Apple bị cáo buộc lấy cắp công nghệ từ các nhà cung cấp

09:12 06/05/2024

Giới chuyên gia cho rằng, Apple được cho là đã chuyển thông tin chi tiết về cách Sony sản xuất màn hình cho một đối tác Trung Quốc có tên SeeYa Technologies.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo The Information, việc trở thành đối tác Apple chưa hẳn là điều tốt đẹp. Trang này dẫn một số nguồn tin nói Apple đã tìm cách "lấy cắp công nghệ một cách hợp pháp" thông qua việc cài cắm điều khoản hợp đồng. Việc này giúp Apple có được công nghệ hoặc quy trình mới từ đối tác sau khi hủy hợp đồng mà không phải chịu bồi thường.

Cụ thể, trong hợp đồng giữa Apple và đối tác có điều khoản trao cho Công ty iPhone "quyền kiểm soát hoặc quyền đồng sở hữu" đối với quy trình sản xuất của nhà cung cấp. Nghĩa là, một đối tác của Apple có thể tốn tiền đầu tư phát triển quy trình và công nghệ sản xuất, nhưng Apple có thể chia sẻ quy trình và công nghệ đó cho một công ty khác.

Điều này đôi khi khiến nhà cung cấp ban đầu bị phá sản. Ví dụ đáng chú ý nhất vào năm 2014, thời điểm GT Advanced Technologies hợp tác với Apple để tạo ra vật liệu màn hình chống trầy xước. Nhà cung cấp này đã nợ gần nửa tỉ USD do nhu cầu ngày càng cao từ Apple và việc từ chối đàm phán lại.

Sau khi GT Advanced Technologies tuyên bố phá sản, Apple đã lấy công thức nguyên liệu mà công ty đó phát triển để đưa cho các nhà cung cấp khác, bao gồm Biel Crystal có trụ sở tại Hồng Kông. Ngoài ra, các cựu nhân viên giấu tên của Apple còn nói thêm rằng nhà sản xuất iPhone đã chia sẻ thông tin chi tiết về công nghệ cho một công ty có tên là Lens để các công ty tăng sức cạnh tranh nhằm tìm kiếm mức giá đàm phán tốt hơn.

Một cáo buộc khác liên quan đến việc Apple đã dành nhiều năm giúp nhà sản xuất màn hình BOE (Trung Quốc) sánh ngang với chất lượng màn hình do Samsung sản xuất. Samsung đã đệ đơn kiện BOE vào tháng 11.2023, mặc dù điều này chỉ dừng lại ở cáo buộc BOE ăn cắp bằng sáng chế.

Các cáo buộc chống lại Apple không làm rõ việc sử dụng các nhà cung cấp đắt tiền để tạo ra công nghệ cho các nhà cung cấp rẻ hơn như thế nào. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, Apple được cho là đã chuyển thông tin chi tiết về cách Sony sản xuất màn hình cho một đối tác Trung Quốc có tên SeeYa Technologies.

Sony đã từng từ chối tăng sản lượng cho kính Apple Vision Pro, buộc "Nhà Táo" phải tìm kiếm giải pháp thay thế.

Do cách Apple thực hiện đều nằm trong điều khoản hợp đồng, các công ty đối tác không phản ứng công khai. Tuy nhiên giờ đây, các công ty đang trở nên khôn ngoan hơn khi "bắt tay" với Apple, BOE đã chần chừ hơn trong việc cam kết cấp vốn đầu tư vào một cơ sở mới. BOE hiện cũng đã ký một thỏa thuận giúp Samvardhana Motherson (Ấn Độ) sản xuất kính bảo vệ iPhone và có thể mua tới 49% cổ phần của công ty đó.

Điều này xảy ra bất chấp việc BOE có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với Apple về những thay đổi trái phép trong quá trình sản xuất màn hình iPhone.

Phương Anh (T/h)

Tags: