Cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý sản phẩm quảng cáo không đúng quy định

14:05 08/11/2022

Dù cơ quan quản lý đã có những chế tài xử lý nghiêm những vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN), thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK), tuy nhiên những sai phạm trong lĩnh vực này vẫn tràn lan như “nấm mọc sau mưa”.

Khi đời sống ngày càng được nâng cao thì người dân sẽ có điều kiện đầu tư cho việc chăm sóc sức khỏe, trong đó các loại thực phẩm bồi bổ sức khỏe được đặc biệt quan tâm, do vậy, thị trường TPCN ngày càng nở rộ. Vì lợi ích, không ít các doanh nghiệp sẵn sàng “thần thánh hóa” sản phẩm TPCN, TPBVSK của mình như là sản phẩm vạn năng, trị bách bệnh. Trên một số trang mạng, các sản phẩm TPCN, TPBVSK được quảng cáo tràn lan với các công dụng “trên trời” khiến người tiêu dùng như lạc vào “ma trận”. Nhiều trong số đó đều là quảng cáo đánh lừa người tiêu dùng, qua mặt cơ quan quản lý nhà nước. 

Vừa qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) công bố việc xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đối với 5 công ty với tổng số tiền phạt là 300 triệu đồng do quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh, quảng cáo khi không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung. Cụ thể, Công ty TNHH MTV dược phẩm Y tế quốc tế MEDISTAR (địa chỉ: Thôn Trung Tiến, xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) với mức phạt 90 triệu đồng về hành vi vi phạm: Tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện phải đăng ký bản công bố theo quy định của pháp luật; tự công bố sản phẩm viên uống bổ phổi Lung Detox trong khi sản phẩm này thuộc diện phải đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định.

Công ty cổ phần Dược phẩm Hoàng Hường (địa chỉ: Tầng 6, số 36, Nguyễn Hoàng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) với mức phạt 65 triệu đồng về hành vi vi phạm: Quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên xương khớp Hoàng Hường gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; quảng cáo mà không có hoặc ghi không đúng hoặc không đọc rõ, không thể hiện trong quảng cáo khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

Công ty cổ phần Y dược Ngũ Phúc Đường (địa chỉ: Lô NV09, dự án Tổ hợp văn phòng nhà ở cao cấp kết hợp dịch vụ thương mại HBI, số 203 Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân Hà Nội) bị phạt 50 triệu đồng về hành vi vi phạm: Quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Lumedi-V, Lumedi-V KIDS, Bảo Lạc Hoàn gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Công ty cổ phần Thiên Dược Sơn (địa chỉ: Số 7 ngách 88, ngõ 151B Thái Hà, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội) bị phạt 50 triệu đồng về hành vi vi phạm: Quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Lavenda plus gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Công ty cổ phần thương mại quốc tế Đại Lâm Mộc (địa chỉ: 09-LK1, khu nhà ở 90 Nguyễn Tuân, số 90 đường Nguyễn Tuân, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) bị phạt 45 triệu đồng về hành vi vi phạm: Quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên uống tố nữ Mộc Beauty không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.

Tuy nhiên, thực trạng này vẫn tiếp tục được tái diễn tại website https://www.dhgpharma.com.vn/vi/ được vận hành bởi Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (Địa chỉ: 288 Bis Nguyễn Văn Cừ, P. An Hòa, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi quảng cáo nhiều sản phẩm thổi phồng công dụng, giới thiệu TPBVSK gây hiểu nhầm tác dụng như thuốc chữa bệnh. Cụ thể như: TPBVSK Kim tiền thảo Râu mèo được quảng cáo có tác dụng:“ điều trị sỏi đường tiết niệu: sỏi thận, sỏi bàng quang, sỏi niệu quản và sỏi mật. Phối hợp điều trị viêm bể thận, viêm túi mật, viêm gan, vàng da. Dùng trong trường hợp: chữa phù thũng, chữa đi tiểu đau, đi tiểu nhiều lần” theo địa chỉ đăng tải:https://www.dhgpharma.com.vn/vi/tieu-hoa-gan-mat/kim-tien-thao-rau-meo-detail

TPBVSK Kim tiền thảo Râu mèo được quảng cáo trên website của Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang.
TPBVSK Kim tiền thảo Râu mèo được quảng cáo trên website của Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang. (Ảnh: T.N)

Tương tự, sản phẩm TPBVSK Choliver được quảng cáo có tác dụng:“Phòng và điều trị rối loạn đường mật, viêm mật, lợi tiểu. Điều trị chứng khó tiêu: trướng bụng, chậm tiêu hóa, ợ, đầy hơi, buồn nôn do suy giảm chức năng gan. Điều trị viêm gan, vàng da. Chống mụn nhọt, ngứa, nổi mề đay. Giúp ăn ngon miệng. Chống táo bón” theo địa chỉ đăng tải: https://www.dhgpharma.com.vn/vi/tieu-hoa-gan-mat/choliver-detail.   

Quảng cáo của TPBVSK Choliver.
Quảng cáo của TPBVSK Choliver gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh. (Ảnh: T.N)

Để rộng đường dư luận, Ngày 29/09/2022, Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập đã có Công văn số 516/CV-DNHH/2022 gửi đến Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang về việc trao đổi thông tin các sản phẩm nêu trên, tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm.

Theo Khoản 15, Điều 6 của Luật Dược số 105/2016/QH13 ngày 06/04/2016 cũng nêu rõ những hành vi bị nghiêm cấm: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.

Từ những thông tin trên, có thể thấy sản phẩm TPBVSK Kim tiền thảo Râu mèo và TPBVSK Choliver của Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng lầm tưởng về công dụng, chất lượng sản phẩm. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ và có biện pháp xử lý nếu có vi phạm theo quy định của pháp luật.

T.N