Tại sao mạng viễn thông Huawei bị tẩy chay tại một số nước?

00:00 12/10/2020

Kể từ năm 2013, Huawei và ZTE đã không thể bán thiết bị hay tham gia đấu thầu các dự án của chính phủ Hoa Kỳ do lo ngại các công ty này có thể giúp đỡ chính phủ Trung Quốc đánh cắp dữ liệu…

Hiện tại, Bộ tư pháp Hoa Kỳ đã khởi kiện Huawei với 23 tội danh, kéo theo một số đồng minh khác tham gia tẩy chay công nghệ viễn thông của hãng này như Pháp, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Hàn Quốc và sắp tới có thể là Canada.

Mặc dù hiện tại các rủi ro từ mạng 5G còn chưa rõ ràng, song Hoa Kỳ và một số cơ quan an ninh đã đưa ra một số lo ngại về việc Trung Quốc có thể lợi dụng các thiết bị của Huawei để thực hiện các hoạt động tình báo và phá hoại trong tương lai. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tại sao Huawei là mối đe dọa an ninh?

Huawei (Hoa Vĩ) là tập đoàn chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) hàng đầu Trung Quốc và thế giới, tương tự Nokia và Ericsson. Huawei đã phát triển thị phần điện thoại thông minh (smartphone) cao nhất Trung Quốc (hơn 25%) và hiện chiếm 16% thị phần smartphone toàn cầu, chỉ sau Samsung và Apple.

Hiện nay, tập đoàn này cũng đang tham gia cuộc đua dẫn đầu thế giới trong cung cấp dịch vụ 5G, vốn đang được rất nhiều quốc gia quan tâm và thử nghiệm, trong đó có cả Việt Nam. Về cơ bản, công nghệ mạng 5G cho phép các thiết bị viễn thông đạt được tốc độ truy cập internet và download dữ liệu nhanh gấp từ 10 đến 20 lần so với 4G, giúp người sử dụng tận hưởng nhiều loại hình giải trí chất lượng cao cũng như thúc đẩy internet vạn vật (internet of things) vốn được coi là tương lai phát triển của công nghệ. 5G cũng được coi là mỏ vàng trong tương lai. Nó giúp các công ty viễn thông nâng cao thị phần, kiếm được hàng tỷ USD từ phí bản quyền và bán điện thoại mới.

 Do hệ thống 5G có hạ tầng và kết nối với nhiều thiết bị hơn 4G, nên việc bảo vệ khỏi các hoạt động tội phạm mạng là mối quan tâm lớn đối với các cá nhân và chính phủ. Mặc dù hiện tại các rủi ro từ mạng 5G còn chưa rõ ràng, song Hoa Kỳ và một số cơ quan an ninh đã đưa ra một số lo ngại về việc Trung Quốc có thể lợi dụng các thiết bị của Huawei để thực hiện các hoạt động tình báo và phá hoại trong tương lai. Theo luật tình báo mới được Trung Quốc thông qua vào năm 2017, cơ quan tình báo Trung Quốc được phép lục soát, thu giữ tài sản và huy động các cá nhân hoặc tổ chức để phục vụ hoạt động tình báo. Nó cũng cung cấp cho các cơ quan tình báo cơ sở pháp lý để hoạt động cả trong và ngoài Trung Quốc. Bản thân Tập đoàn Huawei cũng được Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei), có xuất thân là sĩ quan quân đội Trung Quốc, thành lập từ năm 1987 và có lợi thế đặc biệt về giá cả do được chính phủ Trung Quốc cho vay ưu đãi.

 Về nguyên tắc, bên kiểm soát công nghệ vận hành các mạng truyền thông có thể thực hiện các hoạt động gián điệp hoặc phá vỡ liên lạc trong bất kỳ thời điểm nào trong tương lai, đặc biệt khi internet vạn vật cho phép các phương tiện di chuyển, thiết bị gia dụng đều có thể kết nối internet. Do đó, Hoa Kỳ, Australia và New Zealand đều đã chặn các công ty trong nước sử dụng công nghệ của Huawei trong mạng lưới 5G của mình.

