đặc thù cho khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài.

 Lấy du lịch và kinh tế biên mậu làm chiến lược phát triển

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ ra những mặt ưu và nhược trong quy hoạch của Tây Ninh, Thủ tướng đề nghị tỉnh nên chọn cái nào là trọng tâm, trọng điểm, nguồn lực chính để làm vì nguồn lực chưa nhiều mà đầu tư dàn trải sẽ không hiệu quả, gây lãng phí.

Theo Thủ tướng, Tây Ninh có nhiều tiềm năng, lợi thế. Tây Ninh thuộc vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế năng động, đầu tàu kinh tế của cả nước; là tỉnh biên giới có vị trí địa chính trị quan trọng về quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước, là "phên dậu" hướng Tây Nam của Tổ quốc; vai trò kết nối các tỉnh Tây Nguyên với Đông Nam Bộ, kết nối Đồng bằng sông Cửu Long với Đông Nam Bộ và hành lang kinh tế xuyên Á.

Tây Ninh có tiềm năng lớn phát triển kinh tế cửa khẩu, đặc biệt khi thương mại với Campuchia đang tăng rất nhanh, là điểm kết nối trực tiếp và gián tiếp với một số nước Đông Nam Á. Thương mại với Campuchia đặt mục tiêu 10 tỷ USD vào năm 2030 nhưng 2022 chúng ta đã đạt. Như vậy chúng ta có tiềm năng phát triển kinh tế cửa khẩu, Thủ tướng đánh giá.

Do vậy đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài là con đường huyết mạch với quy hoạch 6 làn xe dự kiến đưa vào khai thác trước 4 làn xe năm 2027. Cao tốc Gò Dầu - Xa Mát 4 làn xe được Thủ tướng giao địa phương thẩm quyền đầu tư giai đoạn 1 (Gò Dầu - TP. Tây Ninh) trước năm 2030.

Tây Ninh hội đủ 3 yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để tăng tốc phát triển nhanh, bền vững: Có điều kiện khí hậu ôn hòa, hầu như không bị thiên tai, bão lũ, có nguồn nước ngọt dồi dào; còn dư địa về đất đai cho sự phát triển công nghiệp, nông nghiệp tương đối lớn so với các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ và có tiềm năng du lịch. Người dân Tây Ninh có truyền thống cách mạng, cần cù, sáng tạo, chịu thương chịu khó, chất phác, nghĩa tình, có nguồn lực lao động trẻ; lựa chọn được những nhà đầu tư chiến lược trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, du lịch.

54 dự án trọng điểm thu hút đầu tư

Danh mục gồm 6 dự án về đô thị, 15 dự án lĩnh vực đầu tư xây dựng nhà ở, 10 dự án lĩnh vực khu thương mại dịch vụ và chợ, 9 dự án lĩnh vực nông nghiệp, 3 dự án lĩnh vực du lịch và một số dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, giao thông vận tải, thể thao, thu gom và xử lý nước thải đô thị, cấp nước đô thị.

Một số dự án có quy mô lớn: Khu đô thị dịch vụ Trảng Bàng với diện tích 175ha; Khu đô thị phụ cận khu du lịch quốc gia núi Bà Đen diện tích: 266ha; Trồng dược liệu dưới tán rừng kết hợp du lịch sinh thái và dịch vụ y khoa tại xã Hòa Hội (huyện Châu Thành) diện tích 1.200ha…

Thu Hiền - Trần Tùng