Vào tháng 12 năm 2018, Chính phủ Canada đã bắt giữ giám đốc tài chính của Huawei, Mạnh Vãn Châu, theo yêu cầu của Hoa Kỳ. Washinton cáo buộc bà phạm tội lừa đảo khi nói dối các ngân hàng Mỹ về mối quan hệ giữa Huawei với một công ty viễn thông ở Iran – hành động cố tình vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran.

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cũng đã khởi kiện Huawei với 23 tội danh. Trong bản cáo trạng này, Huawei bị tố cáo đã tiếp tục kinh doanh tại Iran sau khi lệnh trừng phạt được áp dụng vào năm ngoái thông qua hai công ty con và đã đánh cắp một mảnh robot “Tappy” của công ty viễn thông Hoa Kỳ T-Mobile. Nội dung của cáo buộc cũng cho thấy thông qua các báo cáo hằng năm của Quốc hội Hoa Kỳ và các tổ chức tình báo, Chính phủ Trung Quốc đang tận dụng các hoạt động xuyên quốc gia của Huawei nhằm do thám các quốc gia khác. Tổng thống Donald Trump cũng đã kêu gọi các đồng minh tham gia cấm Huawei và các công ty công nghệ khác của Trung Quốc như ZTE tiến hành thử nghiệm 5G tại quốc gia mình do các lo ngại về vấn đề an ninh. Về phần mình, Huawei bác bỏ mọi cáo buộc, cho rằng mình là nạn nhân trong cuộc xung đột lớn hơn giữa Chính phủ Hoa Kỳ và Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc cũng coi đây là các cáo buộc quy chụp trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai quốc gia, rằng đây là hành vi cạnh tranh bất bình đẳng đối với một lĩnh vực có vị trí quan trọng trong tương lai.

Mặc dù Huawei đang đối mặt với hàng rào ngăn cách các thiết bị 5G của mình tại một số nước như Hoa Kỳ, Pháp, Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc, song nhờ giá rẻ mà Huawei vẫn được chào đón tại một số nước đang phát triển. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 Liệu xu thế trên có tiếp diễn?

Mặc dù Huawei đang đối mặt với hàng rào ngăn cách các thiết bị 5G của mình tại một số nước như Hoa Kỳ, Pháp, Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc, song nhờ giá rẻ mà Huawei vẫn được chào đón tại một số nước đang phát triển. Thực tế cho thấy, ngay cả các thiết bị viễn thông không phải của Trung Quốc vẫn có thế chứa phần mềm gián điệp hoặc dễ bị tấn công bởi các phần mềm gián điệp.

Ấn Độ và Italia vẫn đang bật đèn xanh cho Huawei tham gia đấu thầu cung cấp mạng 5G. Bất chấp khuyến nghị từ Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu thiết bị và Dịch vụ Viễn thông Ấn Độ (TEPC), rằng Ấn Độ nên cấm sử dụng thiết bị từ các nhà cung cấp Trung Quốc như Huawei hay ZTE, đặc biệt là mạng fiberhome của chính phủ, thì Chính phủ Ấn Độ lại không hề đề xuất cấm Huawei. Đặc biệt, trong một bức thư của Hiệp Hội các nhà khai thác Di động Ấn Độ (COAI) nhằm kêu gọi Cục Viễn thông Ấn Độ không cấm Huawei, họ đã chỉ ra rằng Huawei là nhà cung cấp phù hợp cho việc xây dựng và chuẩn bị khai thác mạng viễn thông 5G tại Ấn Độ, cũng như đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chính phủ.

Mặc dù Cục Viễn thông Ấn Độ đã có những động thái tưởng chừng sẽ cấm Huawei tham gia thử nghiệm 5G, xong vào tháng 12 năm 2018, Ấn Độ đã cho phép Huawei được thử nghiệm hạ tầng 5G tại quốc gia này. Huawei cũng đã đề nghị chia sẻ mã nguồn được sử dụng trong sản phẩm của mình để xóa tan lo ngại về bảo mật của nhà cầm quyền. Có ba lý do chính cho quyết định này của Chính phủ Ấn Độ. Thứ nhất, Ấn Độ không muốn chậm chân trong việc tiếp thu công nghệ 5G từ Trung Quốc so với các nước khác. Thứ hai, các công ty Ấn Độ hiện hầu như không có khả năng cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc cả về mặt công nghệ lẫn giá cả, đặc biệt trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ cho chính phủ. Thứ ba, đây là động thái cho thấy Ấn Độ thực sự nghiêm túc trong quan hệ với Trung Quốc. Thống kê được Bộ Thương mại và Công nghiệp cho thấy, năm 2017, Ấn Độ đã nhập khẩu linh kiện thiết bị di động và thiết bị mạng từ Trung Quốc đạt 9,4 tỷ USD.

Hiện tại, mục tiêu trong ngắn hạn của Chính phủ Ấn Độ là thúc đẩy việc sử dụng 5G và các công ty Ấn Độ hiện đang thử nghiệm công nghệ 5G với các thiết bị của Huawei. Bản thân các công ty viễn thông Ấn Độ cũng không tán thành lệnh cấm đối với Huawei. Tại một thị trường viễn thông mà doanh thu trung bình từ mỗi người dùng (ARPU) thuộc nhóm thấp nhất thế giới như Ấn Độ thì chi phí thấp là điều cực kỳ quan trọng. Điều này cho thấy lệnh cấm tại Ấn Độ về cơ bản là đã muộn. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn sẽ phải xây dựng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt khi nhập khẩu các thiết bị viễn thông vì lý do an ninh. Mặc dù cũng là đồng minh của Hoa Kỳ, song Anh, Canada và Đức cũng đang cân nhắc trong việc có nên cấm Huawei hay không. Huawei đã cung cấp công nghệ cho các công ty của Anh trong hơn một thập kỷ qua và bản thân nước này cũng rất muốn duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc về thương mại và đầu tư trong bối cảnh Anh đang chuẩn bị thực hiện kế hoạch Brexit. Cần biết thêm là hiện tại các thỏa thuận song phương giữa Anh với Hòa Kỳ và Nhật Bản cũng đều hầu như dậm chân tại chỗ. Hầu hết các công ty viễn thông của Anh như Vodafone, EE và Three đều đã hợp tác với Huawei trong triển khai dịch vụ 5G và sẽ không dễ dàng để thay đổi một sớm một chiều. Trung tâm An ninh mạng Quốc gia của Anh cũng cho biết việc sử dụng các nhà cung cấp khác nhau và hạn chế cấp phép một số cấu phần của mạng 5G có thể giúp giảm thiểu rủi ro từ Huawei. Còn với Đức, nước này có lập trường tương tự với Anh khi cho rằng rủi ro Huawei gây ra có thể được kiểm soát và đã trì hoãn quyết định có cấm các thiết bị của Huawei hay không hồi tháng 2. Các bộ ngành của Đức hiện cũng có quan điểm trái chiều về vấn đề này, đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đang dọa áp thuế bổ sung đối với ô tô nhập khẩu từ châu Âu, thứ có tác động đến kinh tế Đức rõ ràng hơn so với công nghệ 5G.

Riêng với Canada, việc đưa ra lệnh cấm có thể khiến Trung Quốc trả đũa và bản thân Hiệp ước bảo vệ nhà đầu tư cũng đang đe dọa làm phức tạp hóa mọi kế hoạch mà chính phủ của Thủ tướng Trudeau nhằm ngăn cản Huawei tiếp cận mạng 5G của nước này. Trung Quốc cũng đã bắt giữ hai công dân Canada là Michael Spavor và Michael Kovrig sau khi Canada bắt bà Mạnh Vãn Châu.

Có thể thấy, việc bản thân các đồng minh như Canada, Anh và Đức nếu không tham gia cùng Hoa Kỳ bật đèn đỏ đối với các thiết bị viễn thông của Huawei có thể làm chậm lại nỗ lực của Tổng thống Donald Trump trong việc thúc đẩy lệnh cấm Huawei trên toàn cầu.

Nguyễn Trần Minh Trí